Nhà văn Hàn Quốc Lee Ki Ho yêu các tác phẩm văn học Việt Nam
(Dân trí) - Tại buổi giao lưu với độc giả Việt Nam, nhà văn Lee Ki Ho đã chia sẻ, văn học Châu Á là một trong những nền văn học rất quan trọng đối với các nhà văn Hàn Quốc.
Ngày 9/5 tại trường Đại học Đại Nam (Hà Nội) đã diễn ra chương trình Giao lưu, gặp gỡ nhà văn Lee Ki Ho và dịch giả Trần Hải Dương cùng sinh viên của trường trong khuôn khổ dự án Lớp học dịch văn học Hàn Quốc của Viện dịch thuật văn học Hàn Quốc khởi xướng.
Sự kiện có sự tham gia của nhiều nhà khoa học, dịch giả tên tuổi của Việt Nam, Hàn Quốc và các bạn sinh viên yêu mến văn hóa Hàn Quốc.
Những năm gần đây, văn học Hàn Quốc được dịch, xuất bản và giới thiệu đến độc giả Việt Nam ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Một hỗ trợ quan trọng cho sự phát triển này là do chính phủ Hàn Quốc quyết tâm lớn thúc đẩy sự hiện diện của văn hóa và ngôn ngữ Hàn Quốc trên phạm vi châu Á và thế giới, trong đó có sự đầu tư lớn cho dịch thuật văn học và hỗ trợ xuất bản văn học Hàn Quốc tại nước ngoài, mà Việt Nam là một điểm đến được lưu tâm.
Tại buổi gặp gỡ, nhà văn Lee Ki Hoo nhấn mạnh tầm quan trọng của giao lưu văn hóa thông qua các tác phẩm văn học Hàn Quốc đến với độc giả Việt Nam.
Theo ông Lee Ki Hoo, để phát triển hơn nữa dòng văn học dịch thuật tiếng Hàn tại Việt Nam, cần tăng cường công tác nghiên cứu giới thiệu văn học Hàn Quốc tại các trường đại học.
"Văn học châu Á là một trong những nền văn học rất quan trọng đối với các nhà văn Hàn Quốc. Hiện, chúng tôi có các câu lạc bộ, các cuộc giao lưu giữa các nhà văn Hàn Quốc và Việt Nam. Tôi rất yêu các tác phẩm văn học của Việt Nam và quan tâm đến các tác phẩm của những nhà văn trẻ hiện đại, tôi thấy được sự tương đồng về lịch sử, văn hóa và thậm chí là tương đồng về nỗi đau trong chiến tranh.
Tôi rất vinh dự vì tác phẩm của tôi đã được chuyển tải sang tiếng Việt và được nhiều độc giả yêu mến. Tôi thấy gần đây, bên cạnh việc phát triển làn sóng Kpop hay điện ảnh thì việc các bạn trẻ quan tâm đến văn học, tiểu thuyết Hàn Quốc là tín hiệu rất đáng mừng...", nhà văn Lee Ki Hoo cho biết.
TS. Trần Hải Dương, Trưởng khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc, dịch giả văn học Hàn Quốc chia sẻ, bên cạnh việc giảng dạy thì Đại học Đại Nam rất quan tâm đến phát triển các câu lạc bộ văn học, nghệ thuật, câu lạc bộ thể thao, học thuật... Hoạt động này giúp sinh viên có nhiều cơ hội để tiếp xúc với các nhà văn Hàn Quốc cũng như có cơ hội nói tiếng Hàn với người bản ngữ nhiều hơn ngay tại Việt Nam.
"Hiện có nhiều trường đào học đào tạo về biên, phiên dịch tại Việt Nam. Tuy nhiên chưa có trường chính quy nào đào tạo về dịch thuật văn học. Các dịch giả hiện nay hầu như là các giảng viên hoặc các bạn tốt nghiệp tại các trường đại học rồi làm nghề theo hình thức học hỏi trau dồi chứ không được đào tạo bài bản về dịch thuật văn học.
Ở Đại học Đại Nam, chúng tôi chú trọng đào tạo các nghành nghề biên, phiên dịch. Đồng thời thu hút các dự án về dịch thuật của Hàn Quốc giúp sinh viên phát triển hơn nữa kỹ năng dịch thuật văn học", ông Trần Hải Dương chia sẻ.
Theo TS. Trần Hải Dương, khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc vinh dự được nhận dự án đào tạo biên dịch của Viện dịch thuật văn học Hàn Quốc với 40 sinh viên của Khoa. Ông hy vọng khi ra trường, các em sinh viên có thể làm nghề dịch thuật văn học một cách chuyên nghiệp.
Ông Dương nói thêm, ngày nay, các công ty Hàn sang Việt Nam đầu tư rất nhiều vì vậy các sinh viên ra trường chỉ cần nghe, nói, đọc, viết thành thạo tiếng Hàn là hoàn toàn có thể làm việc tại các công ty Hàn Quốc. Hơn nữa nếu các em được đào tạo bài bản về biên phiên dịch thì hoàn toàn có thể đảm trách công tác biên, phiên dịch tại các công ty Hàn Quốc.
Nhà văn Lee Ki Ho sinh năm 1972, tại Hàn Quốc. Ông hiện là giáo sư về Văn học hiện đại, làm việc ở khoa Viết sáng tạo (Đại học Gwangju). Lee Ki Ho ra mắt khi truyện ngắn Birney của ông đoạt giải trong cuộc thi Nhà văn mới Văn học hiện đại hàng tháng vào năm 1999.
Ông còn có tác phẩm được vinh danh tại Giải thưởng văn học Yi Hyo-seok vào năm 2010. Lee Ki Ho được coi là một trong những nhà văn với những tác phẩm độc đáo nhất Hàn Quốc đến mức một nhà phê bình đã tuyên bố rằng không thể áp dụng những quy ước của một câu chuyện vào tác phẩm của Lee.
Dịch giả Trần Hải Dương tốt nghiệp Tiến sĩ ngành Ngôn ngữ và văn hóa Hàn Quốc tại Hàn Quốc, hiện đang là Trưởng khoa Ngôn ngữ và văn hóa Hàn Quốc, Trường Đại học Đại Nam. Tính đến nay dịch giả này đã chuyển dịch được hơn 10 đầu sách tiếng Hàn, trong đó phải kể đến các tác phẩm: Anh đã trở về, Kể cắp xe đạp, Cá trong chuông, Hay là cứ xin lỗi...