Người “thổi” giá trị AVG lên hàng nghìn tỷ đồng khai gì?
(Dân trí) - Từ khi thành lập đến thời điểm thẩm định giá, AVG hoạt động liên tục lỗ, số lỗ luỹ kế đến 31/3/2015 là 1.632,9 tỷ đồng (bằng 45% vốn điều lệ), nhưng với các “chiêu trò” của công ty thẩm định giá, AVG bỗng có trị giá rất lớn, lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.
Ngày 31/8/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án MobiFone mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (gọi tắt là AVG) và đề nghị truy tố 14 bị can với 3 tội danh: "Vi 1phạm quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng"; "Nhận hối lộ" và "Đưa hối lộ".
Trong đó, 2 cựu Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông (TT-TT) là Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn bị xác định đã chỉ đạo và ký quyết định phê duyệt đầu tư dự án với mức 8.900 tỷ đồng khi chưa có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư của Thủ tướng.
Theo kết luận điều tra, hoạt động kinh doanh của AVG từ khi thành lập đến thời điểm xác định trị giá doanh nghiệp để mua bán cổ phần là rất khó khăn. Tại thời điểm xác định trị giá doanh nghiệp 31/3/2015 “sức khỏe” AVG rất xấu: Tổng tài sản là 3.260,6 tỷ đồng; nợ phải trả là 1.266,8 tỷ đồng; trị giá còn lại của tài sản cố định là 208,5 tỷ đồng. Từ khi thành lập đến thời điểm thẩm định giá, doanh nghiệp này hoạt động liên tục lỗ, số lỗ luỹ kế đến 31/3/2015 là 1.632,9 tỷ đồng (bằng 45% vốn điều lệ), nhưng với các “chiêu trò” của những công ty thẩm định giá, AVG bỗng có trị giá rất lớn, lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.
Cụ thể, kết quả thẩm định trị giá AVG do Công ty TNHH Hãng Kiểm toán AASC (AASC) thực hiện là 33.299,4 tỷ đồng; do Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP ngoại thương Việt Nam (VCBS) thực hiện là 24.548,1 tỷ đồng (VCBS không có tên trong danh sách các doanh nghiệp đủ điều kiện hành nghề thẩm định giá tài sản); Trị giá AVG do Công ty TNHH Định giá Hà Nội - TPHCM (Hanoi Valu) thẩm định tại thời điểm 31/3/2015 là 18.519,9 tỷ đồng.
Đến ngày 18/7/2015, MobiFone và Công ty TNHH Đầu tư và Thẩm định giá AMAX (AMAX) ký hợp đồng dịch vụ định giá và thẩm định giá AVG. Ngày 5/8/2015, AMAX định giá AVG là 16.565 tỷ đồng. MobiFone đã sử dụng kết quả này của AMAX để đàm phán mua 95% cổ phần AVG.
Cơ quan chức năng xác định, kết quả định giá của các công ty trên đều không có cơ sở, vi phạm nghiêm trọng các tiêu chuẩn thẩm định giá của Việt Nam.
Theo kết luận điều tra, bị can Võ Văn Mạnh - Giám đốc Công ty AMAX khai: Sau khi ký hợp đồng thẩm định giá trị doanh nghiệp AVG để Mobifone làm căn cứ xem xét, quyết định mua bán, sáp nhập, Mạnh đã tính giá trị AVG theo kế hoạch kinh doanh giai đoạn 2015 - 2020 do Mobifone định hướng, không thẩm định kế hoạch kinh doanh. Đồng thời, AMAX đã đưa giá trị 2 khoản đầu tư ngoài ngành và giá trị sau năm 2026 làm tăng thêm giá trị doanh nghiệp AVG mặc dù kiểm toán đã loại trừ.
AMAX không kiểm kê tài sản, không phân loại tài sản; không thẩm tra, kiểm chứng nguồn thông tin tài liệu được Mobifone cung cấp, không thẩm tra, kiểm chứng nguồn hồ sơ, tài liệu, số liệu trong bản đánh giá và các phụ lục kèm theo do VCBS phát hành.
Bên cạnh đó, AMAX không đánh giá lại tài sản cố định của AVG mà giữ nguyên theo giá trị trên sổ sách kế toán, không khảo sát thực tế, thu thập thông tin về doanh nghiệp. Điều này cho thấy, AMAX thực hiện không đúng quy định tại Tiêu chuẩn thẩm định giá số 07 về phân loại tài sản trong thẩm định giá và quy định tại bước 3 của Quy trình thẩm định giá tại Tiêu chuẩn thẩm định giá số 05 về Quy trình thẩm định giá theo quyết định số 28/2015/TT-BTC ngày 6/3/2015 của Bộ Tài chính; Tiêu chuẩn thẩm định giá số 8 về Phương pháp chi phí và TCTĐG số 09 về Phương pháp thu nhập theo Quyết định 129/2008/QĐ-BTC ngày 31/12/2008 của Bộ Tài chính. AMAX đã không thực hiện hàng loạt những quy định này nhưng Võ Văn Mạnh vẫn ký Chứng thư và Báo cáo xác định giá trị AVG để phục vụ Mobifone sử dụng làm căn cứ để báo cáo, tiến hành đàm phán và quyết định giá mua 95% cổ phần AVG với giá 8.889,8 tỷ đồng gây hậu quả nghiêm trọng.
“Sau khi Mobifone thanh toán 440.000.000 đồng, căn cứ vào mức chi hoa hồng của công ty, Mạnh đã chuyển cho Hoàng Duy Quang 60 triệu đồng tương đương 15% giá trị hợp đồng, chuyển cho Tống Minh Tuấn theo yêu cầu của Quang 100 triệu đồng tương đương 25% giá trị hợp đồng, còn lại 280 triệu đồng nộp thuế 40 triệu đồng và nhập quỹ về Công ty 240 triệu đồng. Theo đề nghị của Mạnh, Công ty AMAX đã nộp 240 triệu đồng vào tài khoản của Cơ quan điều tra” – kết luận điều tra cho biết.
Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định, hành vi của Võ Văn Mạnh nêu trên đã phạm vào tội “Vi phạm quy định quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Khoản 3, Điều 220 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, với vai trò đồng phạm giúp sức.
Kết luận điều tra cho biết, bị can Phạm Thị Phương Anh, nguyên Phó Tổng giám đốc Mobifone thừa nhận khi tham gia xây dựng dự án đã biết rõ tình hình tài chính của AVG yếu kém, kinh doanh thua lỗ kéo dài, nợ vay lớn, giá mua cổ phần AVG chênh lệch lớn so với giá trị thể hiện trên sổ sách nhưng được tổng giám đốc giao nhiệm vụ ký, thực hiện và nghiệm thu hợp đồng thẩm định giá trị doanh nghiệp AVG với AMAX. Đặc biệt, bị can Phương Anh cũng biết, Mobifone đã “tuồn” cho AMAX kết quả định giá của VCBS cung cấp cho Mobifone là không được phép của VCBS.
Nguyễn Dương