DNews

Những kẻ mang vỏ bọc "doanh nhân thành đạt" lừa hàng trăm tỷ đồng thế nào?

Dương Nguyên

(Dân trí) - Nhóm lừa đảo tại Philippines và Campuchia sử dụng kịch bản "7 ngày xây dựng lòng tin" với phụ nữ đơn thân, thiếu thốn tình cảm. Sau đó, nhóm này sẽ rủ nạn nhân đầu tư vào tiền ảo rồi chiếm đoạt tiền.

Những kẻ mang vỏ bọc "doanh nhân thành đạt" lừa hàng trăm tỷ đồng thế nào?

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh đã ra quyết định khởi tố 50 bị can về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đây là những bị can nằm trong tổ chức lừa đảo trực tuyến dưới hình thức đầu tư tiền điện tử Bitcoin, làm nhiệm vụ TikTok hoạt động tại Philippines và Campuchia. Tổ chức này đã lừa đảo hàng nghìn bị hại là người Việt Nam, chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng.

Hành trình đột kích "sào huyệt" lừa đảo hàng trăm tỷ đồng ở Campuchia (Video: Đức Quang - Dương Nguyên).

Kịch bản "7 ngày xây dựng lòng tin" với phụ nữ thiếu thốn tình cảm

Cơ quan điều tra xác định, trong đường dây này, Nguyễn Quang Phương (SN 1995, trú tại Bắc Giang) thuộc nhóm bộ phận nhân viên trực tiếp sử dụng các tài khoản Facebook ảo để tiếp cận nạn nhân, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo lời khai, Phương gia nhập tổ chức lừa đảo từ đầu năm 2024, xuất cảnh từ sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM) đến thủ đô Manila, Philippines. Tại đây, đối tượng được chủ là người Trung Quốc chỉ đạo cho quản lý, đào tạo người Việt Nam, hướng dẫn các kịch bản lừa đảo chi tiết.

Những kẻ mang vỏ bọc doanh nhân thành đạt lừa hàng trăm tỷ đồng thế nào? - 1

Trung tâm thương mại Double Dragon Plaza, tọa lạc tại trung tâm thủ đô Manila, Philippines - nơi ẩn náu của tổ chức lừa đảo đầu tư tiền ảo (Ảnh: Công an cung cấp).

Phương sử dụng các tài khoản Facebook ảo, khoác lên mình vỏ bọc "doanh nhân thành đạt" để tiếp cận những người phụ nữ trung niên Việt Nam, thường là người đơn thân, thiếu thốn tình cảm.

Theo những gì đã được đào tạo, Phương áp dụng kịch bản "7 ngày xây dựng lòng tin", từng bước thiết lập mối quan hệ thân thiết với nạn nhân.

Cụ thể, ngày đầu tiên, Phương và đồng bọn tìm kiếm phụ nữ thiếu thốn tình cảm để nhắn tin làm quen, nói chuyện tìm hiểu sở thích và những vấn đề liên quan đến gia đình của họ.

Ngày thứ hai, những kẻ lừa đảo liên tục nhắn tin gửi lời chúc đến khách vào buổi sáng, trưa và tối.

Tiếp đó, chúng gửi cho khách những bức ảnh của bản thân dưới vỏ bọc là những "doanh nhân thành đạt" đang làm việc ở nước ngoài. Khi đã lấy được lòng tin của khách, kẻ lừa đảo chuyển sang giai đoạn yêu đương bằng cách nói chuyện nhiều hơn với nạn nhân.

Những "doanh nhân" luôn trao lời ngọt ngào, hỏi thăm, quan tâm đến sức khỏe, ăn uống của các phụ nữ. Đến khi khách đã tin tưởng tuyệt đối, nhóm lừa đảo rủ họ tham gia chung vào một công việc để cùng nhau xây dựng tương lai tốt đẹp hơn.

Những kẻ mang vỏ bọc doanh nhân thành đạt lừa hàng trăm tỷ đồng thế nào? - 2

Nhóm đối tượng nhân viên, trong vai các "doanh nhân thành đạt" trực tiếp lừa đảo nạn nhân người Việt Nam (Ảnh: Công an cung cấp).

Khi đã chiếm được sự tin tưởng, đối tượng lừa đảo chia sẻ "bí quyết thành công" của bản thân, thuyết phục nạn nhân cùng đầu tư Bitcoin (BTC) trên sàn UNISAT.

Phương và đồng bọn luôn hứa hẹn nhiều điều tốt đẹp để nạn nhân tin rằng họ đang không chỉ đầu tư tài chính mà còn bước vào một mối quan hệ tình cảm nghiêm túc, bền vững.

Giai đoạn này, nếu khách đồng ý, những kẻ lừa đảo sẽ báo cáo với cấp trên để đưa ra các gói cho khách đầu tư. Khi nạn nhân chi tiền vào đầu tư, bằng nhiều cách khác nhau, nhóm này sẽ thông báo cho khách đang bị sai sót về thông tin để họ không rút được tiền và bị chiếm đoạt tài sản.

Để lừa đảo nạn nhân số tiền lớn, khi khách hàng đổ tiền đầu tư lần đầu tiên, nhóm lừa đảo sẽ cho họ được trả một khoản lợi nhuận. Sau đó, nạn nhân tin tưởng và nhận thấy có lãi nên sẽ tiếp tục đầu tư bằng số tiền lớn hơn ban đầu.

Theo đó, mức đầu tiên những kẻ lừa đảo kêu gọi khách hàng đầu tư với số tiền 500 USD và hưởng lợi nhuận 30% tổng số tiền đã bỏ ra. Số lợi nhuận này sẽ được gửi về tài khoản của khách hàng để chiếm lòng tin.

Những kẻ mang vỏ bọc doanh nhân thành đạt lừa hàng trăm tỷ đồng thế nào? - 3

Các nghi phạm bị bắt giữ (Ảnh: Công an cung cấp).

Khi khách hàng đã tin tưởng, nhóm lừa đảo hướng dẫn nâng gói VIP đầu tư với số tiền 5.000 USD và hưởng mức lợi nhuận 30%, số lợi nhuận của lần đầu tư này vẫn tiếp tục được chuyển vào tài khoản của khách hàng.

Sau đó, nhóm lừa đảo hướng dẫn khách hàng các khoản đầu tư lớn hơn, cho đến khi họ không còn đủ tiền để đầu tư, nhóm này sẽ báo cáo với cấp trên để theo dõi. Cuối cùng, nhóm này sẽ ra quyết định "giết khách" bằng cách chặn liên lạc, khóa tài khoản giao dịch, chiếm đoạt toàn bộ số tiền của nạn nhân rồi biến mất.

Kẻ quản lý nhóm hơn 80 người lừa đảo khai gì?

Trong số hàng chục người bị bắt giữ, cảnh sát xác định Nguyễn Thế Anh (SN 1996, quê ở huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) giữ vai trò quản lý, điều hành hoạt động lừa đảo của hơn 80 người Việt Nam.

Thế Anh tham gia tổ chức lừa đảo tại Philippines từ tháng 3/2023. Với lợi thế biết tiếng Trung Quốc, anh ta được cấp trên giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý các tổ trưởng, đồng thời truyền đạt, hướng dẫn cho họ.

Những kẻ mang vỏ bọc doanh nhân thành đạt lừa hàng trăm tỷ đồng thế nào? - 4

Nguyễn Thế Anh, quản lý đường dây lừa đảo (Ảnh: Đức Quang).

Thế Anh còn hướng dẫn nhân viên thực hiện hành vi lừa đảo, cấp máy tính, điện thoại, tài khoản Facebook ảo cho các tổ lừa đảo sử dụng.

Quá trình làm việc, anh ta chịu trách nhiệm điểm danh nhân viên, giám sát giờ giấc làm việc xem ai làm việc riêng, xử lý các trường hợp vi phạm, kiểm tra hiệu suất và cuối ngày làm báo cáo gửi "sếp".

Đặc biệt, khi có nhân viên mới, đối tượng này sẽ cung cấp "kịch bản lừa đảo" chi tiết bằng văn bản để nhân viên học thuộc, thực hành lừa đảo người Việt Nam.

Nguyễn Thế Anh còn chịu trách nhiệm quản lý doanh số của nhóm dưới quyền, đảm bảo lợi nhuận từ hoạt động phạm pháp.

"Khi kiếm được tiền lừa đảo, chúng tôi sẽ dựa trên doanh thu để trả lương. Các tổ trưởng sẽ được hưởng 3%, tôi sẽ được hưởng 2%", Thế Anh khai nhận.

Trong đường dây này, cơ quan công an cũng đã bóc gỡ một mắt xích quan trọng, đó là bộ phận kỹ thuật viên, chuyên trách "nuôi Facebook".

Nguyễn Văn Đồng (SN 2000, trú tại huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) là đối tượng nằm trong mắt xích, tham gia tổ chức lừa đảo từ tháng 7/2023.

Những kẻ mang vỏ bọc doanh nhân thành đạt lừa hàng trăm tỷ đồng thế nào? - 5

Công an Hà Tĩnh đã khởi tố 50 người trong đường dây lừa đảo quốc tế (Ảnh: Đức Quang).

Đồng được chủ người Trung Quốc giao nhiệm vụ quản lý và vận hành hàng trăm tài khoản Facebook ảo. Anh ta chịu trách nhiệm tiếp quản các ID tài khoản Facebook (một dãy mã số được Facebook tự động gán vào để quản lý các hoạt động một cách tự động và thống nhất) mua lại, chiếm quyền đăng nhập và chuyển đổi thành tài khoản lừa đảo, giao cho nhân viên sử dụng.

Khi các tài khoản bị khóa do chính sách của Facebook hoặc lỗi hệ thống, Đồng có nhiệm vụ phục hồi, sửa chữa giao diện và bài đăng để đảm bảo các tài khoản mới trông giống hệt tài khoản cũ, giúp quá trình lừa đảo không bị gián đoạn.

Để triệt phá đường dây lừa đảo xuyên quốc gia này, các trinh sát của Phòng Cảnh sát Hình sự Công an Hà Tĩnh đã theo dõi, áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, lần theo dấu vết suốt nhiều tháng trời. 

Khi thời cơ chín muồi, cuối năm 2024 và đầu tháng 1 vừa qua, cảnh sát ập vào nơi trú ẩn của các đối tượng lừa đảo tại thủ đô Phnôm Pênh (Campuchia), khống chế, bắt giữ 30 nghi phạm.

Tại các sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TPHCM) và Nội Bài (Hà Nội), cảnh sát chốt chặn, khống chế thêm 26 đối tượng khi nhóm này vừa từ Philippines về nước.