1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

TPHCM:

Nhiều tranh cãi trước giờ tuyên án vụ xe Mercedes tông tiếp viên hàng không

Tùng Nguyên Nguyễn Quang

(Dân trí) - Các luật sư của bị hại cho rằng, cần xem xét đến dấu hiệu tẩu tán tài sản để trốn tránh trách nhiệm bồi thường, trong khi phía bị cáo lại phủ nhận điều này...

14h chiều nay (16/12), TAND quận Phú Nhuận (TPHCM) sẽ tiến hành tuyên án phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Trần Hoàng Phong (sinh năm 1988, TPHCM) về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

Nhiều tranh cãi trước giờ tuyên án vụ xe Mercedes tông tiếp viên hàng không - 1
Bị cáo Phong thừa nhận các hành vi sai phạm của mình

Theo Viện Kiểm sát Nhân dân quận Phú Nhuận, hành vi của bị cáo Phong là nguy hiểm cho xã hội, bị cáo không có bằng lái, chạy quá tốc độ gây tai nạn khiến 1 người chết, 1 người bị thương. Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Phong mức án từ 6 - 7 năm tù về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

Hai vấn đề mà luật sư của bị cáo và bị hại tranh cãi nhiều nhất trong phần tranh luận diễn ra ngày 15/12 cần HĐXX xem xét là các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ đối với bị cáo và mức bồi thường cho 2 nạn nhân của vụ tai nạn.

Về tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ đối với bị cáo, các luật sư của bị hại cho là cần xem xét đến dấu hiệu tẩu tán tài sản để trốn tránh trách nhiệm bồi thường cho nạn nhân khi bị cáo sang tên quyền sở hữu căn hộ chung cư cho mẹ mình trước khi tòa diễn ra; hành vi bỏ trốn khỏi hiện trường mà không cứu giúp nạn nhân…

Phía bị cáo giải thích là mẹ bị cáo sang tên căn hộ chung cư là để cầm cố ngân hàng vay tiền khắc phục hậu quả vụ án cho con. Còn việc luật sư bị hại cho rằng bị cáo không cứu giúp nạn nhân khi xảy ra tai nạn là không đúng, vì bị cáo có gọi điện cho cấp cứu trước khi bỏ đi khỏi hiện trường.

Nhiều tranh cãi trước giờ tuyên án vụ xe Mercedes tông tiếp viên hàng không - 2
Mẹ bị cáo Phong giải thích lý do bà chủ động yêu cầu con sang tên căn hộ chung cư là để đem cầm cố ngân hàng lấy tiền khắc phục hậu quả vụ án

Về mức bồi thường cho nạn nhân có sự chênh lệch rất lớn giữa 2 bên. Phía luật sư bị cáo đề nghị bồi thường ban đầu 50 triệu đồng cho mỗi gia đình bị hại. Trước đề nghị này, hai gia đình của nạn nhân không chấp nhận.

Gia đình tài xế xe ôm Lê Mạnh Thường đã tử vong yêu cầu Phong bồi thường 477 triệu đồng. Phía luật sư của chị Nguyễn Thị Bích Hường (tiếp viên hàng không) yêu cầu bồi thường hơn 1,4 tỷ đồng.

Nhiều tranh cãi trước giờ tuyên án vụ xe Mercedes tông tiếp viên hàng không - 3
Sau tai nạn, cuộc sống của chị Hường bị ảnh hưởng nghiêm trọng

Phía gia đình bị cáo cho rằng mức đòi bồi thường của các nạn nhân quá lớn, không đủ khả năng chi trả. Bị cáo Phong là lao động chính của gia đình nay đã rơi vào lao lý nên kinh tế gia đình càng khó khăn hơn.

Trong khi đó, phía chị Hường cho là mức bồi thường mà luật sư đề xuất là đã tính toàn theo thực tế gồm chi phí trả người chăm sóc, bồi thường thu nhập thực tế, bồi thường thiệt hại do chưa hồi phục sức khỏe, chi phí nuôi con nhỏ...

Lập luận của các bên đang được HĐXX xem xét và sẽ tiến hành tuyên án vào 14h chiều nay (16/12).

Hậu quả của vụ tai nạn do Phong gây ra là chiếc ô tô do Phong thuê và gây ra tai nạn bị hư hỏng nặng phần đầu; hai người trên xe máy bị Phong tông thì tài xế là anh Lê Mạnh Thường tử vong, còn chị Nguyễn Thị Bích Hường (tiếp viên hàng không) ngồi sau bị thương tật 79%.

Kết quả điều tra xác định lỗi xảy ra vụ tai nạn hoàn toàn là do Phong. Cụ thể: Phong không có giấy phép lái xe, lưu thông vượt quá tốc độ quy định, không làm chủ tay lái, lấn trái đường... Tại phiên tòa diễn ra vào ngày 15/12, Phong cũng thừa nhận các sai phạm trên.