Bình Thuận:
Cái Tết hòa nhập đầu tiên của “người tù thế kỷ” Huỳnh Văn Nén
(Dân trí) - “17 năm tôi đón Tết ở bốn trại giam khác nhau, trong các trại đều có thịt heo, thịt gà, bánh chưng để ăn Tết nhưng tôi chưa bao giờ cảm thấy vui. Những lúc đó tôi chỉ hướng về gia đình và các con tôi. Có Tết tôi đã khóc cạn nước mắt trong buồn tủi …” – Ông Nén tâm sự.
Xuân của “người tù thế kỷ”
Sau hơn ba tháng được trả tự do, công nhận quyền công dân, “người tù thế kỷ” Huỳnh Văn Nén (ngụ thị trấn Tân Minh, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) đã bắt đầu quen thuộc với cuộc sống thường ngày. Sức khỏe của ông cũng khá hơn rất nhiều so với lúc vừa được trả tự do. Tuy vậy, cái Tết sắp tới với ông vẫn còn khá lạ lẫm bởi ông đã “quen” với những cái Tết cô độc trong tù, đón Tết cùng gia đình với ông tưởng chừng đã chấm hết nhưng với sự cố gắng của bản thân, sự giúp đỡ của người thầy đáng kính Nguyễn Thận, cùng các luật sư, nhà báo, mơ ước suốt 17 năm của ông nay đã thành hiện thực.
“17 năm tôi đón Tết ở bốn trại giam khác nhau. Trong các trại đều có thịt heo, thịt gà, bánh chưng, bánh tét để ăn Tết nhưng tôi chưa bao giờ cảm thấy vui. Những lúc đó tôi chỉ hướng về gia đình và các con tôi. Đôi khi tôi đã khóc cạn nước mắt trong những ngày đó vì buồn tủi. Những ngày bình thường ở trong tù đã dài nhưng ngày Tết nó còn dài hơn gấp nhiều lần. Tôi luôn cầu nguyện để mình được giải oan, được trả tự do để về ăn Tết với gia đình. Năm nào mỗi dịp Tết đến tôi cũng chỉ có một mong ước như vậy. Đến nay, trời thương tôi cho tôi được tự do và ước nguyện bấy lâu của tôi cũng thành hiện thực” – Ông Huỳnh Văn Nén tâm sự.
Ông Nén cho biết thêm, chỉ còn mấy ngày nữa là Tết, thấy mọi người đua nhau đi mua sắm tôi thấy rất vui và hạnh phúc. Tôi thèm cái cảm giác được đi mua sắm, dọn dẹp nhà, gói bánh chưng… để chuẩn bị đón Tết đã bao nhiêu năm. Nó rộn ràng và đầy đủ màu sắc, trái ngược với cuộc sống quanh quẩn bên bốn bức tường của nhà tù, của trại tạm giam. Nhà ai cũng đi mua sắm hoa mai, hoa đào, mua đủ thứ bánh kẹo để chuẩn bị đón Tết. Với tôi, tôi chỉ cần đón Tết trong tự do, đón giao thừa cùng với gia đình, cùng làm mâm cơm cúng tổ tiên là đủ rồi.
“Đây là cái Tết đầu tiên sau gần 18 năm ở tù tôi mới được sum vầy bên gia đình nên ước muốn lớn nhất lúc này, chỉ mong sao không ốm đau, không bệnh tật, tôi chỉ muốn gia đình tôi đỡ khổ hơn, chứ còn nói về tương lai thì tôi cũng không dám nghĩ đến. Mình cũng có tuổi rồi, chẳng biết ngày mai nó sẽ như thế nào, nên hãy để nó đến rồi mình sẽ đón nhận”.
Trong câu chuyện với ông Huỳnh Văn Nén khi hỏi về những dự định của ông trong thời gian tới, khi mà ông đã trở về với cuộc sống bình thường, hòa nhập với xã hội. Ông Nén nói: “Giờ tôi già rồi, biết làm gì nữa đâu, muốn đi làm cũng chẳng ai thuê, con cái thì lo cuộc sống của mình với những công việc làm thuê làm mướn hàng ngày chỉ đủ nuôi thân”.
Cảm xúc của người đàn ông đã trải qua gần 1/3 đời người ở trong tù này cũng thay đổi liên tục. Có lúc ông trầm ngâm khá lâu, ánh mắt sâu lắng nhìn về nơi xa xăm. Có lúc ông lại cười mỉm, rồi bật thành tiếng một mình vì vẫn chưa tin những gì đang diễn ra.
Nỗi lòng người vợ
Tết này không chỉ đặc biệt với ông Nén, đây cũng là cái Tết ý nghĩa nhất của gia đình ông trong suốt 17 năm qua. Khác với mọi năm, bà Nguyễn Thị Cẩm (vợ ông Nén) vừa dọn dẹp nhà vừa vui vẻ cho biết: “Hơn 17 năm tôi và các con phải đón Tết trong sự buồn bã và tủi nhục với hàng xóm. Chồng tôi cũng phải chịu 17 cái Tết cay đắng trong tù nên Tết này ông rất háo hức. Chúng tôi chẳng cần phải sắm sửa đồ gì cả, tôi và các con được đón Tết bên chồng là niềm hạnh phúc nhất rồi. Tôi mong chờ ngày đoàn tụ này đã bao nhiêu năm cuối cùng nó cũng đến. Tôi đang gói mấy cặp bánh chưng để chuẩn bị cho mâm cỗ Tết nhằm cảm ơn tổ tiên, đồng thời cảm ơn các Luật sư, các nhà báo cùng tất cả những ai đã góp sức giải oan cho chồng tôi” – Bà Cẩm kể.
Bà Cẩm kể tiếp, ngoài mua một số vật dụng cơ bản trong gia đình chúng tôi cũng không sắm sửa gì cả. Tết này chồng tôi chỉ mong muốn có thể đến từng nhà những người thân để gặp gỡ và chúc tuổi mới cho họ. Nếu dư giả chồng tôi cũng muốn mua về 4 loại hoa quả là: mai, sung, anh túc cảnh và vạn thọ, để thể hiện mong ước “mai sung túc vạn thọ”. Tuy vậy, còn mấy ngày nữa là Tết nhưng vẫn chưa mua được.
Trở về sau 17 năm tù oan, ông Nén cho biết, làng xóm, đường xá...cái gì cũng thay đổi, chỉ có nhà ông là xơ xác
"Nhớ những năm trước, mẹ con tôi cũng chẳng có điều kiện để mua sắm đồ gì. Trước ngày Tết, mẹ con tôi vẫn đi làm bình thường, con tôi thì đi lái xe, tôi thì vẫn gánh bánh canh đi bán để kiếm tiền nuôi gia đình. Ngày mùng 1 Tết, mẹ con cũng chỉ ăn uống như bình thường rồi nghỉ ngơi ngày mùng 2 lại đi làm lại. Những lúc đó tôi lại nhớ, thương chồng tù tội rồi lại khóc. Giờ có chồng ăn Tết chung là gia đình tôi mãn nguyện rồi. Mong sao năm mới chồng tôi luôn được khỏe mạnh để tôi và các con có thể đón nhiều cái Tết nữa với chồng nhằm bù đắp cho những tháng ngày ông tù tội oan" - bà Cầm chia sẻ.
Vừa qua, với mong muốn gia đình ông Nén có nơi cư trú khang trang để chuẩn bị đón Tết, một số mạnh thường quân đã tặng gia đình ông Huỳnh Văn Nén 40 triệu đồng để sửa nhà vì căn nhà cũ đã quá dột nát. Cùng đó, nhiều doanh nghiệp, cá nhân và người thân của ông Nén cũng hỗ trợ gia đình ông hàng chục triệu đồng. Ngày 3/2/2016, sau hơn một tháng kể từ ngày khởi công 28/12/2015 vừa qua, căn nhà mới của gia đình ông Nén có diện tích hơn 90m2 đã hoàn tất để gia đình ông Nén kịp đón xuân mới.
Đây là món quà có ý nghĩa thiết thực mà xã hội dành tặng gia đình ông Nén. Hy vọng với ngôi nhà mới khang trang này, ông Nén và gia đình sẽ có một mùa Tết tràn ngập niềm vui và tiếng cười sau 17 năm xa cách, ngồi tù oan...
Trung Kiên – Xuân Hinh