Ông Nguyễn Bắc Son tự bào chữa thế nào trong 90 phút trước tòa?
(Dân trí) - Tự bào chữa, cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son phủ nhận đã chỉ đạo, định hướng MobiFone mua cổ phần của AVG và cho rằng, bản thân chỉ đề nghị đơn vị chức năng nghiên cứu, đề xuất.
Chiều 20/12, ông Nguyễn Bắc Son - người bị Viện Kiểm sát đề nghị mức án tử hình - được HĐXX cho phép trình bày phần tự bào chữa trong gần 1 tiếng rưỡi đồng hồ.
Trước khi tự bào chữa, ông Son trình bày, đây là vụ án diễn ra từ nhiệm kỳ trước. Bản thân ông cũng như một số người ở đây sẽ có lúc nhớ, có lúc quên.
“Quá trình điều tra sẽ có người nói đúng sự thật nhưng có thể có người khai chưa chính xác vì yếu tố chủ quan, khách quan.” - ông Son nói.
Theo ông Son, những lời tự bào chữa của ông sau đây có thể nhạy cảm vì liên quan đến một số người từng là đồng chí, đồng nghiệp và cả người từng là cấp dưới của ông. Cựu Bộ trưởng mong Tòa án và Viện Kiểm sát căn cứ các tài liệu để xác minh, thẩm định, đối chiếu với phát biểu của ông để đánh giá sự thật khách quan.
Bị cáo Nguyễn Bắc Son cũng hoàn toàn nhất trí việc VKS truy tố ông 2 tội danh, cho rằng như vậy là đã đúng người, đúng tội.
“Nếu tôi chứng minh được ở Điều 220 là tôi đúng thì cũng không tác dụng gì nhiều vì nó chỉ có tác dụng để cho tôi thanh thản ở hình phạt của Điều 354.” - ông Son giãi bày.
Không định hướng MobiFone mua AVG
Trong phần trình bày của mình, cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son trích cụ thể nhiều đoạn trong cáo trạng quy kết ông định hướng, giới thiệu để MobiFone mua lại cổ phần của AVG. Những cáo buộc này, ông Son cho rằng chưa chính xác.
Theo ông Son, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao thì MobiFone đề nghị Bộ TTTT được đầu tư dịch vụ truyền hình bằng hình thức mua lại nhà dịch vụ đã có sẵn. Khi nhận được công văn, ông chỉ bút phê chuyển Vụ Quản lý doanh nghiệp nghiên cứu, đề xuất.
Vụ Quản lý doanh nghiệp có phiếu trình nói đề nghị của MobiFone là phù hợp với ngành nghề kinh doanh, tăng khả năng doanh thu trong thời kỳ mới. Việc mua nhà dịch vụ có sẵn hay đầu tư mới đều đúng quy định pháp luật.
“Tôi thấy phù hợp và sau đó MobiFone triển khai các bước tiếp theo.” - ông Son trình bày và khẳng định, bản thân MobiFone đề nghị được đầu tư dịch vụ truyền hình.
“Tôi cũng không yêu cầu Vụ Quản lý doanh nghiệp mà trực tiếp là Vụ trưởng Phạm Đình Trọng cho mua hay không cho mua.” - ông Son nói thêm.
Việc mua AVG, theo ông Son, phù hợp vì 3 căn cứ. Thứ nhất, MobiFone đề nghị đầu tư bằng hình thức mua nhà dịch vụ có sẵn, cụ thể là AVG vì cho rằng có nhiều ưu điểm nổi bật.
Thứ hai, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn (thời điểm đó) sau khi biết thông tin AVG có thể được bán cho nhà đầu tư nước ngoài thì viết thư cho ông nêu quan điểm rằng đây là cơ hội để Nhà nước mua và giữ cổ phần AVG.
Thứ ba, Bộ Công an có ý kiến đề nghị Bộ TTTT chỉ đạo việc AVG không được phép chuyển nhượng dịch vụ truyền hình cho nước ngoài và doanh nghiệp Nhà nước nên mua lại là tốt nhất.
Ông Son trình bày, sau đó, khi gặp ông Lê Nam Trà (cựu Chủ tịch HĐTV MobiFone Lê Nam Trà), ông được báo cáo rằng MobiFone đang nghiên cứu triển khai thì ông có nói, ngoài các nhà dịch vụ khác thì xem xét thêm AVG. Theo ông Song, lời khai của ông Trà tại cơ quan điều tra cũng cho thấy ông chỉ gợi ý nghiên cứu xem xét chứ không định hướng mua AVG như cáo trạng quy kết.
Về cáo buộc ông chỉ đạo bị cáo Phạm Đình Trọng lập tổ thẩm định, phối hợp với MobiFone và AVG thống nhất giá mua AVG là 8.900 tỷ đồng, ông Son nói rằng điều này không đúng sự thực khách quan vì ông nhận thức được Bộ không có chức năng thẩm định và giá mua. Đây là trách nhiệm của HĐTV MobiFone mà Bộ không thể can thiệp vào.
Theo trình bày của cựu Bộ trưởng Son, bị cáo Phạm Đình Trọng đại diện Bộ TTTT ký biên bản cuộc họp ngày 2/10/2015 với MobiFone và AVG mà không được ủy quyền là việc làm không đúng quy định, dẫn đến MobiFone hiểu nhầm là Bộ đồng ý mua 95% cổ phần với giá 8.900 tỷ đồng nên không đàm phán tiếp theo tinh thần giảm giá tối đa như công văn của Bộ trước đó.
“Sau khi tự động ký rồi thì anh Trọng cũng không báo cáo lãnh đạo Bộ. Nếu được báo cáo thì chắc chắn tôi sẽ yêu cầu hủy bỏ để tiếp tục đàm phán.” - ông Son nhấn mạnh.
Trước phần trình bày của bị cáo Son, Thẩm phán phiên toà phân tích, biên bản khác với công văn, quyết định. Thành phần tham gia cuộc họp ký vào biên bản không cần phải được ủy quyền, tức là bị cáo Trọng ký biên bản không cần thay mặt lãnh đạo Bộ, không phải công văn để phải được ủy quyền.
Cuối phần tự bào chữa, bị cáo Son đề nghị toà xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo khác tại Bộ TTTT và MobiFone; đồng thời cho biết mình đã gặp gia đình và trao đổi việc sớm khắc phục số tiền đã nhận bất hợp pháp.
Tiến Nguyên