Thị trường đã tiêu thụ bao nhiêu lít xăng giả trong đường dây của Trịnh Sướng?
(Dân trí) - Cơ quan công an cho biết, trước năm 2017, có thể đường dây sản xuất xăng giả của Trịnh Sướng đã sản xuất, cung cấp xăng giả ra thị trường. Tuy nhiên, chỉ tiến hành điều tra từ năm 2017 đến nay, đường dây này đã sản xuất, mua bán khoảng 400 triệu lít, thu lợi hàng trăm tỷ đồng.
Đường dây xăng giả được phát hiện như thế nào?
Ngày 18/7, tại UBND tỉnh Đắk Nông, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đã có buổi làm việc với Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Đắk Nông về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 6 tháng đầu năm 2019. Tại buổi làm việc, đại diện Công an tỉnh Đắk Nông đã cung cấp thêm một số thông tin về đường dây xăng giả của đại gia Trịnh Sướng mà đơn vị này công bố hồi tháng 6/2019.
Theo báo cáo của Công an tỉnh Đắk Nông, qua nắm tình hình địa bàn về lĩnh vực phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại mặt hàng xăng dầu và từ nguồn tin báo của quần chúng nhân dân có 1 cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn bán xăng có mùi hôi như mùi thuốc trừ sâu và tiếng nổ của động cơ rất khác, nghi xăng không đảm bảo chất lượng.
Từ đây, Công an tỉnh Đắk Nông đã xác lập chuyên án phối hợp với các lực lượng của Bộ Công an triệt phá đường dây sản xuất và buôn bán xăng giả do đại gia Trịnh Sướng cầm đầu.
Trong khi đó, theo một nguồn tin riêng, việc phát hiện xăng giả và được lập chuyên án phá đường dây xăng giả cũng rất… tình cờ. Thời điểm khi giá xăng dầu đang ở mức cao, một số đối tượng đã đến một cây xăng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông để đề nghị cung cấp nguồn hàng với giá rẻ hơn giá của các đầu mối khác.
Tuy nhiên, chủ cây xăng này lại có người quen làm trong ngành công an. Nghi ngờ đây là đường dây sản xuất, cung cấp xăng dầu kém chất lượng, nên chủ cây xăng này đã thông báo cho người quen của mình để tìm hiểu thêm. Sự việc được cán bộ công an báo cáo cho lãnh đạo Công an tỉnh Đắk Nông và tiến hành điều tra, làm rõ.
Theo Đại tá Lê Văn Tuyến, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông, nếu để các đối tượng pha chế xong rồi kiểm tra thì chỉ xử lý được hành chính xăng kém chất lượng nên buộc phải bắt quả tang quá trình sản xuất. Tuy nhiên, các đối tượng sản xuất rất tinh vi, gây khó khăn rất lớn cho cơ quan điều tra.
Sau khi thành lập ban chuyên án 018SM do Thứ trưởng Bộ Công an làm trưởng ban chỉ đạo chuyên án, lực lượng chức năng đã bắt quả tang 3 đợt. Đợt 1 tại hai cửa hàng xăng dầu của Đắk Nông ngày 24/1/2019; đợt 2 là ngày 13 và 14/5 tại Đắk Nông và Khánh Hòa; đợt 3 là ngày 28/5-2/6, đã tổ chức đồng bộ bắt quả tang 6 điểm tại TP.HCM; Cần Thơ, Sóc Trăng…Các đối tượng đều thừa nhận hành vi phạm tội.
Trịnh Sướng và đồng bọn đã bán được bao nhiêu lít xăng?
Tính đến nay, Công an tỉnh Đắk Nông đã khởi tố 28 bị can về tội sản xuất và buôn bán xăng giả. Nhiều cây xăng của tỉnh này được cơ quan chức năng liệt kê liên quan đến việc bán xăng giả.
Đến nay cơ quan công an đã tạm giữ 3.264.281 lít dung dịch các loại gồm: 2.183.604 lít hỗn hợp đã pha chế để tạo thành xăng giả, 432.474 lít dung môi chưa pha, 250.000 lít dung dịch (chưa rõ chủng loại), 138.203 lít dầu DO, 260.000 lít A95, chất tạo màu và nhiều đồ vật, tài liệu khác có liên quan. Đặc biệt, tang vật thu giữ có nhiều loại phụ gia được và không được phép sử dụng trong xăng dầu.
Theo cơ quan điều tra, từ 1/1/2017 đến nay, số tiền các đối tượng sử dụng dùng để mua dung môi, các chất làm tăng chỉ số Octan (Toluene, MTBE, NMA, Methanol…) là 4.200 tỉ đồng, với khoảng 400 triệu lít xăng giả đã được sản xuất để bán ra thị trường. Trung bình mỗi tháng, đường dây này cung cấp hơn 6 triệu lít xăng giả. Thị trường tiêu thụ tại rất nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Ngày 19/7, trao đổi với PV Dân trí, một cán bộ của VKSND tỉnh Đắk Nông cho biết, đã phê chuẩn quyết định tạm giữ hình sự số 712 của Công an tỉnh Đắk Nông đối với ông Lưu Văn Nguyện (SN 1977, trú TP.HCM), Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần dầu khí Bình Minh.
Ông Nguyện bị tạm giữ từ ngày 13/7 để điều tra về hành vi bán dung môi cho đường dây xăng giả của Trịnh Sướng. Trước đó, khám xét nơi làm việc của ông Nguyện, công an đã thu giữ được nhiều tài liệu liên quan vụ án.
"Trong 3 ngày nữa mới biết được ông này có bị khởi tố hay không", vị này cho hay.
Cũng theo cơ quan này, trong phạm vi đấu tranh chuyên án, Công an chỉ mở ra đến ngày 1/1/2017 quay lại đây. Trước đó, có thể đường dây sản xuất và mua bán xăng giả này đã hoạt động, nên trong quá trình đấu tranh sẽ tiếp tục điều tra làm rõ. Nếu chứng minh được, số lượng xăng dầu được tiêu thụ sẽ vô cùng lớn.
“Thời điểm mà giá xăng được bán trên 20.000 đồng mỗi lít, thế nhưng các đối tượng này chiết khấu cho các cây xăng rất cao. Với mỗi lít xăng giả bán được, cây xăng có lãi 8.000 đồng. Điều này cho thấy việc kinh doanh xăng giả đem lại lợi nhuận không nhỏ. Siêu lợi nhuận”, Đại tá Lê Văn Tuyến, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông thông tin tại buổi làm việc với Ban chỉ đạo 389 Quốc gia.
Các hóa chất làm xăng giả vô cùng độc hại
Theo đại diện Cục quản lý hóa chất (Bộ Công thương) có rất nhiều hóa chất độc hại được sử dụng để tăng chỉ số Octan trong xăng, làm xăng giả. Trong đó, có những chất có thể dùng để sản xuất thuốc diệt cỏ, diệt sâu hoặc tiền chất ma túy. Riêng Toluene sử dụng rộng rãi để trong ngành công nghiệp, hóa chất này độc hại, dễ gây nổ, tiếp xúc thời gian dài thì hệ thần kinh trung ương tổn hại, gây ung thư…
Cũng theo vị đại điện này, hiện nay những dung môi dùng pha vào xăng được kiểm soát khá chặt chẽ đầu vào. Tuy nhiên, để quản lý chặt hơn đầu ra thì cần phải có vai trò của nhiều cơ quan.
“Không thể quản lý chặt đầu vào vì các chất này có tính chất lưỡng dụng, nếu hạn chế thì ảnh hưởng đến ngành khác. Do đó, phải có chế tài cực mạnh như đóng cửa các cây xăng buôn bán xăng giả” – đại diện Cục Quản lý hóa chất của Bộ Công thương cho hay.
Một lãnh đạo của Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết thêm, sau khi công an tỉnh Đắk Nông triệt phá đường dây sản xuất buôn bán xăng giả, hiện nay có tỉnh thành một số mặt hàng dùng để sản xuất xăng giả đang tồn kho rất lớn. Tới đây, đơn vị sẽ làm việc Bộ Khoa học và Công nghệ về vấn đề quản lý các dung môi này.
Dương Phong
.