1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Vụ cháu bé nghi bị bắt cóc, sát hại: Hung thủ có thể đối mặt án tử hình

Thế Hưng

(Dân trí) - Hung thủ bắt cóc cháu bé 21 tháng tuổi tại Hà Nội rồi sát hại ở Hưng Yên có thể đối mặt với mức án cao nhất là tử hình.

Đây là vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, có dấu hiệu xâm phạm đến tính mạng của trẻ em nên theo TS. LS Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật Chính Pháp, cơ quan điều tra có thể sẽ khởi tố vụ án giết người và bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản để tiến hành điều tra theo quy định của pháp luật.

Theo luật sư Cường, cơ quan điều tra sẽ tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi để xác định nguyên nhân cháu bé tử vong.

Trong trường hợp kết quả xác minh cho thấy nạn nhân tử vong là do bị tác động ngoại lực, có hành vi giết người với lỗi cố ý (biết rõ và hành vi của mình có thể dẫn đến chết người nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi xâm phạm đến thân thể của cháu bé, mong muốn hoặc bỏ mặc hậu quả cháu bé tử vong) thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội giết người theo quy định tại Điều 123 để tiến hành điều tra theo quy định của pháp luật.

Đặc biệt theo vị luật sư này, đối tượng gây án sẽ phải đối mặt với nhiều tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là phạm tội với trẻ em, động cơ đê hèn nên hình phạt sẽ là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

"Rất có thể đối tượng sẽ phải chịu mức hình phạt cao nhất là tử hình nếu như có căn cứ để kết tội đối tượng này về tội giết người", luật sư Cường nói.

Trường hợp kết quả xác minh cho thấy đã có hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản nhưng không chứng minh được đối tượng "cố ý" sát hại cháu bé. Nhưng hậu quả cháu bé tử vong là do đối tượng đã có hành vi "vô ý" làm chết cháu bé thì sẽ không khởi tố về tội giết người mà chỉ khởi tố về tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.

Khung hình phạt theo luật sư Đặng Văn Cường là 20 năm tù hoặc tù chung thân (do hành vi làm chết người và nhằm chiếm đoạt số tiền từ 500.000.000 đồng trở lên, đây là những tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 4, Điều 169 Bộ luật Hình sự).

Thực tế ở Việt Nam ít xảy ra những vụ án bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (đặc biệt là bắt cóc trẻ em). Tuy nhiên thời gian qua đã xảy ra vụ bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản ở Long Biên Hà Nội gây bức xúc trong dư luận xã hội. Vụ án này xảy ra chưa lâu thì đối tượng này lại thực hiện hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt trẻ em tài sản, nghiêm trọng hơn là trong vụ việc này nạn nhân là cháu bé mới khoảng hai tuổi đã tử vong rất thương tâm.

Bởi vậy, cơ quan điều tra sẽ sớm truy bắt đối tượng gây án, làm rõ diễn biến hành vi của đối tượng, làm rõ động cơ mục đích và xác định hậu quả đã gây ra đối với xã hội để xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 169. Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản

Người nào bắt cóc người khác làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 12 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Dùng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;

d) Đối với người dưới 16 tuổi;

đ) Đối với 2 người trở lên;

e) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

g) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;

h) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

i) Tái phạm nguy hiểm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 18 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Làm chết người;

c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.

Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.