30% bệnh nhân ung thư chết vì suy kiệt: Giải pháp là gì?
(Dân trí) - Tinh thần của bệnh nhân có thể tác động đến tiến trình điều trị bệnh. Bệnh nhân nên học cách nhận thức nỗi sợ hãi để kiểm soát cảm xúc và quản lý bệnh tật tốt hơn.
Đừng nghĩ ung thư là án tử
Đối với người bệnh, đặc biệt là người trẻ tuổi khi phát hiện mình mắc phải ung thư sẽ sốc về mặt tâm lý. Bên cạnh đó, họ còn rất khổ sở vì lo gánh nặng gia đình, tài chính, khiến tâm lý trở nên bi quan nặng nề hơn. Cần hiểu rằng cảm giác sợ hãi là điều tự nhiên nhưng đừng để nỗi sợ kéo dài quá lâu bởi nó có thể khiến bạn bị suy nhược.
Theo thống kế của Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm Việt Nam có khoảng 95.000 bệnh nhân tử vong vì ung thư, trong đó 30% chết vì suy kiệt trước khi qua đời do khối u. Và theo một nghiên cứu mới đây từ Trung tâm Ung thư của Trường Đại học Ohio State, Hoa Kỳ đã cho thấy bệnh nhân có vấn đề tâm lý xã hội như rối loạn lo âu (anxiety), trầm cảm, thiếu lạc quan có nguy cơ cao hơn trong việc tái nhập viện sau phẫu thuật cấy ghép tế bào gốc tạo máu (HSCT). Bên cạnh đó, những người này cũng thường nhập viện lâu hơn so với những bệnh nhân có tinh thần tốt hơn.
Các chuyên gia khuyến cáo bệnh nhân ung thư không nên nghĩ rằng, căn bệnh mình mắc phải là án tử. Trên thực tế, 1/3 ung thư có thể dự phòng được, 1/3 các loại ung thư có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, và với tiến bộ khoa học kỹ thuật, các phương pháp điều trị tốt, có thể kéo dài thời gian sống, nâng cao chất lượng cuộc sống cho 1/3 bệnh ung thư còn lại.
Theo PGS.TS Trần Thanh Hương, Phó Viện trưởng Viện Ung thư Quốc gia, dù có lo lắng đến đâu thì bệnh nhân ung thư vẫn cần phải giữ được sự tỉnh táo, mà trước hết là phải biết chọn lọc các nguồn thông tin chính thống để tìm hiểu về bệnh tình của mình. Ngoài ra, có 3 điều sau mà bệnh nhân cần nhớ rõ:
- Thứ nhất, tin tưởng vào điều trị của bác sĩ.
- Thứ hai, nguồn thông tin mình tìm hiểu phải từ chính nơi mình điều trị, từ chính bác sĩ. Với nguồn thông tin chính thống mình mới có thể giảm bớt đi sự lo âu.
- Thứ ba, phải vượt qua sự ngại ngùng, sợ sẻ chia với cán bộ y tế. Cụ thể, khi có bất kỳ vấn đề nào mà mình muốn biết liên quan đến chẩn đoán điều trị, hãy đặt câu hỏi trực tiếp cho các cán bộ y tế. Thậm chí, nếu gặp khó khăn về kinh tế, hãy mạnh dạn hỏi xem tổ chức nào có thể hỗ trợ cho bệnh nhân ung thư.
Tăng cường thể chất để chiến đấu với bệnh tật
Không ít bệnh nhân ung thư sau khi biết về bệnh tình của mình đã chuyển sang chế độ ăn uống kham khổ, vì tin rằng cách này sẽ khiến tế bào ung thư chế đói.
PGS. BS Lê Bạch Mai, nguyên Phó Viện trưởng Viện dinh dưỡng Quốc gia khẳng định, quan điểm khi bị ung thư nếu ăn uống đầy đủ làm cho khối u càng phát triển nhanh là hoàn toàn sai lầm.
Theo giải thích của chuyên gia này, khi mắc bệnh ung thư, quá trình điều trị xạ trị, hóa chất sẽ khiến thể trạng người bệnh suy kiệt rất nhanh. Nếu không có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, người bệnh sẽ không có đủ sức khỏe để tiếp tục điều trị được, dẫn đến thời gian sống sẽ bị rút ngắn, tăng tỷ lệ biến chứng, nhiễm trùng và tử vong.
Do đó, cũng như người khỏe mạnh, bệnh nhân ung thư nên lưu ý bổ sung đa dạng các loại thực phẩm để cơ thể được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng, vitamin, chất xơ, chất chống oxy hóa. Sử dụng thực phẩm tươi, sạch, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và đạt các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.
Nguồn bổ sung protein người bệnh hạn chế nguồn từ thịt đỏ tuy nhiên không nên khắt khe quá, chỉ cần giảm so với thông thường, nên bổ sung nhiều từ cá, trứng, thịt gia cầm. Người bệnh nên kiêng hoặc hạn chế ở mức tối đa đồ ăn chế biến dưới dạng chiên xào, nhiều dầu mỡ, đồ chế biến sẵn như xúc xích, thịt nguội, thức ăn cay nóng. Chất kích thích như rượu, bia, cà phê hay thuốc lá nên tránh tuyệt đối.
Bên cạnh đó, bệnh nhân ung thư nên tập luyện tích cực khi có thể, như đi bộ hằng ngày. Bởi vì hạn chế vận động (ngồi hoặc ngủ quá nhiều) có thể gây giảm khối lượng cơ và tăng lượng mỡ cơ thể.