Cuộc chiến với 3 căn bệnh ung thư của người phụ nữ "thép"

Minh Nhật

(Dân trí) - Chỉ trong vòng 10 năm, bà Thủy liên tiếp nhận tin mình mắc phải 3 căn bệnh ung thư nguy hiểm. Cách mà người phụ nữ này đối mặt với nghịch cảnh khiến mọi người phải ngả mũ thán phục.

Trong căn phòng dành cho bệnh nhân ung thư điều trị nội trú, có một người phụ nữ trung niên luôn cười nói, pha trò. Người mới gặp bà lần đầu không khỏi thắc mắc: “Mang trong mình căn bệnh nan y, sao bà ấy có thể vô tư đến vậy”.

Tuy nhiên, những ai đã quen và biết được câu chuyện của người phụ nữ này, đều phải ngả mũ thán phục trước sự kiên cường, và cách mà bà vượt qua những thử thách đầy khó khăn mà mình phải đối mặt.

Cuộc chiến với 3 căn bệnh ung thư của người phụ nữ thép - 1

Bà Đỗ Thị Thủy đang chiến đấu với 3 căn bệnh ung thư

Bà là Đỗ Thị Thủy, 53 tuổi, ở Đông Anh, Hà Nội. Trong nhiều năm qua, người phụ nữ này đã phải cùng lúc chống chọi không chỉ với 1 mà đến 3 loại ung thư nguy hiểm.

Đón nhận 3 "tin dữ" chỉ trong 10 năm

Quay trở lại năm 2007, bà Thủy phát hiện mình mắc đa u tủy, sau một thời gian bị đau lưng dai dẳng và chân đi không vững.

Lần đầu tiên đối mặt với căn bệnh nan y, bà bị sốc nặng. Cảm giác nặng nề cứ thế theo người phụ nữ này đến nhiều tháng sau.

“Nghe bác sĩ báo tin, tôi cảm thấy như rơi xuống vực thẳm. Suốt nhiều giờ đồng hồ sau, tôi chỉ ngồi đó và khóc. Quả thực, tôi không biết phải đối diện với sự thật này như thế nào”, bà Thủy chia sẻ.

Cuộc chiến với 3 căn bệnh ung thư của người phụ nữ thép - 2

Bà Thủy lần đầu tiên phát hiện mắc ung thư là vào năm 2007

Khối u của bà Thủy nằm ở đốt xương cột sống số 8. Để điều trị, các bác sĩ chỉ định cắt bỏ đốt xương, kết hợp với hóa trị liệu trong 6 tháng để tiêu diệt triệt để các tế bào ác tính còn sót lại.

Sau điều trị, sức khỏe của bà Thủy dần hồi phục. Với sự động viên của gia đình, bà cũng quên đi căn bệnh mà mình mắc phải, để quay lại với nhịp sống thường ngày. Thế nhưng khoảng thời gian bình yên này cũng không kéo dài được bao lâu.

3 năm sau, bà Thủy lại một lần nữa ngã quỵ khi hay tin mình mắc ung thư vú, và bệnh hiện cũng đã ở giai đoạn 3. Ca phẫu thuật trước đã lấy đi của bà Thủy 1 đốt xương sống, thì lần này là toàn bộ 1 bên ngực. Cùng với đó, bà Thủy còn trải qua 25 lần xạ trị và 6 lần truyền hóa chất.

z2113883938412_9ea1129de4c9ad28c4ac28fa2127f44e.jpg

Trải qua 3 lần nhận "tin dữ", người phụ nữ này đã tập cho mình cách sống lạc quan, yêu đời

Căn bệnh ung thư thứ 3 ập đến vào năm 2016, đó là ung thư tuyến nước bọt. Bác sĩ thăm khám cho bà Thủy kết luận tình trạng của bà rất nguy hiểm. Nếu can thiệp sâu vào khối u, bà sẽ đối mặt với nguy cơ liệt mặt, méo miệng.

Thế nhưng, khác với 2 lần trước, bà Thủy không còn bị sốc khi biết mình bị ung thư. Với tâm thế của một người từng trải, bà bình tĩnh, lạc quan vượt qua ca phẫu thuật, 35 lần xạ trị liều cao và 7 lần truyền hóa chất kéo dài 1 năm trời.

Thích ứng với nghịch cảnh để chung sống với ung thư

“Đứng vững trước những thử thách và thích ứng với nghịch cảnh”, đó là cách bà Thủy tóm gọn cuộc chiến của mình với ung thư.

Theo người phụ nữ này, thứ mà bệnh nhân ung thư phải đối mặt không chỉ là khối u, mà còn là tác dụng phụ của các phương pháp điều trị.

“Mỗi lần hóa, xạ trị, cơ thể của tôi lại kiệt quệ, nôn không ngừng, chẳng màng đến ăn uống gì”, bà nói.

Mái tóc từng dài  đến đầu gối của bà Thủy cũng vì hóa chất mà rụng dần, cuối cùng để trơ mái đầu trọc lọc. Rồi đến bầu ngực cũng vì điều trị mà không còn nguyên vẹn. Là phụ nữ, vượt qua những thử thách này cũng là cả một cố gắng lớn.

Cuộc chiến với 3 căn bệnh ung thư của người phụ nữ thép - 4

“Tôi cố gắng sống tích cực nhất có thể. Đọc sách, nghe nhạc, trò chuyện cùng bạn bè, con cháu, đi bơi, tập dưỡng sinh…, tôi làm những gì mà mình thấy vui”, bà tâm sự.

Bà chia sẻ: “Tôi phải học cách chấp nhận nghịch cảnh và quen dần với cơ thể mới của mình. Lần đầu tiên truyền hóa chất, thấy từng mảng tóc lớn rụng trên tay, tôi đã bật khóc. Thế rồi cũng quen, tôi nghĩ ra cách hạn chế tối đa chải đầu hay vuốt tóc để tóc đỡ rụng, nhất là trước mỗi dịp sự kiện quan trọng như sinh nhật con cháu”.

“Phải để dành tóc để mình được đẹp nhất có thể trước mặt mọi người, như vậy mình cũng thoải mái và tự tin hơn”, người phụ nữ này mỉm cười.

Từ khi mắc bệnh, bà Thủy cũng cảm thấy trân quý cuộc sống của mình hơn. Với bà, mỗi ngày được sống là một món quà và bản thân không được bỏ phí.

“Tôi cố gắng sống tích cực nhất có thể. Đọc sách, nghe nhạc, trò chuyện cùng bạn bè, con cháu, đi bơi, tập dưỡng sinh…, tôi làm những gì mà mình thấy vui”, bà tâm sự.

Ung thư vú là gì, có đáng sợ hay không?

Ung thư vú là căn bệnh ung thư phổ biến ở phụ nữ Việt Nam và trên thế giới. Tại Việt Nam, năm 2018 có 164.671 số ca mắc mới ung thư, trong đó ung thư vú chiếm 15.229 ca (9,2%).

Trong 5 loại ung thư hay gặp nhất ở nữ giới, ung thư vú đứng vị trí đầu bảng với 43,1/100.000 dân, với tỉ lệ tử vong 12,9/100.000 dân. Tiếp đến là ung thư đại trực tràng, ung thư cổ tử cung, ung thư phổi, ung thư tử cung.

Trong các loại ung thư ở nữ giới, ung thư vú, cổ tử cung đều có thể sàng lọc và phát hiện sớm. Đặc biệt là với ung thư vú là bệnh dễ phát hiện sớm nhất, là vì bệnh nhân tự sờ thấy được.

Với bệnh ung thư nếu được phát hiện sớm thì sẽ điều trị khỏi, tỷ lệ sống trên 5 năm tương đối cao, đặc biệt là với bệnh ung thư vú. Bệnh nhân ung thư vú nếu phát hiện sớm ở giai đoạn I thì tỷ lệ sống trên 5 năm là 100%, với ung thư cổ tử cung là 80-93%, ung thư đại trực tràng là 88%...

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm