1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Nước mắt tù nhân từng đánh bạn tù, cắt ven tay chống đối cán bộ

(Dân trí) - Như một con ngựa bất kham, Hà Tuấn Duyệt bỏ qua mọi lời gan ruột và những giọt nước mắt của cha mẹ già để ngày càng lún sâu vào con đường tội lỗi. Bị bắt giam, Duyệt đánh bạn tù, cắt ven tay để chống đối cán bộ nhưng rồi bước chân của cha mẹ già vượt cả nghìn cây số đến thăm đã khiến con tim gã phạm nhân ấm lại. Gã đã khóc, khóc cho những điều tốt đẹp nhất trong cuộc đời sẽ quay trở lại…

Nhiều lần bức thư xin lỗi bố mẹ của Duyệt bị ngắt quãng vì sự xúc động của thanh niên này.
Nhiều lần bức thư xin lỗi bố mẹ của Duyệt bị ngắt quãng vì sự xúc động của thanh niên này.

Nhiều lần Hà Tuấn Duyệt (SN 1990) quê Lâm Đồng, hiện đang thụ án tại K2, Trại giam số 6 – Bộ Công an phải ngừng lại để nén cảm xúc xuống. Mặc dù vậy, giọt nước mắt vẫn rơi khiến câu chữ như nghẹn lại… Những năm ở tù, đây là lần đầu tiên gã con trai bất hiếu (như lời Duyệt tự nhận) mới đủ dũng khí để viết lên những lời tạ tội với đấng sinh thành của mình.

Duyệt là con út trong gia đình có 5 chị em, bố Duyệt làm công nhân cơ khí, mẹ gò lưng trên những đồi chè. Khác với những người anh chị em khác luôn là niềm tự hào của bố mẹ thì Duyệt luôn khiến bố mẹ phải buồn lòng.

15 tuổi, bỏ lại sau lưng giọt nước mắt của mẹ và đôi tay gầy cố níu giữ của bố, Hà Tuấn Duyệt bỏ học, bỏ nhà đi phiêu bạt giang hồ. Duyệt làm đủ mọi thứ nghề kiếm ra tiền nhưng đó là những đồng tiền nhơ nhớp, bất lương. Thời điểm đó, đối với Duyệt mỗi khi nghĩ lại đều cảm thấy tự ghê tởm bản thân bởi “là con người ai lại đang tâm giày xéo, xấu xé đồng loại của mình”.

Đâm thuê, chém mướn, Duyệt làm tất. Để rồi có những lần bị đối thủ suýt lấy mạng, nằm một mình trong bệnh viện với cơ thể đầy thương tích, nghĩ về bố mẹ, Duyệt cũng muốn gạt bỏ tất cả mà quay về. Thế nhưng, chính Duyệt lại không đủ dũng khí để trở về, quỳ xuống chân bố mẹ mà cầu xin sự tha thứ dẫu biết rằng, dù mình tội lỗi bao nhiêu đi chăng nữa bố mẹ vẫn sẵn sàng dang rộng vòng tay che chở và yêu thương.

Duyệt cứ trượt dài cuộc đời trong vũng bùn tăm tối mà không thể vũng vẫy tìm lối thoát cho mình. Càng ngày, Duyệt càng trở nên liều lĩnh, lỳ lợm mà máu lạnh với cường độ phạm tội ngày càng nghiêm trọng hơn. Rồi Duyệt bị bắt, bị kết án 16 năm tù giam về tội bắt giữ người trái pháp luật và cướp giật tài sản. Sốc với cái giá mình phải nhận, Duyệt tìm cách “bung ra”, đánh đập bạn tù, cắt ven tay để chống đối cán bộ. “Ngày ấy, cán bộ quản giáo cũng vì em mà khổ lắm”, Duyệt lí nhí.

Bức thư kín đặc 6 trang giấy là sự ân hận về những nỗi đau mầ Duyệt đã gây ra cho bố mẹ mình và những người vô tội khác.
Bức thư kín đặc 6 trang giấy là sự ân hận về những nỗi đau mầ Duyệt đã gây ra cho bố mẹ mình và những người vô tội khác.

Mọi nỗ lực cố gắng để kéo Duyệt về với cuộc đời của các cán bộ quản gio gần như không có hiệu quả. Duyệt đã quá quen với việc bị xử lý kỷ luật vì vi phạm nội quy của buồng giam, trại giam. Càng phạt, Duyệt là lỳ lợm và chống đối quyết liệt hơn. Thế nhưng gã giang hồ ấy đã rơi nước mắt khi chứng kiến cảnh bố mẹ già lọ mọ vượt chặng đường 1200 cây số đến thăm. Lúc ấy, bố Duyệt đang mang bệnh ung thư trong người.

Đôi tay già nua, run rẩy của bố nắm lấy tay Duyệt, những lời gan ruột của người cha đã từng bất lực trước đứa con ngỗ nghịch khiến Duyệt có kìm nén nhưng nước mắt vẫn cứ chảy ra. “Cuộc đời ai cũng có sai lầm. Quan trọng là sau sai lầm ta học được gì”. Chỉ hai câu nói ngắn gọn ấy đã hoàn toàn thay đổi cuộc đời của Duyệt.

“Bố mẹ ạ, con đã đánh đổi cả tự do và tuổi trẻ để học bài học này thì con sẽ cố gắng thay đổi. Hơn bao giờ hết, chính lúc này con đã nhận ra rằng: “Con người chỉ thật sự sống có ý nghĩa, có giá trị khi sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Con sẽ xem như là một trải nghiệm mà qua đây con sẽ trưởng thành hơn”, Duyệt viết trong thư gửi bố mẹ.

Duyệt nhận hoa động viên của Ban giám thị Trại giam số 6 sau khi bức thư được đọc trước hàng trăm phạm nhân đang thụ án ở đây.
Duyệt nhận hoa động viên của Ban giám thị Trại giam số 6 sau khi bức thư được đọc trước hàng trăm phạm nhân đang thụ án ở đây.

Vào Trại giam số 6, Hà Tuấn Duyệt được phân công vào đội khâu bóng. Từ chỗ kiếm tiền bằng đâm thuê chém mướn, phải lao động đối với Duyệt là một cực hình. Những lúc đó, lời dặn dò của bố đã tiếp thêm sức mạnh để Duyệt hoàn thành chỉ tiêu của mình.

“Mỗi lần vượt chỉ tiêu được Ban Giám thị khen thưởng con vui lắm. Tuy không nhiều nhưng là thành quả của những giọt mồ hôi thật sự. Con đã hiểu ra giá trị của lao động và phải biết quý trọng công sức lao động của mình cũng như của người khác”, gần 30 tuổi Duyệt mới nhận ra được chân lý này.

Biết quý trọng sức lao động, Duyệt trở thành con người khác và tự tin với những nỗ lực của bản thân, sự giúp đỡ của cán bộ quản giáo, Ban giám thị trại giam, của Hội đồng cán bộ cộng với chính sách khoan hồng của nhà nước sẽ rút ngắn được thời gian thi hành án của mình.

“Điều con mong mỏi nhất là bố mẹ hãy cố gắng giữ gìn sức khỏe để ngày về con còn có cơ hội được chăm sóc, chuộc lỗi với bố mẹ - điều mà từ trước tới nay con chưa một lần làm được. Bố mẹ hãy tha thứ cho đứa con trai lầm lỗi đã biết hối cải này nhé. Hãy bên con, tiếp thêm niềm tin để con vững bước trên con đường hoàn lương, tìm về nẻo thiện. Từng ngày… từng phút… từng giây… con luôn cầu mong cho bố mẹ được an lành, hạnh phúc”.

Hoàng Lam

Nước mắt tù nhân từng đánh bạn tù, cắt ven tay chống đối cán bộ - 4

Dòng sự kiện: Tết của phạm nhân