Vì sao Tòa hoãn xử vụ cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng?
(Dân trí) - HĐXX cho rằng, việc vắng mặt 3 bị cáo và nhiều người liên quan sẽ ảnh hưởng đến kết quả giải quyết vụ án. Luật sư cho rằng những người này sẽ giúp làm sáng tỏ sự thật khách quan tại tòa.
Sáng 7/1, HĐXX TAND TP Hà Nội đã quyết định hoãn phiên sơ thẩm xét xử cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cùng 9 đồng phạm.
HĐXX xác định, ba bị cáo Nguyễn Hữu Tín (cựu Phó Chủ tịch UBND TPHCM), Lê Văn Thanh (cựu Phó Chánh Văn phòng UBND TPHCM) và bị cáo Nguyễn Thanh Chương (cựu Trưởng phòng Đô thị, Văn phòng UBND TPHCM) vắng mặt không có lý do chính đáng.
Nhiều người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan như: ông Phan Đăng Tuất (nguyên chủ tịch HĐQT, phụ trách Bộ phận quản lý vốn nhà nước - BPQLVNN tại Sabeco giai đoạn 2012-2015), ông Võ Thanh Hà (nguyên Chủ tịch HĐQT, phụ trách BPQLVNN giai đoạn 2015-2018), bà Phạm Thị Hồng Hạnh (nguyên Tổng Giám đốc Sabeco), ông Lê Hồng Xanh (nguyên Phó TGĐ) và ông Nguyễn Minh An (nguyên Phó TGĐ Sabeco)… cũng vắng mặt không có lý do.
HĐXX thấy rằng, sự vắng mặt này sẽ ảnh hưởng đến kết quả giải quyết vụ án nên đã quyết định hoãn phiên tòa và sẽ mở lại vào thời gian tới. HĐXX yêu cầu cơ quan tố tụng có liên quan tiếp tục trích xuất và tống đạt các bị cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải có mặt đầy đủ trong phiên tòa được mở lại.
Trao đổi với PV Dân trí, luật sư Nguyễn Huy Thiệp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đồng tình với quyết định hoãn phiên xử của TAND TP Hà Nội. Theo ông Thiệp, việc hoãn phiên tòa trong trường hợp này là bắt buộc vì các bị cáo buộc phải có mặt tại phiên tòa, trừ những trường hợp đã được pháp luật quy định.
Cụ thể, Tòa án chỉ có thể xét xử vắng mặt bị cáo trong các trường hợp: bị cáo trốn và việc truy nã không có kết quả; bị cáo đang ở nước ngoài và không thể triệu tập đến phiên tòa; bị cáo đề nghị xét xử vắng mặt và được HĐXX chấp nhận.
"Bị cáo có quyền được tham gia phiên tòa, có quyền được trình bày. Nếu xử vắng mặt bị cáo là đã tước đi những quyền đó của bị cáo. Theo nguyên tắc, mọi tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đều phải được thẩm tra công khai tại phiên tòa, nên việc các bị cáo có mặt là bắt buộc." - luật sư Thiệp phân tích.
Đối với việc vắng mặt những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, việc quyết định hoãn phiên tòa hay không do HĐXX quyết định. Tuy nhiên, nếu thấy sự vắng mặt của những người này gây khó khăn cho việc xác định sự thật khách quan, làm rõ những tình tiết của vụ án thì HĐXX có thể hoãn phiên tòa để tiếp tục triệu tập họ.
Tại phiên tòa sáng 7/1, luật sư Thiệp cũng đã đề nghị HĐXX đến phiên xử sau cần triệu tập đầy đủ những người liên quan. Lời khai của những người này sẽ góp phần làm rõ sự thật khách quan, giúp xác định hành vi cụ thể cũng như vị trí, vai trò từng bị cáo trong vụ án.
Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng được cho tại ngoại, áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú. Đeo khẩu trang đến tòa, giọng khản, ông Hoàng cho biết "tâm trạng rất khó tả". Ông nói sức khỏe ông không tốt "nhưng đã xin xuất viện để tham dự phiên tòa, tránh làm phiên xét xử bị gián đoạn".