1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Nỗ lực nước rút để cứu một tử tù trước ngày hành quyết

Linh Phong

(Dân trí) - Khẳng định quá trình điều tra và xét xử một nghi phạm buôn bán ma túy ở Singapore bộc lộ nhiều sơ hở, các nhà hoạt động nhân quyền kêu gọi tòa án xử lại vụ án.

Tangaraju Suppiah, 46 tuổi, lĩnh án tử hình vào năm 2018 vì tội vận chuyển ma túy và Tòa phúc thẩm đã giữ nguyên bản án hồi tháng 1 năm nay. Trong suốt quá trình xét xử, bị cáo một mực kêu oan.

Mới tuần trước, giới chức Singapore thông báo họ sẽ hành quyết Tangaraju Suppiah vào ngày hôm nay, 26/4.

Hôm 23/4, gia đình của Tangaraju Suppiah đã tổ chức một cuộc họp báo để cầu xin sự khoan hồng của chính phủ và kêu gọi tòa án xét xử lại vụ án.

"Chúng tôi không nghĩ rằng anh trai tôi đã được xét xử công bằng. Tôi tin tổng thống sẽ đọc tất cả các kiến nghị của chúng tôi", em gái của Tangaraju Suppiah nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo hôm 23/4.

Giới bảo vệ nhân quyền chỉ ra nhiều lỗ hổng

Một người cháu gái của Tangaraju Suppiah nói rằng anh ta đã sẵn sàng cho việc hành quyết, nhưng khẳng định anh ta đã phải nhận bản án không công bằng.

Người thân và bạn bè của Tangaraju Suppiah đã ký đơn thỉnh nguyện tại cuộc họp báo và các nhà hoạt động nhân quyền tuyên bố họ sẽ chuyển đơn thỉnh cầu đến văn phòng tổng thống.

Nỗ lực nước rút để cứu một tử tù trước ngày hành quyết - 1

Tangaraju Suppiah, tử tù 46 tuổi, theo kế hoạch sẽ bị hành quyết vào hôm nay, 26/4 (Ảnh: EPA).

Cảnh sát thông báo Tangaraju Suppiah tham gia hoạt động vận chuyển cần sa vào tháng 9/2013. Khối lượng cần sa mà cảnh sát tịch thu là 1.017,9 gram, gấp đôi số lượng tối thiểu để kết án tử hình, theo luật chống ma túy nghiêm khắc của Singapore. Trong quá trình điều tra vụ án, cảnh sát phát hiện Tangaraju Suppiah sở hữu số điện thoại mà bọn tội phạm sử dụng để điều phối hoạt động vận chuyển gói cần sa.

Các nhà hoạt động nhân quyền và thân nhân của Tangaraju Suppiah khẳng định nhiều lỗ hổng đã xuất hiện trong quá trình điều tra. Theo họ, Tangaraju không tiếp xúc hay hiện diện gần cần sa vào thời điểm cảnh sát phát hiện. Họ cũng cho rằng anh ta không có luật sư khi cảnh sát thẩm vấn. Trong khi Tangaraju chỉ có thể nói và hiểu tiếng Tamil, cảnh sát lại thẩm vấn anh ta bằng tiếng Anh và không cho phép người nhà tìm phiên dịch viên tiếng Tamil để hỗ trợ. Vì thế, Tangaraju Suppiah không hiểu những câu hỏi của cảnh sát cũng như biên bản lời khai.

Giới bảo vệ nhân quyền chỉ ra rằng cảnh sát cũng không có bất kỳ bằng chứng cụ thể nào để chứng minh Tangaraju Suppiah liên quan tới việc vận chuyển cần sa và cáo buộc của họ đối với nghi phạm chỉ dựa trên sự suy đoán.

Cục Chống ma túy trung ương của Singapore khẳng định Tangaraju Suppiah có cơ hội tiếp cận cố vấn pháp lý trong suốt quá trình điều tra, xét xử và Tangaraju Suppiah không yêu cầu phiên dịch viên.

Nhiều nhà hoạt động nhân quyền chỉ ra rằng cảnh sát Singapore thường không chú ý tới quyền có luật sư của công dân khi họ bị bắt. Ngay cả khi cảnh sát đồng ý để luật sư gặp nghi phạm, họ cũng chỉ cho phép cuộc gặp diễn ra vào thời điểm mà họ cho là hợp lý.

Áp lực liên quan án tử hình và kháng cáo án tử

Kristen Han, một nữ nhà báo kiêm nhà hoạt động nhân quyền của tổ chức Transformative Justice Collective, khẳng định rằng trong năm ngoái, người dân ở Singapore gần như không thể tìm ra một luật sư chuyên kháng cáo án tử hình. Vì thế, Transformative Justice Collective kêu gọi Singapore cải cách hệ thống tư pháp.

"Hoạt động kháng cáo án tử hình không nằm trong chương trình trợ giúp pháp lý của Singapore. "Các gia đình của tử tù phải dựa vào luật sư sẵn sàng giúp họ kháng án mà không thu phí. Việc kiếm tiền để trả phí cho luật sư thực sự khó khăn vì đa số họ xuất thân từ tầng lớp lao động", cô Kristen Han nói.

Nỗ lực nước rút để cứu một tử tù trước ngày hành quyết - 2

Leela Suppiah (người mặc áo nâu, ở giữa), em gái của tử tù Tangaraju Suppiah, cầm đơn thỉnh nguyện để trình lên Tổng thống Singapore sau cuộc họp báo ngày 23/4 (Ảnh: EPA).

Hồi cuối năm 2022, Tangaraju Suppiah đã nộp đơn kháng án tử hình và phải tự biện hộ vì anh ta không thể tìm được luật sư giúp anh ta kháng án. Tòa phúc thẩm bác yêu cầu của anh ta và giữ nguyên án sơ thẩm.

Singapore thực thi luật chống ma túy khắc nghiệt nhất thế giới và giới chức khẳng định án tử hình vẫn là một biện pháp ngăn chặn buôn bán ma túy hiệu quả. 

Giới chức Singapore khôi phục hình thức tử hình bằng biện pháp treo cổ vào tháng 3/2022 sau hơn 2 năm gián đoạn. 11 vụ hành quyết đã diễn ra vào năm ngoái, và tất cả người bị hành quyết đều là tội phạm ma túy. Một trong số họ là Nagaenthran K. Dharmalingam, một công dân Malaysia bị đánh giá là thiểu năng trí tuệ. 

Theo www.theguardian.com