1. Dòng sự kiện:
  2. Nam shipper bị đánh tử vong
  3. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  4. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Lần thứ 2 hoãn xử vụ cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng

Tiến Nguyên

(Dân trí) - Nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Nam Hải được triệu tập đến phiên xét xử cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, nhưng đã không có mặt. Nhiều bị cáo, người liên quan cũng vắng mặt...

Xét xử ông Vũ Huy Hoàng

Ông Vũ Huy Hoàng và luật sư đến tòa sáng nay

10h, sau khoảng thời gian dài hội ý, HĐXX thông báo, ngày 7/1, phiên tòa đã phải trì hoãn. Ngày 8/1, Tòa đã làm giấy triệu tập các bị cáo và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khác.

Phiên tòa hôm nay (18/1) tiếp tục vắng nhiều người không có lý do khách quan. Luật sư và các bị cáo cũng đều có ý kiến đề nghị hoãn. Căn cứ ý kiến của các luật sư và bị cáo, căn cứ quan điểm của đại diện Viện Kiểm sát và các quy định của pháp luật, HĐXX quyết định hoãn phiên tòa, thời gian mở lại sẽ được thông báo sau.

9h, được tòa hỏi quan điểm, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị HĐXX căn cứ sự vắng mặt của những người trên xem xét, cân nhắc ra quyết định hoãn phiên tòa.

Luật sư Nguyễn Huy Thiệp, bào chữa cho cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa. Theo ông Thiệp, tại phiên tòa ngày 7/1, khi tòa hoãn, ông đã đề nghị triệu tập những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, đặc biệt là ông Phan Đăng Tuất, Võ Hồng Xanh và Võ Thanh Hà bởi sự có mặt của những người này rất quan trọng.

"Những người này có lời khai buộc tội, trong khi lời khai chưa được kiểm chứng, chưa được đối chất. Đây là vấn đề cần phải đánh giá tại phiên tòa.

Lời khai của những người này quan trọng ở chỗ nó đã chứng minh mấu chốt của vụ án là chuyển đất công thành đất tư, chuyển mục đích từ hợp đồng nguyên tắc sang hợp đồng hợp tác, cho phép chuyển chủ đầu tư trong khi ở hợp đồng nguyên tắc thì tất cả nhà đầu tư góp vốn chuyển tiền để Sabeco nộp tiền sử dụng đất và đứng tên chủ đầu tư. Nếu làm đúng hợp đồng nguyên tắc sẽ không có hậu quả chuyển đất công thành tư." - ông Thiệp nêu quan điểm.

Luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang, bào chữa cho bị cáo Nguyễn Hữu Tín, cho hay, bị cáo Tín bị suy tim nên không thể di chuyển được. Bị cáo cũng đã có đơn xin xét xử vắng mặt và được HĐXX chấp thuận. Do đó, bà Trang đề nghị, nếu hoãn phiên tòa thì cần xác định rõ không phải hoãn do ông Tín vắng mặt.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Đào Anh Kiệt đề nghị HĐXX triệu tập bằng được giám định viên của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

8h20, HĐXX bắt đầu làm việc. Chủ tọa Nguyễn Ngọc Huân đọc thông báo mở lại phiên tòa.

Là người trả lời thẩm tra căn cước đầu tiên, bị cáo Vũ Huy Hoàng đề nghị HĐXX cho mình được ngồi để trả lời thẩm vấn. Theo ông Hoàng, hiện ông đang phải điều trị nhiều bệnh, sức khỏe yếu nhưng rất chấp hành quyết định của tòa án.

"Nếu được HĐXX chấp thuận, bị cáo xin phép được ngồi trả lời và được dùng thuốc. Nếu có nhu cầu cá nhân, bị cáo sẽ xin đề đạt…" - ông Hoàng nói.

HĐXX xác định, tại phiên tòa này, bị cáo Nguyễn Hữu Tín (cựu Phó Chủ tịch UBND TPHCM) có đơn xin xét xử vắng mặt vì lý do sức khỏe, không thể di chuyển xa được.

Loạt cựu lãnh đạo Sabeco tiếp tục vắng mặt gồm: ông Phan Đăng Tuất (nguyên chủ tịch HĐQT, phụ trách Bộ phận quản lý vốn nhà nước - BPQLVNN tại Sabeco giai đoạn 2012-2015), ông Võ Thanh Hà (nguyên Chủ tịch HĐQT, phụ trách BPQLVNN giai đoạn 2015-2018), ông Lê Hồng Xanh (nguyên Phó TGĐ) và ông Nguyễn Minh An (nguyên Phó TGĐ Sabeco)…

Ngoài ra, phiên tòa vắng mặt đại diện của Sabeco, giám định viên của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Nam Hải cũng vắng mặt dù được tòa triệu tập.

Sáng 18/1, TAND TP Hà Nội mở lại phiên sơ thẩm xét xử cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng trong vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" xảy ra tại Bộ Công Thương và TPHCM.

Tại phiên tòa này, HĐXX triệu tập nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Nam Hải và đại diện Tổng Công ty cổ phần Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đến phiên tòa với tư cách là người liên quan đến vụ án.

Ngoài ra, HĐXX cũng triệu tập đến tòa 17 người liên quan, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan; 3 giám định viên; đại diện Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự ở Trung ương. Đại diện Bộ Công Thương được triệu tập đến tòa với tư cách là nguyên đơn dân sự.

Hiện có 21 luật sư đăng ký tham gia bào chữa cho 10 bị cáo trong vụ án này. Trong đó, có 3 luật sư bào chữa cho bị cáo Vũ Huy Hoàng, 2 luật sự bào chữa cho bị cáo Nguyễn Hữu Tín, 5 luật sư bào chữa cho bị cáo Lê Quang Minh…

Trước đó, ngày 7/1, phiên tòa đã được mở nhưng 3 bị cáo (Nguyễn Hữu Tín - cựu Phó Chủ tịch UBND TPHCM, Lê Văn Thanh - cựu Phó Chánh Văn phòng UBND TPHCM và Nguyễn Thanh Chương - cựu Trưởng phòng Đô thị, Văn phòng UBND TPHCM) cùng giám định viên và nhiều người liên quan vắng mặt.

Xét thấy sự vắng mặt này sẽ ảnh hưởng đến kết quả giải quyết vụ án nên HĐXX quyết định hoãn phiên tòa. HĐXX cũng yêu cầu cơ quan tố tụng có liên quan tiếp tục trích xuất và tống đạt, yêu cầu các bị cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải có mặt đầy đủ trong phiên tòa được mở lại.

Về việc cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa đang bỏ trốn, luật sư Nguyễn Huy Thiệp, người bào chữa cho ông Vũ Huy Hoàng, đánh giá, nếu bà Thoa có mặt tại phiên tòa, sự thật sẽ được rõ hơn.

Lần thứ 2 hoãn xử vụ cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng - 2
Cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng tại phiên tòa ngày 7/1.

Được biết, ở phiên tòa lần này, cựu Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín tiếp tục có đơn xin xét xử vắng mặt do tình trạng sức khỏe yếu.

Luật sư Đặng Hoài Vũ (Văn phòng Luật sư Đặng Hoài Vũ & Đồng Sự) cho rằng, việc bị cáo Tín có đơn xin xét xử vắng mặt, HĐXX có thể căn cứ điểm c, khoản 2, Điều 290 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 để xét đơn xin xét xử vắng mặt.

Trong trường hợp HĐXX chấp nhận đơn xin xét xử vắng mặt của ông Tín, vụ án vẫn được xét xử bình thường. Trường hợp không chấp nhận đơn xin xét xử vắng mặt của ông Tín, HĐXX có thể tuyên bố hoãn phiên tòa.

Cũng theo luật sư Vũ, thân chủ của ông là bị cáo Lê Quang Minh dù tuổi cao sức yếu, thời tiết Hà Nội rét đậm nhưng ông Minh đã có mặt tại Hà Nội để tham gia phiên tòa theo giấy triệu tập của TAND TP Hà Nội. Theo luật sư Đặng Hoài Vũ, bị cáo Lê Quang Minh rất thiện chí, sẵn sàng hợp tác trong việc xét xử vụ án.

Trong vụ án này, bị cáo Vũ Huy Hoàng và Phan Chí Dũng (cựu Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương) bị cáo buộc phạm tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí". Tám bị cáo còn lại bị truy tố về tội "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai".

Theo cáo trạng, từ năm 2012 - 2016, ông Vũ Huy Hoàng chỉ đạo bà Hồ Thị Kim Thoa cùng ông Phan Chí Dũng có các văn bản chỉ đạo các cán bộ tại Sabeco dùng quyền sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng (TPHCM) và tiền của Sabeco góp vốn với các doanh nghiệp tư nhân thành lập Sabeco Pearl để thực hiện dự án kinh doanh bất động sản.

Sau khi góp vốn và Sabeco đứng ra thực hiện xong các thủ tục pháp lý cho dự án, ông Hoàng không chỉ đạo Sabeco thực hiện dự án đã được phê duyệt, mà chỉ đạo thoái toàn bộ vốn góp (chuyển nhượng vốn) của Sabeco tại Sabeco Pearl cho doanh nghiệp tư nhân tham gia liên doanh, để hoàn tất việc chuyển quyền quản lý, sử dụng khu đất 6.080 m2 tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng là tài sản Nhà nước sang tư nhân trái pháp luật.

Hành vi của ông Vũ Huy Hoàng và các đồng phạm ở Bộ Công Thương đã vi phạm quy định về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp, gây thiệt hại, thất thoát hơn 2.713 tỷ đồng.

Quá trình điều tra, ông Vũ Huy Hoàng chỉ thừa nhận trách nhiệm người đứng đầu và cho rằng, trách nhiệm chính thuộc về bà Hồ Thị Kim Thoa (người đang bỏ trốn và bị truy nã).