1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ nêu lý do phải can thiệp tim ngay trong bào thai

Hoàng Lê

(Dân trí) - Thống kê trong năm 2023, Bệnh viện Từ Dũ phát hiện hơn 21.600 trường hợp bất thường thai nhi, với hơn 2.500 ca được can thiệp bào thai.

Tại buổi khai mạc hội nghị Sản phụ khoa Việt - Pháp - Châu Á Thái Bình Dương 2024, diễn ra ở TPHCM ngày 9/5, bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Ngọc Hải, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ (TPHCM) cho biết, sứ mệnh và đích đến cuối cùng của ngành sản phụ khoa là mang đến một chất lượng dân số tốt, thông qua chất lượng bào thai, chất lượng trẻ sơ sinh và chất lượng sức khỏe phụ nữ mang thai.

Từ xưa, ông bà ta đã có câu "biết từ trong trứng", để đến ngày hôm nay, khoa học mang đến cơ hội chẩn đoán và phát hiện, sàng lọc sớm bất thường trong bào thai. Sau đó là vấn đề lựa chọn can thiệp trong bào thai, can thiệp ngay sau sinh hay chấm dứt, đình chỉ thai. Đây là những điều rất quan trọng để tạo nên chất lượng dân số.

Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ nêu lý do phải can thiệp tim ngay trong bào thai - 1

Trẻ được chăm sóc, điều trị tại khoa Sơ sinh, Bệnh viện Từ Dũ (Ảnh: Hoàng Lê).

Ở khía cạnh chẩn đoán, hiện nay có nhiều tiến bộ trong chẩn đoán hình ảnh, đặc biệt là chẩn đoán bất thường ngay trong 3 tháng đầu của bào thai. Ngoài ra, còn những thành tựu trong xét nghiệm gen, tính di truyền của bào thai…

Bác sĩ Hải chia sẻ, hiện nay trên thế giới đã có nhiều thành tựu trong phẫu thuật bào thai, như can thiệp thai bị dị tật thiểu sản phổi, thai bị tắc nghẽn đường tiểu dưới, bất thường tim…

Tại sao chúng ta không để đứa trẻ ra đời rồi mới can thiệp mà phải xử lý ngay trong bào thai? Giải đáp câu hỏi này, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ cho biết, bào thai có cơ chế điều chỉnh, tự liền mạch và tự hoàn thiện. Do đó sau khi can thiệp tim trong bào thai, cơ thể sẽ tự sửa chữa, không cần phải can thiệp lại. Đây là lý thuyết và cũng được kiểm chứng qua kinh nghiệm thành công của đơn vị Can thiệp bào thai của Bệnh viện Từ Dũ.

Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ nêu lý do phải can thiệp tim ngay trong bào thai - 2

Em bé được thông tim bào thai chào đời an toàn vào đầu tháng 2 tại Bệnh viện Từ Dũ (Ảnh: BV).

Thống kê trong năm 2023, Bệnh viện Từ Dũ phát hiện hơn 21.600 ca bất thường thai nhi, hơn 2.500 ca được can thiệp bào thai (trong đó đa số được đình chỉ thai kịp thời). Đến nay, Bệnh viện đã chẩn đoán được 3.173 ca sẩy thai, hiếm muộn do bất thường nhiễm sắc thể và hơn 15.500 trẻ sơ sinh bị suy giáp, thiếu G6PD, rối loạn chuyển hóa nội tiết bẩm sinh.

Cũng theo bác sĩ Hải, trình độ chuyên môn kỹ thuật của bác sĩ tại Bệnh viện Từ Dũ cũng ngày càng được nâng cao. Tỷ lệ nuôi sống trẻ sinh non tại đây ngày càng cao (trong đó trẻ từ 32 tuần tuổi trở lên gần như được nuôi sống hoàn toàn. Đơn vị cũng đẩy mạnh hợp tác với một trường đại học ở Ý, để xây dựng trung tâm can thiệp bào thai quốc tế.

Ngoài ra, Bệnh viện Từ Dũ còn chuyển giao nhiều chuyên môn kỹ thuật cho tuyến trước, phối hợp sản - nhi với các bệnh viện bạn. Mục tiêu cuối cùng là xây dựng mạng lưới sàng lọc và phát hiện sớm các bất thường, làm sao cho chất lượng bào thai được tốt nhất.

Thạc sĩ Đinh Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế cho biết, hội nghị Sản phụ khoa Việt - Pháp - Châu Á Thái Bình Dương là nơi chia sẻ các kiến thức, tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong nước lẫn quốc tế. Xuất phát từ đó, các kỹ thuật mới, tiên tiến được áp dụng ở Việt Nam.

Hội nghị lần này có hơn 60 bài báo cáo khoa học giá trị, chia làm 24 chủ đề quan trọng trong chuyên ngành sản phụ khoa và sơ sinh. Trong đó có rất nhiều thành tựu, với sự tham dự của các nhà khoa học trên toàn quốc và nhiều nơi khác.

Đại diện Bộ Y tế tin tưởng hội nghị sẽ mang lại nhiều tiến bộ, kỹ năng cho nhân viên y tế các tuyến, để không ngừng giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ em, nâng cao chất lượng sống của người dân, đảm bảo các quyền cơ bản của con người.