1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Vụ "logo xe vua": Có đưa hối lộ nhưng không chứng minh được người nhận hối lộ

(Dân trí) - Cơ quan điều tra xác định, việc bán “logo xe vua” thu tiền đưa hối lộ cho một số cán bộ chức năng để không xử phạt xe quá tải là có thật. Tuy nhiên, ngoài lời khai của các bị can không có tài liệu, chứng cứ khác chứng minh cảnh sát và thanh tra giao thông đã nhận hối lộ nên không có cơ sở khởi tố.

Ngày 14/8, TAND TPHCM mở phiên tòa xét xử đường dây mua bán "logo xe vua", giải cứu xe quá tải do 2 bị cáo Nguyễn Văn Thới (sinh năm 1976), Lê Thị Cẩm Vân (sinh năm 1982) cầm đầu và các đồng phạm về các tội đưa hối lộ và làm môi giới hối lộ.

Liên quan vụ án, Nguyễn Cảnh Chân (sinh năm 1973, nguyên cán bộ đội 1 – phòng CSGT tỉnh Đồng Nai) bị cáo buộc tội môi giới hối lộ.

2-2-1524120761937823943780

Trong vụ án này khuyết người nhận hối lộ.

Theo cáo trạng, Thới đã làm quen với một số cán bộ lực lượng thanh tra giao thông và CSGT Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM. Qua đó, Thới đặt vấn đề sẽ nộp tiền và dán ký hiệu logo lên các đầu xe quá tải để một số cán bộ thanh tra giao thông, CSGT khi làm nhiệm vụ sẽ nhận biết được và không xử phạt.

Cũng theo cáo trạng, Thới đã nhờ ông Nguyễn Cảnh Chân giúp để CSGT không xử phạt lỗi chở hàng quá tải đối với những xe có dán logo do Thới bán. Ông Chân đồng ý và nói với 1 đội trưởng đội 1 Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai về việc Thới nhờ và ông này đồng ý. Từ tháng 7/2014 đến tháng 2/2015, Thới đã 7 lần chuyển tiền cho ông Chân với tổng số gần 600 triệu đồng.

Tháng 4/2015, vị đội trưởng trên bị bệnh chết, ông Chân tiếp tục nhờ 1 Phó trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai giúp và được đồng ý. Thới đã chuyển cho Chân 600 triệu đồng để nhờ hối lộ, Chân đưa cho vị Phó phòng này 300 triệu đồng và giữ lại 300 triệu đồng.

Đường dây mua bán “logo xe vua" bảo kê xe quá tải do Thới cầm đầu hoạt động từ tháng 1/2014 đến tháng 8/2015 đã bán cho 15.000 lượt xe, thu lời bất chính gần 23 tỉ đồng.

Thới sử dụng gần 5 tỉ đồng để đưa hối lộ 79 lần cho các cán bộ Thanh tra giao thông, CSGT trên địa bàn Đồng Nai, Bình Dương và TPHCM. Trong đó, đưa hối lộ ít nhất là 9 triệu và nhiều nhất là 150 triệu đồng.

Thới sử dụng 17,8 tỉ đồng nộp phạt cho các xe có dán logo nhưng vẫn bị xử phạt, trả tiền thuê người đứng canh cảnh giới còn lại hưởng lợi 1,3 tỉ đồng.

Tương tự, bị can Lê Thị Cẩm Vân cũng đã bán logo cho các chủ xe, thu tổng cộng 7,9 tỉ đồng. Số tiền này, Vân chi cho cán bộ Đội 7, Đội 8 Thanh tra giao thông TPHCM với số tiền 300.000 đồng/xe/tháng.

Tại cơ quan điều tra, các bị cáo khai nhận đã đưa hối lộ cho 62 cán bộ của đội, trạm trong lực lượng CSGT trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và TPHCM. Cơ quan điều tra đã triệu tập và lấy lời khai của 62 cán bộ, chiến sĩ nêu trên nhưng những người này không thừa nhận.

Đối với lực lượng cán bộ thanh tra giao thông, cơ quan điều tra tiến hành lấy lời khai 18 người. Kết quả không có người nào thừa nhận đã nhận tiền của Vân, Thới để không xử phạt các xe quá tải. Tiến hành nhận diện qua ảnh, Vân chỉ nhận diện được 1 đội phó 1 đội thanh tra giao thông TPHCM.

Tất cả các cán bộ mà các bị can khai đưa hối lộ đều thể hiện đầy đủ tên tuổi, đơn vị công tác trong cáo trạng.

Đáng chú ý có ông P.V.H (nguyên Ðội trưởng Ðội CSGT Cát Lái) ông H. là cái tên được bị can Trần Quốc Thái nhắc đến khi liệt kê những người mà bị can này khai đã đưa tiền để nhờ được bảo kê xe quá tải. Theo cáo trạng, lúc đối chất, bị can Trần Quốc Thái nhận dạng được ông H. và giữ nguyên lời khai, tuy nhiên ông H. nói không biết Thái.

Mặc dù cáo trạng Viện KSND Tối cao khẳng định việc bán logo thu tiền và đưa hối lộ cho cán bộ để không xử phạt xe chở hàng quá tải là có thật. Tuy nhiên, cáo trạng cho rằng ngoài lời khai của các bị can thì không có tài liệu, chứng cứ nào khác để chứng minh những người mà các bị can đã khai và nhận diện được mặt là có hành vi nhận hối lộ hoặc làm môi giới hối lộ nên cơ quan điều tra không khởi tố.

Xuân Duy