Từ Hà Lan, một doanh nhân tố cáo cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm nhận hối lộ
(Dân trí) - Qua Hà Lan định cư từ năm 2018, ông Đàm Ngọc Hồng có đơn tường trình, đơn tố cáo hành vi nhận hối lộ của ông Trần Kỳ Hình.
Ngày 7/5, Viện KSND TPHCM đã tống đạt cáo trạng vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các trung tâm đăng kiểm phương tiện cơ giới, phương tiện đường thủy nội địa trên địa bàn TPHCM và nhiều tỉnh, thành khác cho các bị can.
Vụ án có 254 bị can, nhiều hồ sơ với hơn 286.070 bút lục và 215 luật sư tham gia bào chữa. Thẩm phán Huỳnh Văn Trực, Phó Chánh án Tòa Hình sự được phân công giải quyết vụ án.
Theo cáo trạng, các bị can nhóm lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam gồm: Trần Kỳ Hình (cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam từ tháng 1/2014 đến tháng 7/2021), Đặng Việt Hà (cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam từ tháng 8/2021 đến tháng 12/2022), Nguyễn Vũ Hải (Phó Cục trưởng đến khi khởi tố vụ án) đã không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ người đứng đầu.
Theo cáo buộc, ông Hình, ông Hà đã đưa ra chủ trương làm trái quy định để nhận hối lộ số tiền đặc biệt lớn, dẫn tới sai phạm, tiêu cực trong thời gian dài.
Hồ sơ vụ án thể hiện, bị can Trần Kỳ Hình khi phát hiện có sai phạm đã không chấn chỉnh, xử lý mà còn nhận tiền hối lộ của doanh nghiệp, đơn vị đăng kiểm để bỏ qua sai phạm trong quá trình thẩm định hồ sơ thiết kế; duyệt cấp năng lực cho 63 hồ sơ cơ sở đóng tàu không đủ điều kiện cấp theo quy định.
Ông Hình phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi nhận hối lộ với số tiền hơn 7,1 tỷ đồng và hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ đối với việc duyệt cấp thông báo năng lực 63 hồ sơ.
Tại cơ quan điều tra, ông Trần Kỳ Hình thừa nhận hành vi phạm tội. Ông biết rõ số tiền Trần Anh Quân (quyền trưởng Phòng kiểm định xe cơ giới) đưa cho mình hàng tháng là tiền các đăng kiểm viên nhận hối lộ của các cơ sở thiết kế.
Số tiền ông Hình nhận hối lộ liên quan đến công tác thẩm định hồ sơ thiết kế là 1,68 tỷ đồng. Đối với số tiền nhận hối lộ từ các Trung tâm đăng kiểm, người này chỉ thừa nhận đã nhận 3,37 tỷ đồng.
Quá trình điều tra, ông Hình đã tự nguyện nộp lại 1,5 tỷ đồng và 12.000 USD.
Ngoài những cáo buộc trên, ông Trần Kỳ Hình còn phê duyệt phương án chỉ định nhà thầu Công ty Việt Nét là đơn vị cung ứng dây chuyền kiểm định Beissarth tại Trung tâm 50-04V. Cơ quan tố tụng xác định việc chỉ định thầu trên là đúng theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, để thực hiện việc thí điểm trên, ông Trần Kỳ Hình thừa nhận đã nhận hối lộ 100 triệu đồng của Đàm Ngọc Hồng (Phó Giám đốc Công ty Việt Nét) để tạo điều kiện, ký quyết định cho phép lắp đặt thí điểm 1 dây chuyền kiểm định xe tải của hãng Beisssbarth, không qua đấu thầu.
Sau đó, ông Hình thay đổi lời khai, không thừa nhận việc nhận hối lộ số tiền trên.
Hồ sơ vụ án thể hiện, từ năm 2018, đến nay, ông Đàm Ngọc Hồng định cư tại Hà Lan nên nhà chức trách chưa làm việc được với người này. Tuy nhiên, ông Hồng có đơn tường trình, đơn tố cáo được hợp pháp hóa lãnh sự đối với hành vi của ông Trần Kỳ Hình.
Theo đó, năm 2014, ông Trịnh Ngọc Giao (nguyên Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam) cấm không cho Công ty Việt Nét cung cấp thiết bị kiểm định của hàng Beissbarth, thay vào đó là thiết bị của hàng Maha.
Đến năm 2015, ông Trần Kỳ Hình giữ chức Cục trưởng. Lúc này, ông Hồng gặp ông Hình xin cung cấp thiết bị kiểm định trở lại và được chấp thuận cung cấp thí điểm thiết bị kiểm định cho Trung tâm 50-04V.
Cũng theo đơn tố cáo của ông Hồng, tháng 2/2015, ông ta đã đưa hối lộ cho ông Hình 100 triệu đồng để công ty của mình được trúng chỉ định thầu.