Quy định về việc nâng hạng giấy phép lái xe
(Dân trí) - Theo quy định, người có nhu cầu được đào tạo nâng hạng giấy phép lái xe phải có đủ thời gian lái xe an toàn quy định cho từng hạng.
Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có quy định về đào tạo lái xe.
Theo đó, người có nhu cầu được cấp giấy phép lái xe (GPLX) phải được đào tạo nội dung lý thuyết và thực hành theo chương trình đào tạo quy định cho từng hạng GPLX.
Bên cạnh đó, người học lái xe phải được đào tạo tại các cơ sở đào tạo lái xe hoặc các hình thức đào tạo lái xe khác để cấp mới hoặc nâng hạng giấy phép lái xe.

Sát hạch giấy phép lái xe (Ảnh minh họa: S.H.).
Việc đào tạo để nâng hạng GPLX thực hiện đối với những đối tượng sau đây:
- Nâng hạng GPLX từ hạng B lên hạng C1 hoặc lên hạng C hoặc lên hạng D1 hoặc lên hạng D2.
- Nâng hạng GPLX từ hạng C1 lên hạng C hoặc lên hạng D1 hoặc lên hạng D2.
- Nâng hạng GPLX từ hạng C lên hạng D1 hoặc lên hạng D2 hoặc lên hạng D.
- Nâng hạng GPLX từ hạng D1 lên hạng D2 hoặc lên hạng D.
- Nâng hạng GPLX từ hạng D2 lên hạng D.
- Nâng hạng GPLX từ hạng B lên hạng BE, từ hạng C1 lên hạng C1E, từ hạng C lên hạng CE, từ hạng D1 lên hạng D1E, từ hạng D2 lên hạng D2E, từ hạng D lên hạng DE.
Người có nhu cầu được đào tạo nâng hạng GPLX khi GPLX còn hiệu lực phải có đủ thời gian lái xe an toàn quy định cho từng hạng GPLX. Đối với việc nâng hạng GPLX lên hạng D1, D2, D, người có nhu cầu được đào tạo còn phải có trình độ từ trung học cơ sở trở lên.
GPLX các hạng C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E, DE phải được đào tạo bằng hình thức đào tạo nâng hạng theo các điều kiện quy định nêu trên.
Cơ sở đào tạo lái ô tô phải đáp ứng các điều kiện do Chính phủ quy định; có giáo trình, giáo án; thực hiện đào tạo theo đúng hình thức, nội dung và chương trình quy định cho từng hạng GPLX.