Tư cách tố tụng liên quan vụ án bà Phương Hằng chưa đúng?
(Dân trí) - Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nhà báo Nguyễn Đức Hiển có đơn khiếu nại đề nghị tòa xác định lại tư cách tham gia tố tụng liên quan vụ án bà Nguyễn Phương Hằng với thân chủ của mình.
Theo dự kiến, ngày 21/9, TAND TPHCM sẽ mở phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Phương Hằng (52 tuổi, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam) cùng 4 đồng phạm về tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Tòa án cũng triệu tập các ông, bà: Huỳnh Uy Dũng (chồng bà Nguyễn Phương Hằng), ông Võ Nguyễn Hoài Linh (nghệ sĩ), bà Nguyễn Thị Mỹ Oanh (ca sĩ), bà Đặng Thị Hàn Ni (nhà báo), ông Nguyễn Đức Hiển (nhà báo), bà Trần Thị Thủy Tiên (ca sĩ) cùng chồng là Lê Công Vinh (cựu cầu thủ bóng đá).
Ngoài ra, tòa còn triệu tập ông Huỳnh Minh Hưng (ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng), bà Đình Thị Lan, bà Lê Thị Giàu, bà Trương Thị Việt Hà, Nguyễn Đình Kim đến tòa với tư cách là người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan.
Sau khi nhận được quyết định xét xử, luật sư Nguyễn Thành Công (người bảo vệ quyền lợi ông Nguyễn Đức Hiển) có đơn kiến nghị gửi HĐXX đề nghị xác định lại tư cách tố tụng của thân chủ mình.
Theo đó, vị luật sư này đề nghị tòa xác định nhà báo Đức Hiển là bị hại trong vụ án chứ không phải người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Theo ông Công, Khoản 1 Điều 62 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 nêu rõ cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản do tội phạm gây ra và thiệt hại này là khách thể trực tiếp của tội phạm thì cá nhân đó được xác định là bị hại trong vụ án.
Luật sư Công khẳng định hồ sơ vụ án thể hiện ông Nguyễn Đức Hiển bị bà Nguyễn Phương Hằng xúc phạm nghiêm trọng uy tín, danh dự cá nhân thông qua các phát ngôn chứa đựng thông tin bịa đặt, sai sự thật. Từ đó, luật sư xác định thân chủ mình là bị hại trong vụ án liên quan Phương Hằng và đồng phạm.
Tiếp đó, người bảo vệ cho nhà báo Đức Hiển liệt kê những người được bảo vệ (mặt khách thể của tội phạm) theo quy định tại Điều 331 gồm: lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức và quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân. Nếu một cá nhân bị hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp thì cá nhân đó phải được xác định là bị hại của vụ án.
"Nếu bị xác định là người liên quan thì đã tước đi các quyền liên quan trực tiếp đến bị cáo mà bị hại mới có như quyền xem xét về hành vi, quyền đề nghị hình phạt, quyền kháng cáo đối với phần nội dung liên quan đến trách nhiệm hình sự của bị cáo", đơn khiếu nại ghi rõ.
Ông Công cho rằng việc tòa án không công nhận tư cách bị hại của ông Hiển mà xác định là Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, qua đó gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân ông Hiển.
Tương tự, luật sư bảo vệ cho ca sĩ Vy Oanh cho rằng việc tòa xác định tư cách tố tụng chưa đúng, ảnh hưởng tới quyền lợi của thân chủ mình.
Theo hồ sơ vụ án, bà Nguyễn Phương Hằng và đồng phạm đã lợi dụng, sử dụng 12 kênh mạng xã hội livestream xâm phạm bí mật đời tư, ảnh hưởng uy tín, danh dự nhiều cá nhân như ông Võ Nguyễn Hoài Linh, bà Nguyễn Thị Mỹ Oanh, bà Ðặng Thị Hàn Ni, ông Huỳnh Minh Hưng, bà Trần Thị Thủy Tiên, cùng chồng là Lê Công Vinh, ông Nguyễn Đức Hiển…
Quá trình điều tra, bà Nguyễn Phương Hằng khai thông tin phát ngôn khi livestream và đăng tải trên Facebook về các cá nhân nêu trên đều do bà này đọc trên Internet, đọc báo và nằm mơ, chưa được kiểm chứng và không có cơ sở chứng minh.
Hồ sơ vụ án thể hiện, để tăng uy tín, độ tin cậy cho những phát ngôn của mình, bà Nguyễn Phương Hằng mời ông Đặng Anh Quân (Tiến sĩ luật, giảng viên trường Đại học Luật TPHCM) cùng tham gia vào những buổi livestream. Khi bà Hằng phát ngôn xúc phạm người khác, ông Quân đã cùng tương tác, phát ngôn về nội dung liên quan, góp phần cổ vũ tinh thần, góp thêm ý chí cho bà chủ Đại Nam thực hiện hành vi phạm tội.
Lý giải về việc tham gia các buổi livestream cùng bà Nguyễn Phương Hằng, ông Đặng Anh Quân nói mình muốn an ủi và thấu hiểu bà Phương Hằng.