1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nét hoang sơ cuối cùng

(Dân trí) - Đang sống trong nhịp sống sôi động, ồn ào, bỗng một khi nào đó bạn bất chợt gặp một nét thiên nhiên thật hoang sơ, cảm nhận của bạn sẽ thế nào? Hôm trước một người bạn của tôi nói, rất có thể chúng ta sẽ không còn gặp những nét hoang sơ còn lại nữa, tất cả theo thời gian sẽ đều bị xoá nhoà.

Với tôi thì vẻ đẹp hoang sơ bao giờ cũng rất tuyệt vời. Chính vì vậy mà khi nghe được thông tin có thể những cái cọn nước hay chiếc cầu ống bương chênh vênh qua suối  ở Hoà Bình sẽ không còn nữa tôi vội vàng lên đường.

 

Hoà Bình chỉ cách Hà Nội chưa đến trăm cây số nhưng có lẽ là nơi còn giữ được những nét hoang sơ đẹp đến lặng người. Ngay cả vùng Phanxipăng hay Sapa thì vẻ hoang sơ cũng gần như biến mất thì Hoà Bình có lẽ do chưa có nhiều nét kỳ thú của thiên nhiên nên chưa bị khách du lịch hiếu kỳ kéo đến.

Buổi sáng ngày 15/3, trong cơn mưa rả rích, bỗng trời hửng nắng. Chúng tôi đến được khu Bãi Chạo, nối con đường từ Lương Sơn lên Kim Bôi và bắt gặp nét hoang sơ đầu tiên: Câu cầu ống bương bắc qua dòng suối mùa khô. Tiến, cậu học sinh vừa dắt xe đạp qua cầu vừa kể cho chúng tôi, cây cầu này là lối đi lại duy nhất có từ bao lâu nay giữa hai vùng. Nhưng nếu vào mùa lũ thì có khi cây cầu cũng có thể bị cuốn phăng đi. Không có một trụ xi măng, cũng không có sắt thép, cây cầu ống bương như một nét vẽ đẹp giữa vùng đồi núi hoang sơ Hoà Bình. Có thể chỉ một hai tháng nữa, đúng vào mùa lũ, nếu còn qua đây cây cầu có thể sẽ không còn nữa.

 

Đi thêm khoảng hơn chục cây số nữa, tôi gặp một hình ảnh rất thân quen của một Hoà Bình xưa cũ: Những cái cọn nước. Người Mường gọi nó là “cọn” nước, có nghĩa những bánh xe quay với đường kính rộng hàng mét được bắc ngang con suối để dẫn nước vào cánh đồng. Theo ông Chi, một người dân sống đã hơn 50 năm ở đây kể thì cái “cọn” nước này có từ thời ông mới sinh ra. Bao năm qua nó vẫn làm cái việc cần mẫn là  đưa nước qua những cái ống và chảy vào tưới cho cánh đồng tươi tốt. “Cọn” nước lại không đứng lẻ loi mà thành một nhóm để tận dụng tất cả sức nước.

 

Tôi sờ vào những mấu thừng và những cánh tay đòn bằng tre đen bóng. Giật mình bởi tiếng máy bơm nước đâu đây. Người ta đang chuẩn bị những cái máy bơm nước để bơm nước vào cánh đồng. Có thể người ta đã nghĩ đến việc những cái “cọn” nước đã già và đến lúc nó phải khai tử.

 

Tôi đi tìm những người già ở vùng Bãi Chạo nhưng chẳng ai có thể trả lời những cái “cọn” nước sẽ còn tồn tại đến bao lâu nữa.

 

Nếu lúc nào đó những cây cầu ống bương, những mái nhà sàn và những cái “cọn” nước không còn nữa thì những nét hoang sơ cuối cùng của vùng Hoà Bình có thể cũng sẽ biến mất.

 

Kiều Nga