1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Cục Đăng kiểm Việt Nam

Đại gia Hứa Thị Phấn gây thiệt hại 6.300 tỉ đồng

(Dân trí) - Theo đại diện Viện KSND cấp cao tại TPHCM, bà Hứa Thị Phấn là chủ mưu cầm đầu đã chỉ đạo các đồng phạm thực hiện các hành vi trái pháp luật gây thiệt hại cho ngân hàng Đại Tín 6.300 tỉ đồng. Cấp sơ thẩm đã xét xử đúng người đúng tội nên không có căn cứ xem xét đơn kháng cáo kêu oan của bà Hứa Thị Phấn.

Ngày 25/10, TAND cấp cao tại TPHCM tiếp tục xét xử phúc thẩm vụ án Hứa Thị Phấn (nguyên cố vấn cao cấp HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Tín - viết tắt TrustBank, nguyên Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần đầu tư phát triển Phú Mỹ) cùng đồng phạm. Các bị cáo bị truy tố ở 2 tội danh lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Mở đầu phiên tòa, đại diện Viện KSND Cấp cao tại TPHCM đã phát biểu quan điểm về vụ án cũng như đề nghị mức án đối với các bị cáo.

Theo đại diện Viện KSND Cấp cao tại TPHCM, Hứa Thị Phấn lợi dụng việc nắm giữ 84,92% vốn điều lệ của TrustBank để điều hành, chi phối, thâu tóm toàn bộ HĐQT, lũng đoạn mọi hoạt động đầu tư, hoạt động tín dụng, hoạt động thu chi tiền mặt nhằm thực hiện hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái thông qua việc nâng khống giá trị căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch từ khoảng 154 tỉ đồng lên đến 1.260 tỉ đồng để bán cho TrustBank, chiếm đoạt của ngân hàng hơn 1.105 tỉ đồng; hạch toán thu - chi khống, cấn trừ để gây thiệt hại cho TrustBank hơn 5.256 tỉ đồng.

1-1503791394564

Đại gia Hứa Thị Phấn kêu oan bất thành.

Hành vi của bị cáo Phấn và các bị cáo trong vụ án là nguyên nhân dẫn đến thực trạng TrustBank bị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xếp loại ngân hàng loại D (loại yếu kém), tháng 2/2012 vốn chủ sở hữu âm hơn 2.800 tỉ đồng, lỗ lũy kế hơn 6.000 tỉ đồng, là nguyên nhân chính dẫn đến sự đổ vỡ của Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB, tiền thân là TrustBank), khi nhóm cổ đông Phạm Công Danh tiếp nhận quyền và nghĩa vụ của TrustBank từ bị cáo Phấn.

Hứa Thị Phấn là chủ mưa cầm đầu đã chỉ đạo Hoàng Sơn Nam, Hoàng Văn Toàn cùng các đồng phạm thực hiện các hành vi trái pháp luật gây thiệt hại cho ngân hàng Đại Tín 6.300 tỉ đồng. Quá trình điều tra và xét xử sơ thẩm, hầu hết các bị cáo khác đã khai nhận vai trò của Hứa Thị Phấn trùng hợp với lời khai của người liên quan cũng như chứng cứ thu được trong quá trình điều tra. Việc cấp sơ thẩm xét xử và tuyên phạt bị cáo Phấn tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái quy định nhà nước trong quản lý kinh tế là đúng người, đúng tội, không oan sai.

Đối với kháng cáo của bị cáo Nguyễn Thị Ngọc Tuyết, đại diện Viện KSND TPHCM cho rằng Tuyết đã lập và ký 9 giấy nộp tiền khống để Hứa Thị Phấn sử dụng gây thiệt hại cho ngân hàng Đại Tín 291 tỉ đồng. Xét bản thân bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ như thành khẩn khai báo báo, chỉ làm công ăn lương không được hưởng lợi nên đề nghị HĐXX giảm cho bị cáo Tuyết từ 2 năm tù giam sang 2 năm tù treo.

Đới với bị cáo Bùi Thị Kim Loan, tại phiên tòa sơ thẩm đã không khai báo thành khẩn tuy nhiên tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo thành khẩn khai báo thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội, bị cáo không hưởng lợi, bản thân bị cáo đang nuôi con nhỏ, cần xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Loan. Do đó, Viện KSND đề nghị HĐXX chấp nhận kháng cáo của bị cáo Loan, giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo từ 28 năm tù xuống còn 22 – 25 năm tù.

9

Kháng cáo kêu oan Bùi Thị Kim Loan được đề nghị giảm nhẹ.

Đối với kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của Hoàng Văn Toàn và Trần Sơn Nam cả 2 là lãnh đạo ngân hàng nhưng không làm hết vai trò trách nhiệm để thất thoát hàng ngàn tỉ đồng, đẩy ngân hàng vào tình trạng xấu. Cấp sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Toàn 7 năm tù và bị cáo Nam 6 năm tù là phù hợp nên không có căn cứ xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.

Theo đại diện Viện KSND Cấp cao tại TPHCM, không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn dân sự và những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan tới vụ án.

Xuân Duy