1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Nghệ An:

Thảm án vì mấy con lươn

(Dân trí) - Tức giận vì suốt ngày bị kẻ gian trộm trúm lươn, Phương và An đi rình và đánh chết ông Hùng khi thấy ông này mang kích điện trong khu vực thả trúm. Phiên tòa xét xử 2 nông dân này ngập trong nước mắt thương cảm của những người cùng xã.

Qu
Quá bức xúc vì thưởng xuyên bị trộm lươn, Lưu Xuân An và Lưu Xuân Phương đã đánh chết người đàn ông đi kích cá trong khu vc 2 người thả trúm
 
Phiên tòa xét xử Lưu Xuân Phương (SN 1985) và Lưu Xuân An (SN 1986), cùng trú tại xóm Tây Lai, xã Phú Thành, Yên Thành, Nghệ An vào chiều ngày 22/4 có lẽ là phiên tòa đặc biệt nhất mà tôi từng theo dõi. Phòng xét xử chật ních người. Họ là những người dân đến từ xã Phú Thành, vượt gần 100km xuống TP Vinh để theo dõi phiên xét xử. Nhiều tiếng ồ, à đã vang lên trong quá trình HĐXX xét hỏi các bị cáo và phần tranh tụng giữa đại diện Viện KSND tỉnh Nghệ An và luật sư bào chữa cho 2 bị cáo. Một “thùng quyên góp” đã được lập ngay tại hành lang phiên tòa. Những người có mặt, kẻ vài chục, người một trăm nghìn đến tham gia đóng góp.
 
“Thằng Phương với thằng An tội lắm. Nhà nghèo, phải đi thả trúm lươn kiếm thêm gạo nuôi cha mẹ già, nuôi con nhỏ rứa mà người ta còn nỡ trộm mấy con lươn của chúng nó. Cực chẳng đã chúng mới làm như thế thôi chứ bình thường cả hai đứa đều hiền lành, chăm chỉ lắm. Giờ chúng đi tù, mẹ già, cha yếu, vợ dại, con thơ không biết sống như răng. Chúng tôi là người làng, người xã, góp ít đồng đỡ đần cho gia đình thôi”, ông Cảnh - một người dân xã Phú Thành tới tham dự phiên tòa - cho biết.

Phiên tòa ngập trong nước mắt. Trong hàng ghế dành cho bị cáo, cả Phương lẫn An đều sụt sùi. Bên ngoài, vợ và các con của họ cũng nước mắt ngắn, nước mắt dài. Thẳng nhỏ con bị cáo Phương cứ nhoài người ra gọi tên bố khiến những người có mặt ở phóng xét xử không cầm được nước mắt.

Nhà nghèo, chỉ sống dựa vào mấy sào ruộng, lại không có nghề ngỗng gì khác nên An và Phương thường đi thả trúm lươn rồi bán lại cho người khác. Mỗi đêm thức trắng cũng chỉ kiếm được dăm chục đến một trăm nghìn, đủ để mua chút thức ăn mặn hay lốc sữa cho các con. Thế nhưng, kẻ vô tâm nào đó cứ rình lúc lươn chui vào trúm là nhanh tay nẫng mất, khi An và Phương đi thăm, đổ trúm thì vừa mất cả trúm, lại mất cả lươn.

Lưu Xuân An không ngừng khóc tại phiên tòa
Lưu Xuân An không ngừng khóc tại phiên tòa

Tức giận, nhiều lần 2 người đi rình bắt kẻ lấy trộm lươn nhưng không bắt được. Khoảng 3h sáng ngày 4/11/2012, Phương dậy, rút một chiếc gậy tre ở hàng rào rồi phóng xe tới nhà An để kiểm tra có ai trộm lươn không. An cầm một ống tuýp sắt và chở Phương ra đồng. Khi đi, mỗi người cầm thêm nửa viên gạch.

Đến chỗ mình thả trúm, phát hiện có ông Nguyễn Xuân Hùng (SN 1966, trú tịa xóm 12, xã Văn Thành, Yên Thành) đang đi kích cá, lươn bằng điện và đang đổ trúm có lươn, cá của An và Phương. Phương hỏi ông Hùng tại sao lại đổ lươn của mình rồi hô “An ơi, đập chết cha hắn đi”. Phương dùng gậy tre, An dùng tuýp sắt đánh ông Hùng. Sau khi xô ông này ngã, Lưu Xuân An dùng viên gạch ném vào ngực, Phương dùng gạch đánh vào người, đầu ông Hùng.

Nghe ông Hùng nói “Tau biết sai rồi, bây tha cho tau”, An và Phương dừng tay và bỏ về. Đi được một đoạn, cả hai quay lại kiểm tra, thấy ông Hùng đã chết. Sáng ngày 5/11/2012, Lữu Xuân An đến Công an huyện Yên Thành đầu thú. Riêng Lưu Xuân Phương trốn sang Lào, đến ngày 7/11 cũng về đầu thú và khai nhận hành vi phạm tội của mình.

Kết luận giám định pháp y cho thấy ông Nguyễn Xuân Hùng tử vong vì xuất huyết não do chấn thương.

Tại phiên tòa, cả Phương và An thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình và cho biết, do quá bức xúc vì việc thường xuyên bị trộm lươn nên khi phát hiện ông Hùng đổ trộm lươn của mình, không kiềm chế được nên mới đánh. Các bị cáo cũng cho biết, bức xúc quá nên đánh cảnh cáo chứ không chủ đích giết chết ông Hùng.

Luật sư bào chữa cho các bị cáo cũng đề nghị tòa xem xét bởi lẽ trong vụ việc này, bị hại cũng có một phần lỗi là đã trộm lươn, gây bức xúc cho các bị cáo. Tuy nhiên, lập luận này đã bị Hội đồng xét xử bác bỏ do chưa đủ căn cứ để xác định ông Hùng có đổ trộm lươn của An và Phương hay không.

Lưu Xuân An không ngừng khóc tại phiên tòa
Thương cho hoàn cảnh của các bị cáo, người dân đến tham dự phiên tòa đã phát động và quyên góp giúp đỡ hai gia đình

Tuy nhiên, xét thấy bị cáo Lưu Xuân Phương và Lưu Xuân An có nhân thân tốt, thành khẩn khai báo; sau khi sự việc xảy ra, vợ của Phương đã vay mượn được 5 triệu đồng đền bù cho gia đình bị hại, gia đình An cũng đã bồi thường được 2 triệu đồng nên các bị cáo được hưởng các tình tiết giảm nhẹ theo quy định của pháp luật. Nhưng trong vụ án này, Lưu Xuân Phương là người khởi xướng, hô An đánh và là người trực tiếp dùng gạch đánh vào người, vào đầu, gây nên cái chết của ông Nguyễn Xuân Hùng nên Phương phải là người chịu trách nhiệm chính.

Chính vì vậy, HĐXX tuyên phạt Lưu Xuân Phương 14 năm tù giam, Lưu Xuân An 12 năm tù giam về tội “giết người”. Ngoài ra, các bị cáo còn phải liên đới bồi thường cho phía bị hại 83 triệu đồng, cấp dưỡng cho mẹ nạn nhân (SN 1927) 500 nghìn đồng mỗi tháng, cấp dưỡng cho con út của ông Hùng (hiện đã được 17 tuổi 10 tháng) 500 nghìn đồng/tháng đến khi cháu tròn 18 tuổi.

“Mất đi trụ cột gia đình, không biết vợ thằng Phương, thằng An làm răng mà trả nổi số tiền bồi thường gần cả trăm triệu thế này?”, một người dự phiên tòa chép miệng.

Hoàng Lam