1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Những tình huống pháp lý đối với hành vi bắt cóc trẻ em

Hải Nam

(Dân trí) - Người thực hiện hành vi bắt cóc trẻ em, tùy vào mục đích, động cơ thực hiện, mà có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các tội danh khác nhau.

Một độc giả gửi đến Dân trí câu hỏi: Gần đây tôi thấy báo chí viết về vụ việc bắt cóc trẻ em, vậy xin quý báo cho biết, hành vi bắt cóc trẻ em sẽ bị xử lý như thế nào?

Trả lời câu hỏi của độc giả, Luật sư Nguyễn Công Tín, Công ty Luật FDVN, cho rằng, theo khoản 1, Điều 1 Luật Trẻ em 2016, trẻ em được định nghĩa là người dưới 16 tuổi. Luật này cũng quy định một trong các hành vi bị nghiêm cấm là: "Bỏ rơi, bỏ mặc, mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em...".

Điều 28 Luật Trẻ em tiếp tục quy định: "Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc làm tổn hại đến sự phát triển toàn diện của trẻ em."

Theo luật sư, hành vi bắt cóc trẻ em là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm. Người nào thực hiện hành vi bắt cóc trẻ em, tùy vào mục đích, động cơ thực hiện mà có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các tội danh khác nhau.

Trong trường hợp người phạm tội dùng vũ lực; đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác chiếm giữ, giao cho người khác chiếm giữ người dưới 16 tuổi thì có thể bị truy cứu tội "Chiếm đoạt người dưới 16 tuổi", theo Điều 153 Bộ luật Hình sự năm 2015. Mức phạt cao nhất của tội danh này là 15 năm tù.      

Với trường hợp bắt cóc trẻ em làm con tin để chiếm đoạt tài sản thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản", theo khoản 2, Điều 169 Bộ luật Hình sự năm 2015, với khung hình phạt là phạt 5 - 12 năm tù. Trong khi đó, mức phạt cao nhất của Điều 169 là tù chung thân.

Trong tình huống người phạm tội bắt, giữ hoặc giam trẻ em "làm con tin nhằm cưỡng ép một quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân làm hoặc không làm một việc như một điều kiện để thả con tin", nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 113 về tội "Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân" và Điều 299 tội "Khủng bố", thì phải chịu truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Bắt cóc con tin", quy định tại Điều 301 Bộ luật Hình sự.

Người phạm tội bắt cóc con tin là trẻ em thuộc khung hình phạt tăng nặng với mức án 3 - 7 năm tù. Trong trường hợp hành vi phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, mức phạt tù có thể lên đến 15 năm.

Trường hợp thứ 4 là hành vi bắt cóc trẻ em nhằm mục đích mua bán thì sẽ bị xử lý về tội "Mua bán người dưới 16 tuổi", căn cứ tại khoản 1, Điều 151 Bộ luật Hình sự. Mức hình phạt cao nhất đối với hành vi phạm tội này là tù chung thân.