1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Tiến sĩ tội phạm học nói cách ứng xử từ vụ bé trai bị bắt cóc ở Hà Nội

Hải Nam

(Dân trí) - Theo tiến sĩ tội phạm học, ngay khi phát hiện con em mình đã bị thất lạc, hay bị bắt cóc, gia đình nhất thiết phải trình báo với cơ quan công an gần nhất.

Vừa qua, một vụ bắt cóc trẻ em tinh vi, táo tợn để tống tiền xảy ra tại quận Long Biên (Hà Nội). Bé trai 7 tuổi bị Nguyễn Đức Trung (31 tuổi, quê Vĩnh Phúc) bắt giữ trong gần 10 tiếng đồng hồ. Hắn yêu cầu gia đình nạn nhân phải đưa 15 tỷ đồng để chuộc con. 

Nhờ sự bình tĩnh của gia đình, kết hợp với năng lực nghiệp vụ của lực lượng chức năng, bé trai đã được giải cứu an toàn, đối tượng gây án cũng bị bắt giữ.

Trước vụ việc trên, các bậc phụ huynh nên làm gì khi con cái hoặc người thân rơi vào tình huống bị bắt cóc để tống tiền?.

Diễn biến vụ bắt cóc tại quận Long Biên

Trao đổi với phóng viên Dân trí, tiến sĩ tội phạm học, Thượng tá Đào Trung Hiếu nhận định, việc triển khai các biện pháp phòng ngừa là bước đi chủ động bảo vệ trẻ em khỏi nguồn nguy hiểm, hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ trẻ bị bắt cóc, đánh tráo.

Tuy nhiên nếu trẻ vẫn bị sa vào tay bọn tội phạm, thì chỉ còn cách ứng xử khôn ngoan mới đảm bảo đưa bé trở lại gia đình trong sự an toàn.

Ngay khi phát hiện con em mình đã bị thất lạc, hay bị bắt cóc (qua thông tin đối tượng báo về đòi tiền chuộc), ông Hiếu khuyến cáo, gia đình nhất thiết phải trình báo với cơ quan công an gần nhất (kể cả trường hợp bị đối tượng dọa nạt, ngăn cản báo Công an).

"Việc trình báo cần tiến hành bí mật, vì đối tượng có thể đang ở ngay trước nhà để quan sát động thái của gia đình trẻ.

Kèm theo đơn trình báo, gia đình cần cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân của trẻ bị bắt cóc, như họ tên, ảnh, đặc điểm ngoại hình, quần áo, độ tuổi của cháu bé; tên, số điện thoại của bố mẹ; thời gian, địa điểm trẻ bị bắt cóc...", Thượng tá công an nói.

Theo ông Hiếu, khi đối tượng gọi điện tới để đòi tiền chuộc, nên bí mật ghi âm lại cuộc gọi, lưu số máy gọi đến. Trong khi nói chuyện, cần tỏ ra sợ hãi và ngoan ngoãn chấp hành mọi yêu cầu của đối tượng và "xin" chúng đừng làm hại đứa trẻ.

Tiến sĩ tội phạm học nói cách ứng xử từ vụ bé trai bị bắt cóc ở Hà Nội - 1

Thượng tá Đào Trung Hiếu (Ảnh: Tổ quốc).

"Cần "diễn" cho khéo, tuyệt đối không được đe dọa sẽ báo công an. Nên tập trung vào việc "mặc cả", thảo luận về thời gian, địa điểm, cách thức giao nhận tiền… để bọn bắt cóc khỏi nghi ngờ", ông Hiếu đưa ra lời khuyên.

Sau đó, gia đình nạn nhân cần hợp tác chặt chẽ với Công an, không được tự ý làm bất cứ điều gì ngoài chỉ đạo, hướng dẫn của lực lượng phá án.

Nếu đối tượng hẹn thời gian, địa điểm, cách thức đưa tiền, Thượng tá Đào Trung Hiếu cho biết, gia đình cần báo cáo và làm theo hướng dẫn của công an.

"Thường thì đối tượng không bao giờ gặp mặt trực tiếp nhận tiền, mà "điều" gia đình nạn nhân đến vị trí thích hợp, để lại túi tiền rồi ra về. Chúng sẽ đến lấy sau.

Do đó, cha mẹ của trẻ cần tỏ ra ngoan ngoãn thực hiện đúng mọi yêu cầu của chúng", ông Hiếu nói và lưu ý, có vụ án các đối tượng theo dõi nạn nhân ra điểm hẹn, nhưng trên đường đi chúng dàn cảnh cướp giật để lấy túi tiền.

"Về số tiền chuộc, cần thực hiện theo yêu cầu nghiệp vụ của lực lượng phá án", Thượng tá công an đưa ra lời khuyên.