1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Xét xử đại án Oceanbank: "Mổ xẻ" vụ vay 500 tỷ đồng giữa ba bên

(Dân trí) - Chiều 5/9, HĐXX tiếp tục thẩm vấn các bị cáo để làm rõ vụ vay 500 tỷ đồng giữa ba bên là Hà Văn Thắm, Phạm Công Danh, Hứa Thị Phấn.

Hà Văn Thắm nói về vụ cho Phạm Công Danh vay 500 tỉ đồng.
Hà Văn Thắm nói về vụ cho Phạm Công Danh vay 500 tỉ đồng.

Theo cáo trạng, giữa tháng 11/2012, Hà Văn Thắm và Phạm Công Danh bàn bạc và thống nhất việc Thắm sẽ cho Danh vay 500 tỷ đồng từ Oceanbakn để tăng tính thanh khoản cho Ngân hàng Xây dựng.

Do Phạm Công Danh không có tài sản thế chấp nên Hà Văn Thắm bảo Danh mượn tài sản của Hứa Thị Phấn. Danh đã gặp bà Phấn để thỏa thuận và hai bên đã ký hợp đồng cho mượn tài sản thế chấp.

Các bị can đã sử dụng các tài sản không có thật hoặc chưa đủ tính pháp lý để đảm bảo cho khoản vay nhằm hợp thức hóa hồ sơ vay được 500 tỷ đồng.

Sau khi được Oceanbank giải ngân và 500 tỷ đồng chảy vào tài khoản của công ty Trung Dung tại NH Xây Dựng, nhân viên tập đoàn Thiên Thanh đã làm thủ tục chuyển khoản và mở 4 sổ tiết kiệm rồi chuyển tổng số tiền gốc và lãi là hơn 500 tỷ đồng để thanh toán cho 5 hợp đồng tín dụng của nhóm bà Hứa Thị Phấn tại NH Xây dựng và được hạch toán vào việc Danh trả tiền mua cổ phần tại NH Đại Tín (sau đổi tên thành NH Xây Dựng) của nhóm bà Phấn.

Mở đầu cho phần thẩm vấn, luật sư hỏi bị cáo Trần Văn Bình – Tổng Giám đốc Công ty Trung Dung về việc có nhận chỉ đạo của Phạm Công Danh vay tiền hay gặp trực tiếp Hứa Thị Phấn mượn tài sản? Trần Văn Bình trả lời không biết. Việc đưa hồ sơ vay tiền để bị cáo ký, theo Bình là do kế toán của Tập đoàn Thiên Thanh đưa. Tiền được Phạm Công Danh sử dụng vào mục đích gì, bị cáo Bình cũng không biết.

Luật sư Nguyễn Huy Thiệp đặt câu hỏi Nguyễn Văn Hoàn, cựu Phó TGĐ Oceanbank về vấn đề phong tỏa tài khoản 500 tỷ được chuyển từ Oceanbank sang các tài khoản ở Ngân hàng Đại Tín.

Theo bị cáo Hoàn, việc phong tỏa là nhằm loại trừ rủi ro. Đây là khoản vay có thời hạn. Hoàn cũng được nhân viên báo cáo chưa xác định được khoản vay 500 tỷ này sử dụng sai mục đích. Nếu xác định được sử dụng sai mục đích thì sẽ thu hồi bằng được.

Trước đó theo lời khai của Hoàn, do hồ sơ tín dụng khoản vay còn thiếu nên ba bên Công ty Trung Dung – Ngân hàng Đại Tín – Oceanbank tiến hành thỏa thuận phong tỏa tài sản. Tuy nhiên, tài sản này sau đó vẫn được giải ngân gây thiệt hại cho Oceanbank 500 tỷ.

Luật sư Đào Hữu Đăng truy vấn đại diện Ngân hàng Đại Tín (sau này Phạm Công Danh tiếp quản đổi tên là Ngân hàng Xây dựng (VNCB) và sau khi Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng thì đổi tên là CB).

Bà Vũ Thị Phương Thảo trả lời luật sư về biên bản 3 bên. Bà Thảo cho biết, Đại Tín không nhận được biên bản ba bên (biên bản do Công ty Trung Dung – NH Đại Tín – Oceanbank ký), ngân hàng không biết biên bản 3 bên đó. 
Về hợp đồng mượn tài sản để làm thế chấp trong khoản vay của Oceanbank 500 tỷ, đại diện CB cho rằng không biết về hợp đồng này.

Luật sư Nguyễn Huy Thiệp tiếp tục thẩm vấn Hà Văn Thắm liên quan khoản vay 500 tỷ đồng. Theo Hà Văn Thắm nếu thực hiện đúng thỏa thuận phong tỏa tài sản ba bên thì không có việc sử dụng sai mục đích số tiền này. 
Theo trình bày của bị cáo, mục đích vay vốn là đầu tư vào dự án khu phức hợp ở sân vận động Chi Lăng. Tuy nhiên số tiền 500 tỷ lại được sử dụng để cân đối thanh khoản của Ngân hàng Đại Tín.

Luật sư Thiệp tiếp tục phần thẩm vấn của mình với một số câu hỏi đặt ra đối với đại diện Ngân hàng Nhà nước về thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước về quy định về lãi suất tối đa.

Phạm Công Danh.
Phạm Công Danh.

Câu hỏi của luật sư về mục đích ban hành thông tư, đại diện NHNN không đi vào câu trả lời cụ thể. Câu hỏi này được luật sư tự trả lời khi cho rằng, việc ban hành thông tư 02, là thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về chống lạm phát và bình ổn nền kinh tế vĩ mô.

LS Nguyễn Huy Thiệp thẩm vấn bà Vũ Thị Phương Thảo - đại diện Ngân hàng Đại Tín (nay là CB) về văn bản 3 bên về cam kết phong tỏa tài khoản.

Theo luật sư, tài khoản của Công ty Trung Dung không có 500 tỷ thì làm sao mà phong tỏa được?
 Người đại diện cho biết: “Không còn 500 tỷ không có nghĩa là không còn tiền. Ngân hàng Đại Tín không biết về việc phong tỏa số tiền 500 tỷ đồng nào”.

Theo bà Thảo, Ngân hàng Đại Tín không biết về cam kết phong tỏa tài khoản 3 bên. Đến nay tài khoản của Công ty Trung Dung vẫn còn khoảng 498 triệu.

Luật sư đặt nghi vấn, không đủ 500 tỷ mà vẫn xác nhận phong tỏa tài khoản 500 tỷ?
 Người đại diện hồi đáp cho rằng ở đây luật sư có sự nhầm lẫn.

Ngày mai, HĐXX tiếp tục làm việc.

Tuấn Hợp