Tổ chức lừa đảo quốc tế: Hàng nghìn tài khoản Facebook ảo vận hành thế nào?
(Dân trí) - Sau khi có được tài khoản Facebook, Đồng thay đổi thông tin cá nhân, ảnh đại diện, bài đăng để biến nó thành vỏ bọc của "doanh nhân thành đạt". Đây là công cụ để nhân viên trong tổ chức dùng lừa đảo.
Sáng 19/2, Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết trong đường dây lừa đảo trực tuyến xuyên quốc gia tại Philippines và Campuchia, cơ quan này đã bóc gỡ một mắt xích quan trọng, đó là bộ phận kỹ thuật viên, chuyên trách "nuôi Facebook".
Bộ phận kỹ thuật này hoạt động như một "công xưởng ngầm", nơi chuyên tạo lập, duy trì và vận hành hàng nghìn tài khoản Facebook giả mạo để tiếp cận, lừa đảo nạn nhân.

Nguyễn Văn Đồng (Ảnh: Đức Quang).
Nguyễn Văn Đồng (SN 2000, trú tại huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) là một kỹ thuật viên chủ chốt trong đường dây lừa đảo, được tổ chức tội phạm người Trung Quốc tuyển dụng từ tháng 7/2023.
Nam thanh niên này nhận nhiệm vụ tiếp quản, quản lý, vận hành hệ thống tài khoản Facebook ảo.
Các tài khoản Facebook có lịch sử hoạt động lâu năm, độ tin cậy cao được giới chủ người Trung Quốc thu mua từ diễn đàn "chợ đen" hoặc chiếm đoạt thông qua các chiến dịch đánh cắp thông tin.
Sau khi chiếm quyền kiểm soát, Đồng thay đổi thông tin cá nhân, ảnh đại diện, bài đăng để biến tài khoản thành vỏ bọc của "doanh nhân thành đạt" hoặc các nhân vật có sức ảnh hưởng nhằm tạo lòng tin với nạn nhân.

Cảnh sát bắt giữ các đối tượng trong đường dây lừa đảo (Ảnh: Đức Quang).
Để tránh bị Facebook phát hiện và khóa tài khoản, Đồng sử dụng phần mềm giả lập, đổi địa chỉ IP (một dãy mã số được Facebook tự động gán vào để quản lý các hoạt động một cách tự động và thống nhất), tạo hoạt động tương tác giả lập như kết bạn, bình luận, đăng bài viết… nhằm giữ cho tài khoản luôn "sống".
Khi một tài khoản bị Facebook quét và vô hiệu hóa, Đồng lập tức dùng thủ thuật kỹ thuật để khôi phục hoặc tạo tài khoản mới có giao diện, thông tin tương tự, nhằm đánh lừa nạn nhân rằng họ vẫn đang trò chuyện với cùng một người.
Theo cảnh sát, bộ phận kỹ thuật do Nguyễn Văn Đồng cùng đồng bọn điều hành đóng vai trò quan trọng trong toàn bộ hệ thống. Nhờ đó, đường dây lừa đảo có thể liên tục tiếp cận nạn nhân mới, duy trì hoạt động trong thời gian dài mà không bị nghi ngờ.
Hàng nghìn tài khoản Facebook ảo được vận hành bài bản, chuyên nghiệp, hỗ trợ đắc lực cho các nhóm nhân viên lừa đảo thực hiện nhiều kịch bản tinh vi nhằm chiếm đoạt tài sản của nạn nhân.

Nhóm đối tượng nhân viên, trong vai các "doanh nhân thành đạt" trực tiếp lừa đảo nạn nhân (Ảnh: Công an cung cấp).
Như Dân trí đã đưa tin, Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Bộ Công an và các đơn vị bắt giữ 56 đối tượng trong đường dây lừa đảo xuyên quốc gia hoạt động tại Philippines và Campuchia.
Đây là đường dây lừa đảo dưới hình thức đầu tư tiền điện tử Bitcoin và lừa đảo làm nhiệm vụ TikTok.
Với TikTok, nhóm lừa đảo hướng dẫn khách xem video về các sản phẩm, nhãn hàng nổi tiếng để được nhận tiền. Sau đó, nhóm này sẽ mời nạn nhân nạp tiền đầu tư vào sàn thương mại điện tử để "nhanh làm giàu". Đến khi khách hết khả năng đầu tư, nhóm này chặn liên lạc, chiếm đoạt tiền.
Với thủ đoạn lừa đảo đầu tư tiền điện tử Bitcoin, các đối tượng lập tài khoản Facebook ảo, giả danh doanh nhân thành đạt, khoe hình ảnh về sự giàu có để tạo lòng tin với nạn nhân.
Sau đó, nhóm lừa đảo dụ dỗ bị hại tham gia đầu tư đồng tiền điện tử Bitcoin với mức tối thiểu 8 triệu đồng để hưởng lợi nhuận cao trong thời gian ngắn. Ban đầu, bị hại được phép rút cả gốc lẫn lãi.
Khi đầu tư số tiền lớn hơn, chúng viện nhiều lý do để yêu cầu nộp thêm tiền, sau đó chặn liên lạc và chiếm đoạt toàn bộ tiền của bị hại.
Với những cách thức hoạt động tinh vi, chuyên nghiệp, tổ chức này đã lừa đảo hàng nghìn bị hại là người Việt Nam, chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng.
Hành trình đột kích "sào huyệt" lừa đảo hàng trăm tỷ đồng ở Campuchia (Đức Quang - Dương Nguyên).