Tết Mậu Thân 1968 - 2008: Mùa xuân năm ấy
(Dân trí) - Kết thúc chiến dịch X2, tôi được cấp trên tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng 3 và được tập thể đơn vị chọn đi báo cáo điển hình ở Đại hội chiến sĩ thi đua các lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Đà.
Đại hội xong, tôi mới vừa về đến đơn vị Đặc công tiểu đoàn 489, thì được cấp trên điều sang nhận nhiệm vụ đặc biệt, với chức vụ Đại đội trưởng đại đội Đặc công biệt động (Lê Độ) vào Đà Nẵng hoạt động đơn tuyến hợp pháp, nhiệm vụ được giao là điều tra một số cơ quan đầu não của Mỹ - Ngụy ở Quảng Nam - Đà Nẵng.
Hoạt động được một thời gian, tôi trở ra vùng giải phóng gặp đồng chí Phạm Như Hiền (Kim) quận đội trưởng quận 2 Đà Nẵng để báo cáo kết quả những việc đã làm và nhận lệnh khẩn trương chuẩn bị cho chiến dịch mùa xuân Kỷ Dậu.
Báo cáo và nhận lệnh xong, với giấy thông hành hợp pháp, tôi về lại Đà Nẵng vào những ngày thời gian sắp gõ cửa nàng xuân. Hoa mai vàng cùng với các loài hoa khác nở rộ, khoe sắc, đua màu như để đón chào một mùa xuân mới.
Năm đó, lần đầu tiên trong quãng đời binh nghiệp của mình, tôi phải ăn tết xa đồng đội: ở nơi đô thành hoa lệ, nơi sào huyệt của quân thù ở vùng I chiến thuật, nơi mà bọn chúng từng rêu rao “bất khả xâm phạm” đối với “Việt cộng”.
Nhưng chính nơi này, chúng đã kinh hồn, khiếp vía, phải chui rúc, náu mình vào các hầm ngầm cố thủ. Vì những tiếng súng của quân và dân Quảng Nam - Đà Nẵng, cùng với tiếng súng của quân và dân toàn miền Nam trong đợt tổng tiến công nổi dậy đêm giao thừa của Tết Mậu Thân 1968 và các chiến dịch kế tiếp. Nên tết này, chúng ra sức bố phòng rất nghiêm ngặt, sợ Việt cộng lặp lại mùa xuân năm trước.
Chiều 30 Tết, tôi xuất hiện trên đường phố Đà Nẵng với bộ binh phục rằn ri của lính biệt động, mang lon thiếu uý, đi honda trong thành phố, qua các nơi: khách sạn Đà Nẵng, nơi có nhiều lính Mỹ đồn trú, Nha cảnh sát Trung phần, Ty cảnh sát Gia Long để quan sát, kiểm tra về cách bố phòng của chúng trong dịp Tết.
Sau đó tôi chạy thẳng đến chợ Vườn Hoa, chọn mua một cành hoa mai, chạy ra đường Thống Nhất (nay là Lê Duẩn) vào nhà ông Võ Xuân Định và bà Lê Thị Dưa (cháu của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn) ở số 90B, là cơ sở cách mạng. Chủ nhà nhận cành mai đặt ở phòng khách ngày Tết, cài lên cành mai vàng những thiếp Cung chúc Tân Xuân.
Bữa cơm chiều 30 đón ông bà xong, chủ nhà dẫn tôi lên tầng 2 đưa cho tôi một chiếc radio nhỏ. Tắt điện, rồi bước nhanh xuống tầng dưới, tôi nằm áp sát máy vào tai, lắng nghe những bài hát ngợi ca Đảng, ngợi ca mùa xuân bất tận, mà lòng nao nao, mong sao chóng đến giờ giao thừa, để nghe Bác Hồ chúc tết.
Bỗng tiếng chuông đồng hồ ở phòng dưới reo lên như “tiễn chân” năm cũ. Tiếng Bác Hồ ấm áp vang xa:
Năm qua thắng lợi vẻ vang
Năm nay tiền tuyến ắt càng thắng to
Vì độc lập, vì tự do
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào
Tiến lên chiến sĩ, đồng bào
Bắc - Nam sum họp xuân nào vui hơn.
Tôi không cầm được nước mắt, vì quá xúc động với những lời thơ chúc tết của Bác Hồ. Đó là mệnh lệnh, tiếng kèn xông trận trên khắp các chiến trường miền Nam, là niềm tin tất thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta.
Tôi càng thấy trách nhiệm của mình rất nặng nề, phải cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của trận tuyến ngầm mà cấp trên đã giao phó để góp phần nhỏ bé của mình vào cuộc kháng chiến vĩ đại của toàn dân, sớm đón Bác vào thăm miền Nam. Nhưng có ngờ đâu, lần chúc tết năm đó cũng là tết cuối cùng của Bác trước lúc đi xa…
Sáng ngày mùng 1 tết, tôi mặc bộ veston thẳng tắp, với giấy thông hành là thương gia, giả đi chúc tết một số gia đình bà con tộc họ, nhưng thực ra là đi kiểm tra cơ sở, vũ khí và quân đã chuyển vào đến đâu, để đảm bảo cho trận đánh thắng lợi, khi có lệnh.
Sau khi cưỡi honda chạy quanh thành phố một vòng, soát xét lại toàn bộ tình hình địch, tối mùng 1 tết, tôi nhận được mật lệnh từ vùng giải phóng giao nhiệm vụ tiếp theo, tôi hợp pháp ra vùng giải phóng ở thôn 1, xã Điện Ngọc, gặp anh Phạm Như Hiền để báo cáo kế hoạch và kết quả công tác chuẩn bị.
Anh Hiền phê duyệt phương án tác chiến do tôi trình bày, rồi giao từng nhiệm vụ cụ thể, bổ sung thêm một số chi tiết trong phương án tác chiến và quy định giờ hợp đồng nổ súng. Chia tay anh, tôi trở lại Đà Nẵng.
Sáng mùng 5 tết, không khí vui tết, đón xuân vẫn còn ấm cúng trong mỗi gia đình, trầm hương nghi ngút trên bàn thờ tổ tiên, nhưng ngoài đường thì người đi vãn cảnh, du xuân rất ít. Vì khắp các nẻo đường, góc phố, ở đâu cũng có trạm kiểm soát giấy tờ và lục soát khi có nghi vấn của bọn cảnh sát dã chiến, làm cho không khí ngày xuân lắng xuống rất nhanh.
Trước giờ G (23 giờ) là giờ các chiến sĩ đặc công biệt động nổ súng, thì lúc 21 giờ, tôi chẳng may sa vào tay giặc, vì một tên phản bội chỉ điểm. Chúng đưa tôi vào giam ở sở an ninh quân đội để khai thác suốt một tuần, rồi chuyển tôi về giam ở Trung tâm thẩm vấn Thanh Bình.
Tên Lê Văn Tiến trưởng phòng thẩm vấn trực tiếp tra khảo, khai thác tôi. Dùng đủ ngón nghề ác độc, hòng bắt tôi phải khai ra những cơ sở cách mạng trong thành phố và kế hoạch hoạt động của ta trong mùa xuân này, nhưng tôi cắn răng chịu đựng những cực hình đòn roi thiếu sống, thừa chết.
Chúng không moi được lời nào của tôi ngay từ khi mới bị bắt, nên giờ G, các điểm nằm trong kế hoạch tác chiến đồng loạt nổ súng, làm cho kẻ địch bất ngờ với lối đánh “xuất quỷ, nhập thần” của đặc công biệt động.
Sau mấy ngày giam cầm, tên Tiến lại tra hỏi tiếp: Đêm giao thừa, mày có nghe thơ chúc tết của ông Hồ không?
Sao lại không - Tôi sảng giọng - Đối với những người cách mạng thì đó là mệnh lệnh, là niềm tin tất thắng để chiến đấu quét sạch bọn Mỹ xâm lược ra khỏi đất nước.
Nó lại hỏi tiếp: Mày tin à?
Sẽ có mùa xuân Bắc - Nam sum họp như lời thơ của Bác, chứ không như ông (tên phản bội) nên ông mới làm tay sai cho bọn Mỹ, can tâm bắt tôi tra tấn.
Nghe tôi trả lời vậy, tên Tiến nhột ý, vứt dùi cui xuống đất, kêu bọn cấp dưới đưa tôi về xà lim, rồi lần lượt đưa đi giam khắp các lao tù. Và cuối cùng mở phiên toà quân sự lưu động đặc biệt kết án tử hình.
Nhưng tôi kiên quyết đấu tranh với bọn chúng. Tôi nói: “Nều các ông xử tôi, thì lập tức các đồng đội của tôi sẽ bắt 2 tù binh Mỹ thế mạng”. Chắc chúng sợ quan thầy của chúng nên sau khi nghị án, chúng hạ mức tù xuống còn chung thân, đầy ra Côn Đảo “hưởng” trọn 5 “mùa xuân” tại phòng biệt giam cấm cố ở địa ngục trần gian.
Đến tháng 2/1974, theo Hiệp định Paris, tôi được chúng trao trả về với cách mạng, tham gia giải phóng thành phố Đà Nẵng trong mùa xuân đại thắng năm 1975.
Xuân Mậu Tý này là tròn 39 mùa xuân, nhân dân và tôi được hưởng những mùa xuân trong khung cảnh đất nước thành bình, tự do, không còn những mùa xuân u ám, súng nổ, bom rền của thời Mỹ - Ngụy nhưng tôi không làm sao quên được những kỷ niệm đẹp đẽ của đời mình trong mùa xuân năm ấy.
Phạm Thành Nghi
(Ghi theo lời Nguyễn Đình Tham kể)