1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Quảng Bình:

Nước mắt người thân trước cổng trại giam ngày giáp Tết

(Dân trí) - Trong tiết trời rét ngọt của những ngày cuối năm, trước cổng trại giam Đồng Sơn, từng dòng người đến đông nghịt; không khó để bắt gặp hình ảnh những người mẹ, người cha già yếu trên tay cầm bánh chưng, con gà, gói mỳ tôm... đến thăm con ngày Tết.

Trong một chiều cận kề Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, chúng tôi tìm về trại giam Đồng Sơn (TP Đồng Hới, Quảng Bình), nơi có hàng trăm phạm nhân đang thụ án. Nơi đây ngày thường rất heo hút và hoang vắng, xung quanh là đồi núi trùng điệp nhưng những ngày này lại nhộn nhịp dòng người tới thăm phạm nhân.

Và trong số đó, không khó để bắt gặp những cụ già đã ngoài 60 tuổi, trong bộ quần áo cũ kỹ, trên tay cầm bánh chưng, bánh kẹo, con gà hay những thùng mỳ tôm cồng kềnh đứng chờ đợi trước cổng trại giam để được vào thăm con.

Hình ảnh những người mẹ già mang gà, bánh vào thăm con đang thụ án ở trại giam Đồng Sơn
Hình ảnh những người mẹ già mang gà, bánh vào thăm con đang thụ án ở trại giam Đồng Sơn

Để được thăm người thân, nhiều người đã vượt hàng trăm km, nhưng cuộc gặp chỉ kéo dài được 30 phút ngắn ngủi có lẽ không đủ để nói hết thành lời, chỉ biết động viên nhau giữ gìn sức khỏe, cố gắng cải tạo tốt để được đặc xá và sớm trở về bên gia đình người thân. Rồi cuộc gặp gỡ ngắn ngủi ấy lại đẫm nước mắt của cả người ra về và người ở lại.

Vượt hàng trăm km vào đây thăm con, nhưng rồi vì quên mang theo chứng minh nhân dân nên bà Nguyễn Thị N., (SN 1945, quê ở huyện Thanh Chương, Nghệ An) đành phải ngồi ngoài. Bà N., ngậm ngùi: “Do không có điều kiện nên cả năm trời giờ hai vợ chồng mới có dịp để vào thăm con, nhưng khi đi quên đem theo chứng minh nên đành ngồi ngoài đợi và cho chồng vào thăm. Không biết hơn 1 năm qua con sống thế nào nữa… Mỗi lần vào thăm con chỉ biết động viên con cố gắng cải tạo thật tốt để được đặc xá và về đoàn tụ với gia đình thôi”.

“Nó là một đứa hiền lành, ngoan ngoãn, biết tu chí làm ăn nhưng do cuộc sống làm thuê khó khăn nên khi bị người ta nhờ đưa gói hàng lấy tiền công và đã nhận lời. Nhưng ai biết được trong đó có một gói ma túy… Thế là nó phải chịu án tù tới 5 năm”, bà N., òa khóc.

Rất đông người mang theo quà quê đứng làm thủ tục ở phòng chờ để được vào thăm người thân
Rất đông người mang theo quà quê đứng làm thủ tục ở phòng chờ để được vào thăm người thân

Và suốt 3 năm nay, năm nào cũng vậy, cứ tầm khoảng ngày 25 Tết là hai vợ chồng bà N., lại vào đây thăm con. Để vào được đây, bà N., phải chuẩn bị đồ đoàn từ chiều hôm trước, hơn 4 giờ sáng hai vợ chồng đã phải thức dậy đón xe từ Thanh Chương xuống TP Vinh, sau đó lại bắt tiếp một chuyến tàu, sau đó bắt xe ôm mới lên được đây.

Ngồi run cầm cập tại chỗ đợi dành cho người thân, ông Nguyễn Tiến A., (SN 1955, ở huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) xót xa: “Dù con nó có làm những điều gì lầm lỗi thì đó cũng là con mình, giờ nó đang phải trả giá cho hành vi của mình rồi. Nhưng, Tết cổ truyền đang cận kề nên hai vợ chồng cũng sắp xếp thời gian gói ít bánh chưng, có con gà nhà nuôi được mang lên thăm con cho nó đỡ tủi thân. Giờ cũng chỉ biết động viên con cố gắng cải tạo tốt để về đoàn viên với gia đình”.

Con trai ông A., là phạm nhân Nguyễn Tiến K., đang thụ án tại đây, “Thằng K., tính tình hiền lành, biết tu chí làm ăn, nhưng trong một cuộc nhậu với bạn do quá chén nên đã lỡ đánh bạn thương tích. Và sau đó bị TAND tỉnh Quảng Bình kết án 3 năm tù giam về tội cố ý gây thương tích, giờ bạn bè đứa thương tật, đứa đi tù”.

Lóng ngóng được nhanh vào thăm người thân
Lóng ngóng được nhanh vào thăm người thân

Càng về chiều, cánh cổng trại giam như thưa dần, bởi theo quy định thì 4 giờ 30 chiều, hết giờ thăm gặp nên những người mẹ, người cha già, người vợ… đành ngậm ngùi ra về, bỏ lại sau lưng những giọt nước mắt nhớ thương...

Văn Lịnh

Dòng sự kiện: Tết của phạm nhân