1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Vì sao cựu Bộ trưởng Bùi Quang Vinh không bị xử lý hình sự trong vụ AVG?

(Dân trí) - Trong vụ án MobiFone mua AVG, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định, không đủ căn cứ để xem xét về mặt hình sự đối với ông Lê Mạnh Hà, ông Bùi Quang Vinh và các cá nhân liên quan ở Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Ngày 31/8/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án MobiFone mua 95% cổ phần của AVG và đề nghị truy tố 14 bị can với 3 tội danh: "Vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng"; "Nhận hối lộ" và "Đưa hối lộ".

Trong đó, 2 cựu Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông (TT-TT) là Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn bị xác định đã chỉ đạo và ký quyết định phê duyệt đầu tư dự án với mức 8.900 tỷ đồng khi chưa có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư của Thủ tướng.

Ngoài 14 bị can bị đề nghị xử lý hình sự nói trên, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng cho biết thương vụ này còn có sự tham gia của hàng loạt cá nhân, đơn vị có liên quan, gồm: ông Lê Mạnh Hà, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; ông Bùi Quang Vinh, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Trần Văn Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tài chính…

Vì sao cựu Bộ trưởng Bùi Quang Vinh không bị xử lý hình sự trong vụ AVG? - 1

Cựu Bộ trưởng Bùi Quang Vinh.

Theo kết luận điều tra, tháng 10/2015, sau khi hoàn tất đàm phán mua 95% cổ phần AVG với giá 8.898,3 tỉ đồng, ông Nguyễn Bắc Son, nguyên Bộ trưởng Bộ TT-TT ký quyết định lập Tổ thẩm định dự án này, giao ông Trương Minh Tuấn, Thứ trưởng Bộ TT-TT chỉ đạo.
 
Tuy nhiên, Tổ thẩm định cũng như Bộ TT-TT không có điều kiện và chức năng để đánh giá, thẩm định mức giá mua nêu trên nên ông Nguyễn Bắc Son đã ký văn bản số 209/BTTTT-QLDN gửi Thủ tướng Chính phủ kèm theo báo cáo đánh giá dự án đề nghị xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.
 
Đến ngày 12/11/2015, ông Lê Mạnh Hà ký văn bản số 2422/VPCP-ĐMDN đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính tham gia ý kiến về Dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của MobiFone của Bộ Thông tin -Truyền thông.
 
Theo đề nghị của ông Lê Mạnh Hà, ngày 24/11/2015, ông Trần Văn Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tài chính ký văn bản số 1008/BTC-TCDN gửi Văn phòng Chính phủ, có nội dung “thống nhất với đề xuất của Bộ TT-TT về chủ trương đầu tư dự án”, và đề nghị Bộ Thông tin -Truyền thông tiếp tục rà soát dự án đầu tư để đảm bảo hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh.
 
Cùng ngày, ông Bùi Quang Vinh, ký văn bản số 721/BKHĐT-KCHTĐT gửi Thủ tướng Chính phủ tham gia ý kiến về dự án, có nội dung “cơ bản thống nhất với các kiến nghị của Bộ Thông tin - Truyền thông tại văn bản số 209/BTTT-QLDN” và đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư…
 
Ngày 2/12/2015, ông Trương Minh Tuấn, Thứ trưởng TT-TT ký văn bản số 222/BTTTT-QLDN gửi Văn phòng Chính phủ báo cáo giải trình bổ sung một số vấn đề của dự án. Sau đó, ông Lê Mạnh Hà có văn bản 2678/VPCP-ĐMDN thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương cho MobiFone mua cổ phần của AVG, và giao Bộ TT-TT thực hiện dự án trên theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, ông Trần Văn Hiếu có văn bản số 1095/BTC-TCDN gửi Bộ Thông tin -Truyền thông có nội dung đề nghị Bộ này phê duyệt dự án theo quy định của pháp luật.
 
"Văn bản số 2678 là văn bản hành chính, không phải là căn cứ để ông Nguyễn Bắc Son đưa vào Quyết định phê duyệt đầu tư dự án; văn bản số 721 cũng là văn bản hành chính, không phải là căn cứ để Bộ Thông tin -Truyền thông ra Quyết định phê duyệt dự án đầu tư số 236/BTTTT-QĐ. Do vậy, không đủ căn cứ để xem xét về mặt hình sự đối với ông Lê Mạnh Hà, ông Bùi Quang Vinh và các cá nhân liên quan ở Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư" - kết luận điều tra cho biết.
 
Bên cạnh đó, Cơ quan cảnh sát điều tra chỉ rõ, văn bản số 1095 của Bộ Tài chính chỉ là văn bản hướng dẫn trình tự, thủ tục để thực hiện dự án theo luật. Bộ này là cơ quan quản lý nhà nước về giá, không có chức năng thẩm định giá trị doanh nghiệp ngoài nhà nước nên không đưa ra ý kiến về mức giá 8.898,3 tỉ đồng mua cổ phần AVG. Vì vậy, cơ quan cảnh sát điều tra không đủ căn cứ để xem xét xử lý hình sự đối với ông Trần Văn Hiếu và các cá nhân có liên quan ở Bộ Tài chính.

Đề nghị áp dụng chính sách hình sự đặc biệt với bị can Phạm Nhật Vũ

Quá trình điều tra, bị can Phạm Nhật Vũ, nguyên Chủ tịch HĐQT AVG đã thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của bản thân, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra làm rõ vụ án; bị can Vũ đã chủ động hủy bỏ thỏa thuận và hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, tự nguyện trả lại MobiFone toàn bộ số tiền đã nhận từ MobiFone tính cả lãi và chi phí dự án góp phần làm giảm tối đa thiệt hại cho nhà nước; gia đình có công với cách mạng; ngoài ra, bị can Vũ đã có nhiều đóng góp cho Giáo hội phật giáo Việt Nam, các Hội chất độc da cam, bom mìn, mồ côi, các hoạt động an sinh xã hội,..

Do đó, Cơ quan điều tra đề nghị quá trình truy tố, xét xử xem xét các tình tiết giảm nhẹ, áp dụng chính sách hình sự đặc biệt khi lượng khung hình phạt đối với bị can Phạm Nhật Vũ.

 
Nguyễn Dương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm