Bệnh nhân ung thư vú và những tổn thương không đến từ khối u

Minh Nhật

(Dân trí) - Đối với bệnh nhân ung thư vú, cú sốc lớn nhất đôi khi không phải đến từ khối u, mà là việc phải chung sống với một “niềm kiêu hãnh” đã không còn nguyên vẹn.

Bệnh nhân ung thư vú phải chịu “tổn thương kép”

Ung thư vú là một trong những loại ung thư có tiên lượng tốt nhất. Tuy nhiên, mặt trái của điều trị ung thư vú là gây tổn thương tinh thần rất lớn cho bệnh nhân. Bởi với phái đẹp, phải cắt bỏ một phần hay toàn bộ ngực, cũng giống như đang tước đi niềm kiêu hãnh của bản thân.

Chị Đ.T.H, 28 tuổi, ở Hà Nội được phát hiện ung thư vú cách đây không lâu. Sau ca phẫu thuật cắt bỏ khối u, chị H. chỉ còn một bên ngực nguyên vẹn.

Bệnh nhân ung thư vú và những tổn thương không đến từ khối u - 1

Bệnh nhân ung thư vú sau phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn một bên tuyến vú

Chị H. tâm sự rằng, mỗi lần đi tắm, cởi áo ra nhìn mình trước gương bản thân lại cảm thấy bị sốc. Phần ngực phẳng lỳ với vết sẹo lớn khiến chị không thể quên được căn bệnh ung thư mà mình đã mắc phải.

Vòng một không còn nguyên vẹn, chị H. cũng trở nên ngại tiếp xúc với mọi người. “Khi sửa soạn váy áo đi đám cưới, dự tiệc hay đơn giản là gặp bạn bè, tôi lại cảm thấy tủi thân. Những ý nghĩ về căn bệnh nan y mà mình mắc phải lại ùa về, nên tôi không thể nào vui lên được”, chị H. bộc bạch.

“Đối với người phụ nữ, việc phải cắt bỏ vú là một cú sốc lớn. Do đó, bệnh nhân ung thư vú khó có thể quay lại với cuộc sống bình thường”, TS. BS. Phạm Thị Việt Dung, Trưởng đơn vị Tạo hình Thẩm mỹ Công nghệ cao, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Bệnh nhân ung thư vú và những tổn thương không đến từ khối u - 2

TS. BS Phạm Thị Việt Dung, Trưởng đơn vị Tạo hình Thẩm mỹ Công nghệ cao, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội

Chuyên gia này cho biết thêm nhiều bệnh nhân ung thư vú tâm sự rằng khi biết bản thân mắc ung thư vú họ bị sốc, nhưng không sốc bằng lúc nghe bác sĩ bảo sẽ phải cắt toàn bộ vú đi.

Thực tế tại Việt Nam, trong điều trị ung thư, người dân vẫn thường chỉ quan tâm đến thời gian sống thêm sau điều trị, mà quên đi tầm quan trọng của việc cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân ung thư.

Bệnh nhân ung thư vú và những tổn thương không đến từ khối u - 3

Đại đa số phụ nữ mắc ung thư vú, vẫn đang hàng ngày phải chấp nhận chung sống với vết thương tinh thần

Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến thực trạng đại đa số phụ nữ mắc ung thư vú, vẫn đang hàng ngày phải chấp nhận chung sống với vết thương tinh thần và sự tự ti, khi biểu tượng nhan sắc của mình đã không còn nguyên vẹn.

PGS.TS. Tô Thanh Phương, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, nhận định tâm lý tiêu cực khiến bệnh nhân ung thư dễ rơi vào trầm cảm.

Theo chuyên gia này, trầm cảm tác động đến sức khỏe, cuộc sống của bệnh nhân ung thư trên nhiều khía cạnh.

Bệnh nhân ung thư vú và những tổn thương không đến từ khối u - 4

Tâm lý tiêu cực khiến bệnh nhân ung thư dễ rơi vào trầm cảm

“Bệnh nhân ung thư sức đề kháng kém, khi mắc trầm cảm lại càng trở nên kém hơn. Điều này khiến bệnh tiến triển nhanh và rút ngắn thời gian sống của bệnh nhân” - BS Phương chia sẻ.

Chưa dừng lại ở đó, trầm cảm khiến bệnh nhân ung thư chán ăn, bỏ ăn dẫn đến cơ thể nhanh bị suy kiệt. Trên thực tế, nhiều bệnh nhân ung thư chết vì mất sức, suy kiệt trước khi chết vì căn bệnh mình đang mang trong người.

Lấy lại niềm kiêu hãnh cho phụ nữ mắc ung thư vú

Theo BS Dung, phẫu thuật tái tạo vú là một giải pháp để hướng đến việc điều trị toàn diện cho bệnh nhân ung thư vú.

BS Dung lý giải, khi khiếm khuyết trên cơ thể gần như không còn, bệnh nhân sẽ nhanh chóng hòa nhập trở lại với cuộc sống đời thường. Nhờ ổn định tâm lý, việc hồi phục thể chất cũng được đẩy nhanh, và từ đó cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống.

Bệnh nhân ung thư vú và những tổn thương không đến từ khối u - 5

Một bệnh nhân ung thư vú được phẫu thuật tái tạo tuyến vú sau khi đã cắt bỏ. Theo BS Dung, khi bệnh nhân ổn định sẽ được tiến hành tiếp phẫu thuật tái tạo nhũ hoa

“Mỗi bệnh nhân sau khi phẫu thuật tái tạo vú sẽ được chúng tôi yêu cầu tái khám định kỳ. Mỗi lần gặp lại họ chúng tôi đều cảm nhận rõ sự thay đổi về suy nghĩ theo hướng tích cực”, BS Dung chia sẻ.

Chuyên gia này nhấn mạnh: “Tinh thần lạc quan, vui vẻ đó là liều thuốc cực kì hữu hiệu đối với các bệnh nhân và cũng là giá trị lớn nhất mà phẫu thuật tạo hình vú mang lại”.

Thách thức trong tái tạo vú cho bệnh nhân ung thư

Theo BS Dung, tái tạo vú cho bệnh nhân ung thư vú là một phẫu thuật khó. Số cơ sở y tế có thể thực hiện loại phẫu thuật này cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

“Phẫu thuật tái tạo vú cho bệnh nhân ung thư khó hơn nhiều so với phẫu thuật tạo hình vú cho người bình thường. Mỗi ca phẫu thuật kéo dài đến 3- 6 tiếng tùy theo từng phương pháp. Không chỉ vậy, nó đòi hỏi phẫu thuật viên phải có kiến thức tạo hình rất tốt. Bên cạnh đó là kỹ năng về các kỹ thuật rất chuyên sâu như phẫu thuật vi phẫu, chuyển vạt da cơ…, đây là điều một bác sĩ phẫu thuật tạo hình thông thường ít khi làm được”, BS Dung cho hay.

Bệnh nhân ung thư vú và những tổn thương không đến từ khối u - 6

BS Dung (bên trái) trong một ca phẫu thuật tạo hình vú

Theo giải thích của chuyên gia phẫu thuật tạo hình này, khi bệnh nhân ung thư cắt bỏ vú, toàn bộ mô tuyến vú và một phần da cũng bị lấy đi. Trong một số trường hợp, khi tổn thương ung thư lan rộng, phần da bị cắt bỏ nhiều gây khó khăn trong việc đóng kín vết mổ.

Vấn đề sẽ phức tạp hơn nữa nếu bệnh nhân phải nạo vét hạch và xạ trị trong quá trình điều trị. Bởi vì, tác dụng phụ của xạ trị là làm tổn thương các tế bào, mô khỏe mạnh, nên toàn bộ da thậm chí là xương sụn ở vùng xạ trị sẽ bị tổn thương và trở nên rất yếu.

“Trong trường hợp này, nguy cơ thất bại hoặc dẫn đến hoại tử khi phẫu thuật tái tạo ngực sẽ cao hơn và bác sĩ sẽ phải thận trọng cân nhắc hơn trong việc lựa chọn phương pháp tạo hình ”, BS Dung nói.