Nguyên Thứ trưởng Công Thương lại vắng mặt tại phiên xử ông Vũ Huy Hoàng
(Dân trí) - Dù được tòa triệu tập hợp lệ với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và người làm chứng nhưng nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Nam Hải tiếp tục vắng mặt không có lý do.
Từ sáng nay, 22/4, TAND TP Hà Nội mở phiên sơ thẩm xét xử cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cùng 9 đồng phạm trong vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" xảy ra tại Bộ Công Thương và TPHCM.
Tại phần thủ tục phiên tòa, HĐXX xác định, tại phiên tòa này, bị cáo Nguyễn Hữu Tín (cựu Phó Chủ tịch UBND TPHCM) tiếp tục có đơn xin xét xử vắng mặt. Theo luật sư của ông Tín, bị cáo này đã phải nhận án tù trong một vụ liên quan đến Phan Văn Anh Vũ và hiện mắc bệnh tim, không thể di chuyển ra Hà Nội.
Đại diện Bộ Công Thương, UBND TPHCM có mặt theo triệu tập của tòa.
Phiên xử lần này cũng có mặt ông Phan Đăng Tuất (nguyên Chủ tịch HĐQT, phụ trách Bộ phận quản lý vốn nhà nước (BPQLVNN) tại Sabeco giai đoạn 2012-2015), bà Phạm Thị Hồng Hạnh (nguyên Tổng Giám đốc Sabeco) và ông Lê Hồng Xanh (nguyên Phó TGĐ Sabeco).
Ông Võ Thanh Hà (nguyên Chủ tịch HĐQT, phụ trách BPQLVNN giai đoạn 2015-2018) vắng mặt.
Tổng Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) cũng có đơn xin xét xử vắng mặt. Trong đơn, Sabeco nêu, tại giai đoạn điều tra, công ty này đã hợp tác, cung cấp đầy đủ các tài liệu, chứng cứ. Hiện Sabeco đang chuẩn bị đại hội cổ đông, phải làm việc, họp hành nhiều với các công ty con nên không thể cử đại diện sắp xếp thời gian ra tham dự phiên tòa.
Đáng chú ý, dù được tòa triệu tập hợp lệ với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và người làm chứng nhưng nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Nam Hải tiếp tục vắng mặt không có lý do. Tại phiên xử trước, ông Hải cũng vắng mặt.
Nêu quan điểm trước tòa, đại diện Viện KSND TP Hà Nội cho rằng, bị cáo Nguyễn Hữu Tín đã có đơn xin xét xử vắng mặt vì lý do sức khỏe. Tại tòa, ông Tín có 2 luật sư bào chữa. HĐXX có thể công bố bút lục lời của bị cáo Tín nếu cần thiết.
Đối với một số người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người liên quan vắng mặt, VKS thấy, tại cơ quan điều tra, những người này đã có lời khai đầy đủ. Phiên xử diễn ra trong nhiều ngày, đề nghị HĐXX tiếp tục triệu tập nếu cần thiết.
Sau khi hội ý, HĐXX đồng tình với quan điểm của đại diện VKS, tiếp tục phiên xử.
Phiên tòa bước vào phần xét hỏi. Đại diện VKS công bố bản cáo trạng truy tố các bị cáo.