1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM vào mùa mưa

Long đong “nghề chui hầm"

Chui lên từ miệng cống nồng nặc mùi hôi, vừa chùi sình, phủi rác, ông Phi lẩm bẩm: "Còn tám năm nữa là đến tuổi hưu nhưng có lẽ tui không dám chờ tới lúc đó. Ráng cày thêm hai, ba năm nữa rồi xin nghỉ, chứ cứ chui như vầy hoài chắc đi... bán muối trước khi đủ tuổi hưu".

Nguồn thu chính của gia đình

 

Ông Phi là công nhân nạo vét cống của Đội 3, thuộc Xí nghiệp thoát nước số 4. Đến nhà ông vào một buổi sáng, ông niềm nở mời: "Vào nhậu với anh em tụi tui cho vui. Toàn dân chui hầm không hà...". Ngoài ông Phi còn có Lắm, Hải, Sơn.

 

Nghe chúng tôi hỏi họ tên đầy đủ, họ chỉ cười, "Tên đủ rồi, thêm họ nữa làm chi, nghề này vinh dự gì đâu mà phải cần cả tên họ...". Hải cười nói vậy, và rồi mọi người lại quây quần trên nền xi-măng. Buổi nhậu chỉ có vài miếng giò, bò viên với nửa lít rượu đế.

 

Nhà của ông Phi chỉ chừng 20m2. Giữa căn nhà đơn sơ đó là bàn thờ của vợ ông. Bà mới qua đời. Trừ bàn thờ vợ, căn nhà của người công nhân chui hầm này chẳng còn gì đáng giá. Mái nhà có hàng trăm lỗ thủng, "phòng vệ sinh" không có cửa. Nhưng thế cũng là may mắn rồi. Ông bảo: "Nhờ công ty giúp nên tui mới có nhà thế này, chứ hồi trước, đây chỉ là căn lều lá. Dù sao mình cũng còn may mắn hơn nhiều anh em khác đang còn phải đi thuê nhà...".

 

Ông Phi có ba người con. Đứa lớn nhất 21 tuổi, đang đi dọn dẹp, quét rác thuê, mỗi tháng chỉ kiếm được gần 400.000 đồng. Đứa giữa tham gia dân phòng, mỗi tháng được hỗ trợ 50.000 đồng, nếu làm thêm ban đêm thì thu nhập ngót nghét 200.000 đồng. Thằng út mới lên 8, đang đi học và trước tết được bảo vệ của trường hộ tống về tận nhà vì chưa... đóng học phí.

 

Cả gia đình bốn người này trông vào tiền chui hầm của ông Phi. Ông kể: "Cộng hết các khoản thu nhập cũng được 2 triệu đồng/tháng. Trừ tiền ăn, tiền học cho con, cũng dư chút đỉnh để dành dụm, nhưng vì bả bịnh nặng rồi mất nên giờ chẳng còn gì". Ông Hải, bạn ông Phi kể thêm là vợ ông Phi bị viêm phổi, ông phải vay nóng để lo thuốc thang cho đến khi không vay nổi nữa thì bà "đi"...

 

Xóm ông Phi ở là một cư xá cũ của ngành giao thông công chánh. Xóm này có khoảng 200 căn nhà, thì 1/3 là công nhân ngành thoát nước. Chui ra, chui vào hệ thống ống cống ở đô thị hoa lệ này đã trở thành nghiệp cha truyền con nối.

 

Ông Hải tâm sự: "Cha mẹ tui sống bằng nghề này, tới đời tui cũng vậy. Thế nhưng tui sợ nhất là lũ con tui theo nghề này...". Cha của ông làm nghề này cho đến khi bệnh quá, chui hầm không nổi nữa mới chuyển qua lái xe chở nhựa đường, nhưng cũng chỉ được vài năm thì phải nghỉ mất sức khi mới 55 tuổi.

 

Ông Hải theo nghề đã 20 năm nhưng với ông, "chui hầm" vẫn là công việc "cực chẳng đã" vì nguồn thu chính của cả gia đình sáu thành viên vẫn là khoản lương của ông. "Đủ ăn là đã mừng lắm rồi".

 

Hiểm nguy rình rập...

 

Xoay ly rượu uống dở trong tay, ông Lắm tâm sự: "Tụi tôi chỉ mong đủ sống qua ngày. Không dám nghĩ tới ngày mai vì làm nghề này chẳng ai biết ngày mai sẽ thế nào...". Không phải tự nhiên mà ông bảo thế. Mới hôm qua, khi gom rác dưới lòng cống, một đồng nghiệp của ông bị ống chích cắm sâu vào lòng bàn tay. Vừa đau, vừa sợ nhưng người bạn đó không dám đến bệnh viện để kiểm tra, vì... có phát hiện bệnh cũng đâu có tiền chữa!

 

Công nhân thoát nước vốn đã cực, song lao động trên mặt đất khổ một thì làm việc dưới lòng cống khổ mười. Hồi mới vào nghề, do chưa có kinh nghiệm nên ông Lắm không phát hiện thang sắt đã mục. Leo xuống nửa chừng, thang gãy, cả ông lẫn thang cùng rơi xuống đáy hầm. Một đoạn sắt xuyên qua đùi, anh em phải thòng dây xuống kéo lên và ông Lắm phải nằm nhà hơn một tháng.

 

Tai nạn nghề nghiệp của công nhân móc cống thiên hình vạn trạng. Ông Đức cũng gặp không ít tai nạn nhớ đời. Có lần, khi cùng anh em móc cống trong một khu dân cư, tuy đã thông báo trước cho dân biết thời gian thi công, nhưng khi đang loay hoay trong lòng cống để gom rác và sình thì ông và đồng nghiệp vẫn hứng trọn một đống phân tươi do người ta xối ra cống. Ức, nhưng đành ngậm bồ hòn và sau đó cạy cục xin xỏ mãi mới có một gia đình đồng ý cho vào tắm rửa.

 

Trong hành trang của một đội công nhân chui hầm, ngoài vật dụng lao động, không đội nào thiếu túi cấp cứu. "Đặc biệt là thuốc phỏng, và đáng sợ nhất là làm tại địa bàn quận 5", ông Hải bảo. Người công nhân có 20 năm thâm niên này đã từng suýt chết. Lần đó, khi đang lặn ngụp trong nước cống thì đột nhiên ông cảm thấy toàn thân bỏng rát, nghẹt thở, ông kêu cứu để nhờ đồng nghiệp kéo lên. Toàn thân ông phỏng rộp, nhiều chỗ da bong ra, trơ thịt. Kiểm tra lại mới phát hiện có một cơ sở nhuộm thải nước có hoá chất ra cống.

 

... Nợ vẫn hoàn nợ

 

Công việc của những công nhân móc cống tuy nặng nhọc nhưng chẳng thấm vào đâu so với những lo toan cơm áo. Dù thu nhập của họ không thấp lắm (trung bình khoảng 2 triệu đồng/tháng) song ít ai thoát nghèo. Nghèo túng giống như bạn đồng hành của nhiều thế hệ công nhân móc cống.

 

Đa số công nhân móc cống phải bán... non những thứ mình sẽ nhận để lấy trước một khoản tiền mặt tương đương 30 - 50% giá trị hiện vật hay hiện kim được bán. Mỗi tháng, mỗi công nhân móc cống được phân phối 12 hộp sữa. Đó là phụ cấp độc hại. Khi vợ bệnh nặng, ông Phi đã từng bán 12 hộp sữa này với giá 55.000 đồng. Ông cười bảo: "Gần như tất cả tụi tui đều đã từng hoặc đang bán... non thứ gì đó".

Những đồng nghiệp của ông có người còn bán cả "tiền cơm trưa", "tiền thưởng", có người bán cả tiền lương. "Tháng trước, kẹt tiền thuê nhà, tôi phải bán 10 tháng cơm trưa trị giá 2,5 triệu đồng, để lấy một triệu đồng tiền mặt", ông Đức cho biết. Đến khi không còn gì để bán, có người nghỉ việc để... kiếm tiền.

 

Những người thợ móc cống ngậm ngùi kể chuyện chị N. Do nợ nần nhiều, dù đã bán tiền cơm, tiền thưởng, tiền lương vẫn không đủ trang trải, tuần nào chị cũng bị chủ nợ tìm đến công ty đòi tiền. Cực chẳng đã, chị phải làm đơn xin nghỉ hưu "non", để lấy tiền trợ cấp, tiền bảo hiểm mà trả nợ...

 

Có lẽ chui hầm là công việc cực nhọc và nguy hiểm nhất của công nhân ngành thoát nước. Thế nhưng công nhân đảm nhiệm công việc này hầu như đều có cuộc sống khá kham khổ.

 

Theo SGTT