2 anh em ngộ độc botulinum vẫn liệt cơ nặng, tiên lượng dè dặt
(Dân trí) - "Chúng tôi vẫn đang cố gắng ngăn chặn diễn tiến bệnh xấu hơn. Tuy nhiên, không thể nói trước những khả năng có thể xảy ra..." - bác sĩ thông tin tình trạng 2 bệnh nhân ngộ độc botulinum nặng.
Chiều 26/5, đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) đã cập nhật tình hình sức khỏe mới nhất của hai bệnh nhân 18 tuổi và 26 tuổi (là anh em ruột, ngụ TP Thủ Đức) bị ngộ độc botulinum, sau khi ăn bánh mì kèm một loại chả lụa bán dạo.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Đỗ Thị Ngọc Khánh, Phó khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM cho biết, bệnh nhân 18 tuổi nhập viện ngày 13/5. Trải qua 14 ngày điều trị, người em từ chỗ bệnh nặng, liệt cơ (sức cơ tứ chi 1/5), đến nay vẫn chưa thấy có sự cải thiện, hồi phục.
Còn bệnh nhân 26 tuổi nhập viện trong tình trạng khá hơn người em, nhưng đến nay lại diễn tiến nặng hơn, liệt cơ tăng dần. Hiện, sức cơ tứ chi người anh là khoảng 2-3/5.
Theo bác sĩ Khánh, 2 bệnh nhân trên vẫn đang nằm ở phòng hồi sức tích cực của khoa Bệnh Nhiệt đới. "Chúng tôi vẫn đang cố gắng dùng phương pháp điều trị tích cực để phòng ngừa những biến cố, ngăn chặn diễn tiến bệnh xấu hơn. Tuy nhiên, chúng tôi không thể nói trước được những khả năng có thể xảy ra với hai bệnh nhân" - bác sĩ Khánh thông tin.
Còn tại Bệnh viện Nhi đồng 2, đến ngày 26/5, bé N.V.H. (14 tuổi, ngụ TP Thủ Đức), một trong 3 anh em ruột ngộ độc botulinum đã hồi phục hoàn toàn sức cơ tứ chi, hết sụp mi, tự thở và ăn uống được, sau hơn một tuần điều trị. Bé đã được các y bác sĩ khoa Nội tổng hợp làm thủ tục xuất viện trong chiều cùng ngày.
Trong khi đó, bệnh nhân N.V.Đ. (13 tuổi, em trai bé H.) vẫn chưa cải thiện sức cơ tứ chi, còn sụp mi, chưa tự thở, liệt ruột. Bệnh nhi đã được mở khí quản ngày 24/5 và tiếp tục thở máy thông số thấp, dinh dưỡng đường tĩnh mạch. Còn bé N.T.X. (10 tuổi) tự thở yếu, sức cơ 2 chi trên, 2 chi dưới lần lượt là 4/5 và 2/5, đã cai máy một lần nhưng thất bại.
Trong ngày 25/5, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã hội chẩn với Bệnh viện Chợ Rẫy và thống nhất cả hai bé Đ. và X. sẽ được tiếp tục điều trị nâng đỡ (thở máy, dinh dưỡng, chống nhiễm trùng, chăm sóc nằm lâu), không có chỉ định dùng thêm BAT.
Từ ngày 13/5, TPHCM ghi nhận 6 người (đều ngụ TP Thủ Đức) xuất hiện các triệu chứng của ngộ độc botulinum, phải nhập 3 bệnh viện. 5 trường hợp đã ăn bánh mì kèm với một loại chả lụa bán dạo, người còn lại là một nam bệnh nhân 45 tuổi ăn một loại mắm để lâu ngày.
Đến tối 24/5, người đàn ông 45 tuổi đã tử vong vì biến chứng nặng, không kịp dùng thuốc giải BAT (8.000 USD/lọ) được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) viện trợ khẩn cấp cho Việt Nam.