5 dấu hiệu phổ biến của ung thư vú
(Dân trí) - Dấu hiệu phổ biến của ung thư vú có thể là xuất hiện khối u ở vú, núm vú bị co rút, chảy dịch, kích thước vú thay đổi hay da vùng ngực bị đỏ, nhăn nheo…
Ung thư vú là bệnh lý ác tính của tế bào tuyến vú. Ung thư vú nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì sẽ cải thiện đáng kể chất lượng sống cho người bệnh. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện sớm và có những giải pháp điều trị phù hợp thì sẽ để lại nhiều hệ lụy đáng tiếc.
Theo BSCK2 Vũ Anh Tuấn, Phó trưởng khoa Phẫu thuật Lồng ngực, Bệnh viện Bạch Mai ung thư vú là bệnh lý ác tính của tế bào tuyến vú. Những người có yếu tố nguy cơ mắc ung thư vú bao gồm:
- Tiền sử gia đình: Phụ nữ có mẹ, con gái, chị/em gái bị ung thư vú, có đột biến gen BRCA1 và BRCA2.
- Tuổi cao: Phụ nữ ≥ 40 tuổi.
- Phụ nữ có tiền sử chiếu xạ vào vùng ngực
- Phụ nữ có tiền sử bị ung thư trước đó: đã bị ung thư một bên vú, ung thư buồng trứng, ung thư nội mạc tử cung, ung thư đại tràng…
- Phụ nữ có hành kinh sớm (trước 12 tuổi) và mãn kinh muộn (sau 55 tuổi).
- Phụ nữ mang thai muộn (> 30 tuổi), không mang thai, không cho con bú.
- Phụ nữ béo phì, hút thuốc lá.
5 dấu hiệu phổ biến của ung thư vú bao gồm:
- Xuất hiện khối u hoặc phần thịt dày lên gần ngực hoặc nách.
- Núm vú bị co rút, thụt vào bên trong.
- Da ở vùng ngực, quầng vú, núm vú bị đỏ, thay đổi màu sắc hoặc nhăn nheo.
- Hình dạng hoặc kích thước vú thay đổi.
- Núm vú bị chảy dịch.
Tự khám là biện pháp quan trọng nhất để phát hiện sớm ung thư vú. Phụ nữ nên tự khám vú đều đặn mỗi tháng một lần, tốt nhất tự kiểm tra sau kỳ kinh nguyệt là lúc vú mềm nhất. Trong gia đình có người thân mắc bệnh thì nguy cơ di truyền càng cao. Nếu bạn phát hiện có khối u hay sự thay đổi của vú, nên đến viện khám càng sớm càng tốt.
Các chị em nên tự khám vú sau kỳ kinh nguyệt khoảng 5 ngày, là lúc tuyến vú mềm và dễ cảm nhận nhất; cần có thói quen khám sức khỏe định kỳ, tầm soát ung thư vú khi qua tuổi 40. Với những chị em có nguy cơ cao (trong gia đình có mẹ hoặc chị em gái mắc ung thư vú, đột biến gen BRCA1/BRCA2; có kinh sớm; không sinh con...), nên đi khám, tầm soát ở lứa tuổi sớm hơn.