Sóc Trăng:
Phiên tòa “Dùng nhục hình”: Gây oan sai do… quá tin vào lực lượng điều tra!
(Dân trí) - Tại phiên tòa chiều ngày 2/10, nguyên lãnh đạo của bị cáo Phạm Văn Núi lập luận, do quá tin vào lực lượng điều tra viên, kiểm sát viên nên mới đồng ý phê chuẩn các quyết định khởi tố, bắt khẩn cấp các đối tượng dẫn đến oan sai sau đó.
Ghi nhận của PV Dân trí, buổi xét xử phiên tòa “Dùng nhục hình” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” chiều ngày 2/10 tiếp tục với phần xét hỏi bị cáo, bị hại và những người có liên quan. Trong đó, đáng chú ý là HĐXX và phía luật sư đã “truy” trách nhiệm cấp trên của bị cáo Phạm Văn Núi. Núi bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Quá tin vào lực lượng điều tra, kiểm sát viên
Trong cáo trạng của Viện KSNDTC, ông Trần Thanh Điệp là Kiểm sát viên- Phó trưởng Phòng 1A (Viện KSND Sóc Trăng) là người được phân công cùng với Phạm Văn Núi thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra vụ án. Nhưng ông Điệp tham gia vụ án theo yêu cầu của lãnh đạo Phòng 1A và lãnh đạo Viện KSND Sóc Trăng để kèm cặp, giúp đỡ Núi. Ông Điệp không trực tiếp nghiên cứu tài liệu, không đề xuất phê chuẩn các quyết định tố tụng của CQĐT. Vì vậy, CQĐT Viện KSNDTC không khởi tố ông Điệp là có cơ sở.
Tại phiên tòa, ông Trần Thanh Điệp nêu quan điểm, bị cáo Phạm Văn Núi cho rằng việc “thiếu trách nhiệm…” là của tập thể chứ không phải riêng cá nhân bị cáo Núi, ông Điệp nói bản thân ông không biết chuyện đó. Ông Điệp cho rằng, việc phê chuẩn để khởi tố, bắt khẩn cấp 7 thanh niên, ông không nhúng tay vào.
“Tôi không có trách nhiệm trong việc gây ra oan sai. Tôi chỉ thấy do mình nhận thức chưa sâu nên có thiếu sót trong việc nghiên cứu hồ sơ để không phát hiện sớm hơn, tránh kéo dài thời gian gây oan sai cho các đối tượng mà thôi”, ông Điệp phân trần.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hùng Việt - Trưởng phòng 1A (Viện KSND Sóc Trăng) thừa nhận, ông có phân công bị cáo Núi tham gia vụ án trong cuộc họp với CQĐT. Ông cũng thừa nhận có việc động viên bị cáo Núi cứ làm và sẽ cho Phó Phòng 1A Trần Thanh Điệp hỗ trợ trực tiếp. “Trong vụ việc có thiếu sót ban đầu là kiểm sát viên làm các quyết định trễ, đúng ra phải làm sớm hơn”, ông Việt nói.
Chủ tọa phiên tòa- Thẩm phán Thái Rết đặt vấn đề thêm với ông Việt: “Trong vụ việc này, việc gây oan sai phải bồi thường là trách nhiệm của tập thể hay cá nhân ?”. Ông Nguyễn Hùng Việt cho rằng: “Việc quy trách nhiệm của ai thì tôi không dám nói, bởi tôi cũng là người có lỗi để xảy ra oan sai”.
Ông Việt cũng lập luận rằng, nếu không có chuyện lập biên bản đầu thú không đúng đối tượng, không có lời khai không đúng của Trần Văn Đở, Trần Cua, Trần Hol thì không có oan sai xảy ra. Theo ông Việt, tất cả Điều tra viên, kiểm Sát viên tham gia vụ án đều “làm được việc” do đã từng làm nhiều vụ án.
Trong vụ án giết ông Lý Văn Dũng, ông Việt thừa nhận: “Do thông tin vụ án, hồ sơ tài liệu rất ít, bản thân tôi và các anhh em không thể nào có cơ sở phủ nhận biên bản đầu thú của Phách, Diễm và lời khai của Đở, Hol, Cua. Không có cách nào khác hơn là tin tưởng vào lực lượng Điều tra viên và Kiểm sát viên cùng lời khai của các đối tượng để có các quyết định phê chuẩn khởi tố và bắt sau đó”.
Theo cáo trạng của Viện KSNDTC, ông Nguyễn Hùng Việt trong quá trình giải quyết vụ án đã có vi phạm, thiếu sót là chủ quan, quá tin tưởng vào tài liệu chứng cứ do CQĐT Công an Sóc Trăng cung cấp và đề xuất của Phạm Văn Núi, nên đã phê chuẩn các quyết định tố tụng của CQĐT mà không kiểm tra. CQĐT Viện KSNDTC có văn bản kiến nghị đến cấp có thẩm quyền để xử lý kỷ luật theo quy định là phù hợp.
Cũng tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát hỏi bị cáo Phạm Văn Núi: “Khi không muốn tham gia vụ án thì bị cáo có làm văn bản để từ chối gửi cấp trên không?”. Bị cáo Núi trần tình: “Do bị cáo mới về, khi lãnh đạo phân công nhiệm vụ thì bị cáo làm chứ bị cáo không đủ can đảm để làm văn bản từ chối tham gia vụ án này đến cấp trên”.
Các bị hại yêu cầu được bồi thường
Tại phiên tòa buổi chiều, các Luật sư cũng tham gia xét hỏi bổ sung đối với bị hại, bị cáo và những người liên quan. Tuy nhiên, phần xét hỏi bổ sung qua ghi nhận cũng không có nhiều tình tiết mới so với phần xét hỏi trước đó. Đáng chú ý có Luật sư Ánh hỏi bị cáo Triệu Tuấn Hưng rằng: “Bị cáo từng có lần tuyệt thực trong trại giam, có đơn gửi kêu oan hay không?”. Bị cáo Hưng thừa nhận có những việc này và khẳng định sẽ tiếp tục kêu oan tại phiên tòa.
Tại tòa, bị hại Thạch Sô Phách cũng đề nghị và yêu cầu các bị cáo bồi thường 50 triệu đồng do tổn hại sức khỏe, tinh thần. Trước đó, bị hại Khâu Sóc cũng đã có đề nghị, yêu cầu các bị cáo bồi thường cho mình 60 triệu đồng. Việc bồi thường, HĐXX cho biết sẽ xem xét theo quy định.
Sau phần xét hỏi bổ sung, HĐXX tuyên tạm nghỉ phiên xét buổi chiều ngày 2/10 và sẽ tiếp tục phiên tòa vào ngày Thứ 2, 5/10/2015.
Huỳnh Hải