1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Xử vụ Dương Chí Dũng: “Tiền tham ô nhận như được bố thí”?

(Dân trí) - Nhận 340 triệu đồng dưới danh nghĩa tiền vay nợ, sau đó mới được… xóa nợ, vào trại giam mới biết nguồn tiền là từ khoản “lại quả” của nổi 83M, luật sư của nguyên Phó Tổng GĐ Vinalines Trần Hữu Chiều kêu nghịch lý vì thân chủ tham ô mà như nhận… bố thí.

Nạn nhân hay “tội đồ”

Thực hiện việc bào chữa cho nguyên Phó Tổng GĐ Vinalines Trần Hữu Chiều (bị tòa sơ thẩm tuyên phạt 19 năm tù về 2 tội cố ý làm trái, tham ô tài sản), luật sư Phạm Thanh Sơn cho rằng thân chủ mình chỉ là người tuân theo sự điều hành, chỉ đạo của các “sếp” trong TCty. Không giữ vai trò, chức vụ quyết định, Chiều không phạm tội cố ý làm trái.

Đối với tội tham ô tài sản bị cáo bị tuyên buộc, ông Sơn biện giải, Trần Hữu Chiều nhận 340 triệu đồng từ Trần Hải Sơn nhưng chỉ đến khi bị bắt mới biết khoản tiền này có nguồn gốc từ việc mua bán ụ nổi. Trước đó, bị cáo khai là gia đình có việc cần nên hỏi vay Sơn 1 tỷ đồng. Sơn mang đến trước cho Chiều 340 triệu đồng và sau đó chuyển khoản thêm cho đủ 1 tỷ. Khi Chiều báo trả nợ, Sơn mới nói chỉ cần trả khoản tiền chuyển khoản sau đó, còn 340 triệu đồng đưa trực tiếp là “em biếu bác bồi dưỡng”.
Bị cáo Trần Hữu Chiều tại tòa.
Bị cáo Trần Hữu Chiều tại tòa.

Luật sư cũng nhận định, lời khai của Trần Hải Sơn về khoản tiền này có rất nhiều điểm mâu thuẫn, lúc thì khai là tiền mua ụ nổi, lúc thì khai là tiền riêng của Sơn.

“Ông Chiều là nạn nhân chứ không phải tội phạm, như đứng trên tư cách người được cho, nhận bố thí số tiền này” - luật sư nói và tiếp tục đề nghị hủy án sơ thẩm để điều tra lại.

Về Trần Hữu Chiều, cơ quan công tố cho rằng bị cáo là người trình phương án khảo sát ụ 83M, trình, ký nháy biên bản giám định ụ nổi. Việc xử lý bị cáo bằng 9 năm tù về tội cố ý làm trái là hợp lý, kháng cáo xin giảm nhẹ án của bị cáo không có cơ sở xem xét.

Với bị cáo Trần Hải Sơn, nguyên Tổng GĐ CTy TNHH sửa chữa tàu biển thuộc Vinalines, nguyên Phó Trưởng BQLDA nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam, luật sư Nguyễn Đình Hưng cho rằng không có chứng cứ của khoản tiền tham ô, ngoại trừ việc có một khoản tiền từ Công ty AP chuyển về cho công ty Phú Hà và từ công ty Phú Hà chia cho các bị cáo.

Theo bản án, Vinalines đã chuyển cho công ty AP 9 triệu USD, khoản tiền này có quay về hay không thì không có chứng cứ chứng minh. Đây đã là hậu quả của tội làm trái thì không thể tiếp tục tính là hậu quả của tội tham ô. Một hành vi khách quan nhưng lại được xác định cho hai tội danh là bất cập.

Ụ nổi còn nghĩa là… chưa mất tiền (?!)

Luật sư Đào Hữu Đăng bảo vệ cho bị cáo Lê Văn Dương nêu nhận định đầu tiên, cựu Đăng kiểm viên Cục Đăng kiểm Việt Nam này chỉ là người bị lợi dụng trong vụ án xảy ra tại Vinalines.

Ông Đăng phân tích, Cục Đăng kiểm cử Dương đi khảo sát ụ nổi 83M là thực hiện chức năng thứ 2 – giám định phương tiện, thiết bị theo yêu cầu. Ở chức năng này, nhiệm vụ, trách nhiệm của đăng kiểm viên hoàn toàn khác, thực hiện theo yêu cầu của đơn vị “bỏ tiền thuê”, khác với làm chức năng quản lý nhà nước.

Thời gian Dương thực hiện việc kiểm tra ụ nổi 83M tại Nga chỉ diễn ra trong nửa buổi chiều và cũng không có phương tiện gì ngoài quan sát thực tế thì yêu cầu phản ánh đúng, chi tiết mọi vấn đề của món hàng, theo ông Đăng là rất khó.

Ngoài báo cáo khảo sát của Dương gửi cho Vinalines sau đó, Cục Đăng kiểm VN cũng có công văn 858 đưa ra kết luận về chuyến khảo sát của Đăng kiểm viên (trong đó để cập vấn đề ụ nổi và tàu biển) chuyển đến TCTy Hàng hải. Luật sư Đào Hữu Đăng lập luận, đó mới là văn bản có giá trị pháp lý.
Bị cáo Trần Hữu Chiều tại tòa.
Bị cáo Lê Văn Dương đã thay đổi kháng cáo, từ kêu oan sang xin giảm nhẹ hình phạt về tội cố ý làm trái.

Còn trong hồ sơ dự án của Vinalines, cùng với những văn bản này còn có kết luận giám định độc lập của Marilex về ụ nổi 83M. Trong khi Đăng kiểm viên Lê Văn Dương nói rõ trong báo cáo của mình là cần sửa chữa tại Nga rồi mới đưa về Việt Nam thì cơ quan giám định độc lập lại đánh giá khả năng kéo ụ nổi về Việt Nam rồi sửa chữa. Và thực tế, sau đó, Vinalines đã thực hiện theo phương thức này.

Như vậy, luật sư cho rằng, báo cáo của Dương lập chỉ có ý nghĩa tham khảo chứ không thể đánh giá đây là căn cứ để Vinalines quyết định mua, đầu tư ụ nổi 83M.

Từ những phân tích này, luật sư nhận định khác về trách nhiệm được “khoác” cho bị cáo trong vụ án, cả vấn đề mức hình phạt cũng như trách nhiệm bồi thường dân sự.

Về những thiệt hại cơ quan chức năng đã xác định về việc mua ụ nổi, luật sư Đăng tính toán, Vinalines đã thanh toán 9 triệu USD cho thương vụ này nhưng trong đó chỉ có 2,3 triệu USD là giá trị ụ nổi, 6,7 triệu USD là phần chi phí vận chuyển, bảo hiểm, sửa chữa ụ nổi, tiền “chiết khấu”…

Khoản 1,666 triệu USD lại quả thuộc trách nhiệm của các bị cáo khác khi ăn chia khoản lại quả này. Khoản 2,3 triệu USD theo luật sư không gây thiệt hại vì ụ nổi này vẫn còn đó, không thể đưa vào tính trách nhiệm bồi thường cho các bị cáo. Chỉ còn khoản 4,3 triệu USD là được coi là tiền nâng giá thì theo quy định, các bị cáo phải liên đới bồi thường.

Như vậy, việc áp trách nhiệm bồi thường 9 tỷ đồng cho Lê Văn Dương, luật sư cho là quá cao.

Ông Đăng đặt giả thiết, nếu ụ nổi được đưa vào hoạt động, mang lại hiệu quả thì cũng không ai chia lãi cho Lê Văn Dương. Vì vậy, luật sư lập luận, sao lại buộc bị cáo liên đới chia trách nhiệm bồi thường với bị cáo?

Người bào chữa đánh giá, đề nghị giảm án và giảm tiền bồi thường cho bị cáo của đại diện VKS là hoàn toàn xác đáng.

Dù trước tòa, bị cáo Lê Văn Dương thay đổi yêu cầu kháng cáo, chuyển từ kêu oan về tội cố ý làm trái sang việc nhận tội, xin giảm án, luật sư Đăng vẫn phát biểu dưới góc độ cá nhân là đề nghị tòa xem xét lại tội danh áp cho thân chủ của mình. Ông Đăng chỉ rõ, bị cáo có những thiếu sót, thực hiện việc giám định không báo cáo cấp trên, biết rõ khả năng đánh giá ụ nổi là khó vì thời gian làm việc như vậy nhưng cũng không thông báo lại mà lập báo cáo nhưng hành vi này nghiêng về dấu hiệu thiếu trách nhiệm hơn là cố ý làm trái.

P.Thảo