Vụ “logo xe vua”: Nguyên CSGT “bỏ túi” hàng trăm triệu đồng
(Dân trí) - Trong thời gian từ 7/4/2015 đến 7/8/2015, Thới đã đưa cho Chân số tiền 603 triệu đồng, trong đó có 3 triệu đồng phúng viếng ông S., số còn lại dùng hối lộ. Liên quan tới số tiền này, Chân khai đưa cho ông T. 300 triệu đồng, số còn lại Chân giữ lại.
Ngày 3/10, TAND TPHCM mở phiên tòa xét xử đường dây mua bán "logo xe vua", giải cứu xe quá tải do 2 bị cáo Nguyễn Văn Thới (sinh năm 1976), Lê Thị Cẩm Vân (sinh năm 1982) cầm đầu và các đồng phạm về các tội đưa hối lộ và làm môi giới hối lộ.
Liên quan vụ án, Nguyễn Cảnh Chân (sinh năm 1973, nguyên cán bộ đội 1 – phòng CSGT tỉnh Đồng Nai) bị cáo buộc tội môi giới hối lộ.
Tại phiên tòa hôm nay, bị cáo Chân khai nhận từ tháng 7/2014 cho đến khi cơ quan CSĐT phát hiện thì Chân có nói với ông S., Đội trưởng 1 đội thuộc phòng CSGT tỉnh Đồng Nai, từ đó Thới đưa tiền cho bị cáo chuyển cho ông S. Trong thời gian này, Thới đã chuyển tiền cho Chân 7 lần với tổng số tiền 600 triệu đồng, Chân đều đưa cho ông S., mỗi lần ông S. cho Chân 5 – 10 triệu đồng.
Đến tháng 5/2015, ông S. qua đời thì Chân tiếp tục tìm đến ông T. (1 Phó trưởng phòng CSGT tỉnh Đồng Nai) giúp đỡ Thới thì được ông T. đồng ý. Trong thời gian từ 7/4/2015 đến 7/8/2015, Thới đã đưa cho Chân số tiền 603 triệu đồng, trong đó có 3 triệu đồng phúng viếng ông S., số còn lại dùng hối lộ. Liên quan tới số tiền này, Chân khai đưa cho ông T. 300 triệu đồng, số còn lại bị cáo Chân giữ. Trong thời gian này, xe có dán “logo xe vua” bị bắt thì Thới gọi cho Chân và Chân báo lại cho ông T.; còn sau đó ông T. xử lý như thế nào thì Chân không rõ.
Trong tổng số tiền thu lợi bất chính quá trình điều tra gia đình bị cáo Chân đã tự nguyện nộp lại 100 triệu đồng để khắc phục hậu quả.
Các bị cáo còn lại giữ nguyên lời khai như tại cơ quan điều tra và các phiên tòa trước.
Kết thúc phần xét hỏi, đại diện Viện kiểm sát nhận định từ tháng 1/2014-8/2015, các bị can Thới, Vân và các đồng phạm đã câu kết với một số tài xế, chủ xe tải thường lưu thông trên các tuyến đường thuộc các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và TPHCM góp tiền đưa hối lộ cho TTGT, CSGT để không bị xử phạt.
Các bị cáo Thới, Thái tổ chức in logo có số “68” và chữ “Garage Thành Đô”; Vân in logo chữ “xe chở hàng” bán cho chủ xe, tài xế giá từ 2,5-3 triệu đồng/logo dán làm mật hiệu nhận biết khi bị TTGT, CSGT kiểm tra. Mỗi tháng, Thới lập danh sách các xe mua logo bằng cách ghi biển số các xe vào giấy để theo dõi.
Bị cáo Thới và Thái đã bán được khoảng 15 ngàn lượt logo, thu lời bất chính gần 23 tỉ đồng và một phần số tiền này được dùng để đưa hối lộ. Thới đưa hối lộ 79 lần với tổng số tiền gần 5 tỉ đồng, lần đưa nhiều nhất là 150 triệu đồng.
Ngoài ra Thới còn nhờ một người em họ 12 lần chuyển cho cán bộ thuộc Đội 1, Phòng CSGT - Công an tỉnh Đồng Nai tổng số tiền 1,2 tỉ đồng để đưa cho một số cán bộ CSGT khác. Thới và Thái đưa cho các đội, trạm 1,3 tỉ đồng. Thái có 39 lần đưa hối lộ với tổng số tiền 2,2 tỉ đồng và hưởng lợi 360 triệu đồng. Số tiền còn lại hơn 17,8 tỷ đồng Thới đã sử dụng nộp phạt cho các xe đã mua logo nhưng vẫn bị lập biên bản, trả tiền thuê xe ôm báo tin và bản thân hưởng lợi 1,3 tỉ đồng…
Theo đại diện Viện kiểm sát, hành vi của các bị cáo đã vi phạm pháp luật, gây bức xúc mạnh mẽ trong dư luận một thời gian dài, gây hậu quả nghiêm trọng, hư hỏng hệ thống cầu đường. Tuy nhiên, các bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải và thừa nhận mọi hành vi phạm tội. Trong quá trình điều tra, các bị cáo đã nộp lại toàn bộ số tiền thu lợi bất chính để khắc phục hậu quả.
Từ đó, viện kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên phạt các bị cáo Nguyễn Văn Thới từ 6-7 năm tù, bị cáo Trần Quốc Thái từ 4-5 năm tù, Lê Thị Cẩm Vân từ 4-5 năm tù về tội đưa hối lộ. Riêng bị cáo Nguyễn Cảnh Chân bị đề nghị mức án từ 4 năm 6 tháng đến 5 năm 6 tháng tù về tội môi giới hối lộ.
Xuân Duy