Vụ Hứa Thị Phấn: Viện Kiểm sát thừa nhận sai sót
(Dân trí) - Theo đại diện Viện Kiểm sát, trong quá trình điều tra có sai sót khi xuất hiện lời khai “sinh đôi”. Tuy nhiên, đơn vị này khẳng định đó là sai sót về hình thức, không ảnh hưởng đến nội dung vụ án.
Ngày 30/10, TAND cấp cao tại TPHCM tiếp tục xét xử phúc thẩm vụ án Hứa Thị Phấn (nguyên cố vấn cao cấp HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Tín - viết tắt TrustBank, nguyên Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần đầu tư phát triển Phú Mỹ) cùng đồng phạm. Các bị cáo bị truy tố ở 2 tội danh lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Mở đầu phiên tòa, bị án Phan Thành Mai (người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, nguyên Tổng giám đốc VNCB) đề nghị HĐXX ghi nhận ý kiến của Viện kiểm sát tại phiên sơ thẩm chưa được ghi trong bản án sơ thẩm là hành vi của bà Phấn là nguyên nhân dẫn đến sự đổ vỡ của VNCB. Nếu như vụ án này được xét xử trước vụ án Phạm Công Danh thì đã không có thiệt hại. Liên quan đến hơn 3.600 tỉ đồng Phan Thành Mai đề nghị HĐXX thu hồi số tiền này giao cho CB quản lý và cấn trừ vào thiệt hại trong vụ án Phạm Công Danh, đồng thời khởi tố tại tòa bà Hứa Thị Phấn thêm tội lừa đảo chiếm đoạt 3.600 tỉ đồng của Phạm Công Danh.
Sau khi các bên có ý kiến, thì đại diện Viện KSND Cấp cao tại TPHCM giữ quyền công tố tại phiên tòa xét xử bị cáo Hứa Thị Phấn và đồng phạm đã đối đáp lại quan điểm bào chữa, bảo vệ của các luật sư, bị cáo, người liên quan trong vụ án
Về ý kiến của một số luật sư cho rằng điều tra viên, kiểm sát viên khi lấy cung các bị cáo đã vi phạm nghiêm trọng tố tụng như nhiều bản cung trùng ngày, giờ, bản cung "sinh đôi", Viện Kiểm sát cho rằng trong quá trình điều tra có sai sót. Tuy nhiên, đơn vị này khẳng định đó là sai sót về hình thức, không ảnh hưởng đến nội dung vụ án.
Cụ thể, các bị cáo không bị ép cung, dưới mỗi bản cung đều được ký tên. Tại tòa, không có bị cáo nào thay đổi lời khai, nói mình bị ép cung, trừ bị cáo Loan; và không có bị cáo nào khai kiểm sát viên, điều tra viên lấy lời khai cùng lúc với bị cáo khác.
Về USB do luật sư Trương Thị Minh Thơ cung cấp cho HĐXX, Viện Kiểm sát khẳng định không chấp nhận tài liệu này là chứng cứ của vụ án.
Theo luật sư Thơ, việc không chấp nhận USB này là chứng cứ là tước đi quyền cung cấp chứng cứ của luật sư vì chứng cứ này có thật và phù hợp với các chứng cứ khác trong vụ án.
Phản bác quan điểm này, Viện Kiểm sát cho rằng USB không được thu thập theo trình tự tố tụng. Luật sư Thơ nói đã nhận USB này từ khi chưa được cấp giấy chứng nhận bào chữa nhưng không giao nộp vì không tin Viện KSND Tối cao.
Đối đáp lại quan điểm của đại diện Viện kiểm sát, luật sư Trương Vĩnh Thủy (bào chữa cho bị cáo Hứa Thị Phấn cho rằng) tình trạng sức khỏe của bị cáo Phấn mặc dù chưa có kết quả giám định bổ sung nhưng với cảm nhận của luật sư thì sức khỏe của bà Phấn gần đến ranh giới đời sống thực vật. Nếu HĐXX áp cho bà Phấn phải chịu trách nhiệm thì cũng không còn ý nghĩa đối với bà Phấn. Theo luật sư Thủy, việc tòa đưa ra xét xử vắng mặt bị cáo Phấn khi chưa giám định tình trạng sức khỏe là vi phạm bộ luật tố tụng hình sự.
Được nói lời nói sau cùng, bị cáo Bùi Thị Kim Loan cho rằng, sau khi sinh tinh thần bị cáo bấn loạn, không nhận thức được sự việc nên mới hành động như vậy tại phiên tòa sơ thẩm. Bị cáo vô cùng ăn năn, suốt cuộc đời không bao giờ tha thứ cho mình. Gia đình bị cáo có hoàn cảnh khó khăn, 2 vợ chồng đều bệnh và nếu cả 2 đi tù không có ai lo cho 3 người con nhỏ. Mong HĐXX xem xét giảm nhẹ cho bị cáo.
Các bị cáo còn lại cho rằng mình chỉ làm công ăn lương, không được hưởng lợi. Bản thân các bị cáo có hoàn cảnh khó khăn là lao động chính trong gia đình. Các bị cáo thành khẩn khai báo, phạm tội lần đầu, từ đó mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Do tính chất phức tạp của vụ án, nên HĐXX quyết định nghị án kéo dài và sẽ tuyên án vào ngày 2/11.
Xuân Duy