Truy nã nguyên giám đốc sở giao dịch ngân hàng Phương Nam
(Dân trí) - Cơ quan điều tra xác định, hành vi của bị can Nguyễn Thị Xuân Trang đã giúp sức cho bị can Dương Thanh Cường chiếm đoạt tài sản của ngân hàng Phương Nam. Tuy nhiên, bị can Trang đã bỏ trốn khỏi địa phương trước khi khởi tố nên cơ quan điều tra quyết định truy nã bị can Trang.
Ngày 3/1, Viện KSND tối cao đã quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án Trầm Bê (sinh năm 1959, tại Trà Vinh) cùng đồng phạm về tội vi phạm hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.
Trước đó, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra và đề nghị truy tố Trầm Bê cùng 8 đồng phạm về tội vi phạm hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.
Riêng bị can Dương Thanh Cường (sinh năm 1966, nguyên tổng giám đốc công ty cổ phần xây dựng và thương mại Bình Phát) bị đề nghị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cơ quan điều tra Bộ Công an xác định, tháng 4/2008, Cường mang bản photo của 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (10,5 ha) tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TPHCM, đến gặp Trầm Bê đề nghị vay tiền. Trầm Bê đồng ý với điều kiện có đủ hồ sơ và tài sản thế chấp.
Do Cường đã thế chấp 23 bất động sản này cho Agribank chi nhánh 6 để vay 628 tỷ đồng nên Cường làm đơn gửi Agribank mượn lại. Sau đó, Cường đem sổ đỏ 23 bất động sản này đến Ngân hàng Phương Nam làm thủ tục vay tiền.
Sau khi được cán bộ Sở giao dịch Ngân hàng Phương Nam thẩm định hồ sơ, Hội đồng tín dụng gồm Phan Huy Khang (Chủ tịch), Phan Thị Hồng Vân và Trầm Viết Trung (ủy viên) đã ký duyệt cho công ty của Cường vay 130 tỷ đồng và tiếp tục trình lên cấp trên. Ông Trầm Bê sau đó ký duyệt, giao Sở giao dịch giải ngân trước khi công chứng và đăng ký giao dịch bảo đảm.
Đến tháng 5/2008, Cường tiếp tục đến gặp Trầm Bê xin vay thêm 130 tỷ đồng và 5.000 lượng vàng. Hội đồng tín dụng lần này không có Trầm Viết Trung (đã nghỉ việc) duyệt đồng ý. Ngân hàng Phương Nam sau đó đã giải ngân cho Cường hơn 57 tỷ đồng và 9.000 lượng vàng (tương đương 221 tỉ đồng). Sau khi được giải ngân, Cường dùng để tất toán khoản vay trước, trả 32 tỉ đồng lãi còn lại hơn 57 tỉ đồng sử dụng cá nhân.
Một năm sau, không có tiền để trả nợ khoản vay lần 2 nên Cường đề nghị Trầm Bê cho ký hợp đồng vay mới (lần 3) để đảo nợ. Trầm Bê và thuộc cấp đã duyệt giải ngân cho công ty của Cường vay 80 tỷ đồng và 9.000 lượng vàng. Đến đầu năm 2010, Cường gán toàn bộ 23 bất động sản ở Bình Chánh cho Ngân hàng Phương Nam để thanh lý các khoản nợ.
Cơ quan điều tra xác định, Cường đã gian dối dùng tài sản đang thế chấp tại Agribank đi vay và chiếm đoạt của Ngân hàng Phương Nam tổng cộng 331 tỷ đồng gốc và lãi. Còn Trầm Bê và thuộc cấp đã ký duyệt hồ sơ giải ngân cho vay đối với tài sản thế chấp là đất nông nghiệp, đồng thời giải ngân cho công ty của Cường trước khi công chứng và đăng ký giao dịch bảo đảm, trong khi hồ sơ của doanh nghiệp không đủ điều kiện.
Trong vụ án, một trong những bị can giữ vai trò mấu chốt đó là bị can Nguyễn Thị Xuân Trang (nguyên giám đốc sở giao dịch ngân hàng Phương Nam). Cơ quan điều tra xác định, bị can Trang đã ký 3 biên bản họp hội đồng tín dụng sở giao dịch ngân hàng Phương Nam đồng ý cho công ty Bình Phát vay vốn trong khi hồ sơ cấp tín dụng của công ty Bình Phát không đủ điều kiện vay vốn gây thiệt hại cho ngân hàng Phương Nam. Tuy nhiên bà đã bỏ trốn khỏi địa phương từ tháng 11/2016 nên không thi hành lệnh bắt tạm giam ngày 24/12/2018. Cơ quan cảnh sát điều tra đã ra quyết định truy nã nhưng đến nay vẫn chưa xác định được bị can ở đâu. Vì thế ngày 9/9/2019, công an ra quyết định tạm đình chỉ điều tra với bà, khi nào bắt được sẽ phục hồi điều tra và đề nghị truy tố theo pháp luật.
Liên quan đến việc sử dụng các bất động sản này đi vay nhiều ngân hàng, tháng 11/2015, TAND TPHCM tuyên phạt Dương Thanh Cường mức án tù chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Lãnh đạo và cán bộ Agribank chi nhánh 6 cùng các bị cáo khác trong vụ án lãnh mức án từ 8-25 năm tù.
Toà buộc Dương Thanh Cường bồi thường cho Agribank chi nhánh 6 hơn 1.100 tỷ đồng hủy lệnh kê biên 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giao cho ngân hàng Phương Nam quản lý. Bởi ngân hàng này là đơn vị quản lý hợp pháp, Agribank chỉ nắm giữ bản sao. Việc để cho Cường mang những giấy tờ này sang Phương Nam tiếp tục thế chấp vay tiền là lỗi của Agribank.
Bản án này được tòa phúc thẩm giữ nguyên. Tuy nhiên, TAND Tối cao sau đó kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm về phần dân sự - tức xem xét lại quyết định trả cho Phương Nam 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Ngày 3/5/2019, TAND TPHCM xử sơ thẩm lần 2, tiếp tục kê biên các tài sản này để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án. Quyền lợi của Ngân hàng Phương Nam, HĐXX cho rằng, sẽ được xem xét khi vụ án liên quan đến các lãnh đạo và cán bộ ngân hàng này được đưa ra xét xử.
Xuân Duy