"Thầy giết khách" trong tổ chức lừa đảo hàng trăm tỷ đồng khai gì?
(Dân trí) - Nhóm lừa đảo tại Philippines hướng dẫn khách xem video TikTok về các sản phẩm để được nhận tiền. Sau đó, nhóm này sẽ mời nạn nhân nạp tiền đầu tư vào sàn thương mại điện tử rồi chặn liên lạc.
Sáng 17/2, Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết, liên quan đến chuyên án triệt phá tổ chức lừa đảo quốc tế gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng, tòa nhà Uzume Building tại thủ đô Manila, Philippines là nơi ẩn náu của các đối tượng lừa đảo làm nhiệm vụ TikTok.
Trong số những người bị bắt giữ, Hoàng Hồng Nhung khai nhận đã chủ động xin làm việc cho tổ chức lừa đảo và nhận công việc trợ lý hướng dẫn làm nhiệm vụ TikTok.

Tòa nhà Uzume Building tại Manila, Philippines - nơi ẩn náu của các đối tượng lừa đảo làm nhiệm vụ TikTok (Ảnh: Công an cung cấp).
Sau khi tiếp nhận khách hàng, Nhung hướng dẫn họ xem một số video về giày dép và các nhãn hàng nổi tiếng. Mỗi video xem xong, khách sẽ được nhận 6.000 đồng.
Vài ngày sau, Nhung và đồng bọn sẽ gợi ý cho họ cách kiếm tiền, thu lợi nhuận nhanh hơn là đầu tư vào sàn thương mại điện tử.
Tổ chức này tự tạo ra một trang web khá giống với giao diện của TikTok Shop, đăng các sản phẩm như khẩu trang và mức giá để khách đóng tiền đầu tư.
Theo lời khai của Nhung, ngày thứ nhất, khách khi nạp vào sàn thương mại từ 150.000 đồng đến 1 triệu đồng sẽ được hoàn tiền gốc và thu lợi thêm 15-20%. Ngày thứ hai, Nhung cũng hướng dẫn khách đầu tư và hoàn tiền gốc, thêm tiền lãi như vậy để tạo lòng tin.
Bước sang ngày thứ 3, Nhung thuyết phục khách đầu tư cao hơn 1-5 triệu đồng để "nhanh làm giàu". Sau khi khách nạp tiền đầu tư ở mức này, nhóm trợ lý của Nhung sẽ chuyển thông tin cho bộ phận cao hơn là "thầy giết khách".

Hoàng Hồng Nhung (Ảnh: Đức Quang).
Trong đường dây này, Bùi Quang Minh được xác định làm việc tại vị trí nhân viên ở khâu thứ 3 - "thầy giết khách".
Minh khai, công việc của mình là tiếp tục mời gọi khách hàng đầu tư hàng chục triệu đồng vào sàn thương mại điện tử, thực tế là trang web ảo. Đến khi khách hết khả năng đầu tư, Minh sẽ báo cáo cho quản lý.
Quản lý sẽ đề nghị đội kỹ thuật của công ty làm lỗi hệ thống, lỗi tài khoản, sau đó cử Minh liên hệ với khách, hướng dẫn nạp thêm tiền để khắc phục. Khắc phục xong, Minh và đồng bọn lại bịa ra các lý do như cần nạp tiền để đóng thuế sản phẩm và mời gọi đầu tư thêm.
Nạn nhân vì muốn lấy lại tiền đã đầu tư từ những lần trước nên buộc phải làm theo. Đến khi khách hàng hết khả năng, Minh và đồng bọn sẽ báo cáo quản lý. Cấp trên sẽ chỉ đạo Minh "giết khách" bằng cách chặn liên lạc hoặc xóa tài khoản khách ra khỏi nhóm đầu tư.

Bùi Quang Minh (Ảnh: Đức Quang).
Đối tượng Minh cũng khai rằng vào tháng 12/2023, anh ta nhận được lời mời qua Philipines làm việc. Sau đó, Minh liên hệ với người môi giới và được hướng dẫn làm thủ tục, đặt vé máy bay sang công ty.
Sau 2 tháng thử việc và tập huấn về kịch bản lừa đảo, anh ta làm việc cho tổ chức này. Với công việc như trên, Minh nhận lương 30 triệu đồng mỗi tháng.
Như Dân trí đã đưa tin, Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Bộ Công an và các đơn vị bắt giữ 56 đối tượng trong đường dây lừa đảo xuyên quốc gia hoạt động tại Philippines và Campuchia.
Đây là đường dây lừa đảo dưới hình thức đầu tư tiền điện tử Bitcoin và lừa đảo làm nhiệm vụ TikTok. Nhóm này đã lừa đảo hàng nghìn bị hại là người Việt Nam, chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng.
Với thủ đoạn lừa đảo dưới hình thức đầu tư tiền điện tử Bitcoin, các đối tượng lập tài khoản Facebook ảo, giả danh doanh nhân thành đạt, khoe hình ảnh về sự giàu có để tạo lòng tin với nạn nhân.
Sau khi làm quen, nhóm lừa đảo dụ dỗ bị hại tải ứng dụng UNISAT về, tham gia đầu tư đồng tiền điện tử Bitcoin với mức tối thiểu 8 triệu đồng để hưởng lợi nhuận cao trong thời gian ngắn.
Ban đầu, bị hại được phép rút cả gốc lẫn lãi nhằm củng cố niềm tin. Khi đầu tư số tiền lớn hơn, chúng viện lý do lỗi hệ thống, tiền thuế, phí bảo hiểm… để yêu cầu nộp thêm tiền, sau đó chặn liên lạc và chiếm đoạt toàn bộ số tiền bị hại đã nộp.
Hành trình đột kích "sào huyệt" lừa đảo hàng trăm tỷ đồng ở Campuchia (Video: Đức Quang - Dương Nguyên).