1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Cục Đăng kiểm Việt Nam
  3. Vụ án đầu độc người thân bằng xyanua
  4. Không để cướp giật lộng hành ở TPHCM

Ngày mai, cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết hầu tòa

Nguyễn Hải

(Dân trí) - Bị cáo buộc cùng các đồng phạm chiếm đoạt hơn 3.620 tỷ của các nhà đầu tư chứng khoán, ngày mai ông Trịnh Văn Quyết hầu tòa về các tội Thao túng thị trường chứng khoán và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ngày 22/7, Tòa án nhân dân TP Hà Nội sẽ xét xử bị cáo Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC về các tội Thao túng thị trường chứng khoán và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Các bị cáo Trịnh Thị Thúy Nga và Trịnh Thị Minh Huế (em gái ông Quyết) cùng bà Hương Trần Kiều Dung, cựu Phó chủ tịch FLC cũng bị truy tố về hai tội danh trên.

Trong số các đồng phạm của ông Trịnh Văn Quyết, có 4 người là cựu lãnh đạo của Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE), cùng bị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Trên cổng thông tin của Tòa án nhân dân TP Hà Nội, cơ quan này đã đăng thông tin liệt kê gần 100.000 người được triệu tập tới phiên tòa, gồm hơn 30.000 bị hại và hơn 64.000 người liên quan, đều là những nhà đầu tư, từng mua cổ phiếu của Trịnh Văn Quyết .

Hiện bị cáo Trịnh Văn Quyết đã nộp hơn 210 tỷ đồng để khắc phục hậu quả vụ án.

Chủ tọa phiên tòa là Thẩm phán Vũ Quang Huy, Phó Chánh tòa Tòa án hình sự, Tòa án nhân dân TP Hà Nội. 

Hiện đã có hơn 50 luật sư đăng ký tham gia bào chữa cho các bị cáo. Trong đó bị cáo Trịnh Văn Quyết có 4 luật sư tham gia bào chữa.

Cáo buộc thể hiện, với mục đích chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư để sử dụng vào mục đích cá nhân, ông Trịnh Văn Quyết đã sử dụng Công ty Faros làm công cụ, chỉ đạo các bị can khác thực hiện hành vi gian dối nhằm tăng khối vốn góp chủ sở hữu tại công ty này từ 1,5 tỷ lên 4.300 tỷ đồng.

Ngày mai, cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết hầu tòa - 1

Bị cáo Trịnh Văn Quyết (Ảnh: N.Đ.).

Để chiếm đoạt được tiền, ông Quyết giao ông Doãn Văn Phương (cựu Tổng giám đốc Tập đoàn FLC, đã bỏ trốn) và bà Trịnh Thị Minh Huế (em gái ông Quyết) trực tiếp chỉ đạo và điều hành toàn bộ hoạt động để hợp thức hồ sơ nâng vốn khống; trực tiếp nhờ một số cá nhân đứng tên là cổ đông nhận chuyển nhượng cổ phần của Công ty Faros.

Cáo buộc cho rằng, các bị can thuộc Công ty Faros, một số công ty kiểm toán, người thân quen của ông Trịnh Văn Quyết, bà Trịnh Thị Minh Huế... đã thực hiện chỉ đạo của ông Phương và bà Huế ký hợp thức các thủ tục nâng khống vốn góp và hợp thức sử dụng vốn góp khống; ghi nhận thông tin gian dối này vào báo cáo tài chính kiểm toán...

Với động cơ, mục đích, thủ đoạn nêu trên, ông Trịnh Văn Quyết đã sử dụng sàn HOSE làm phương tiện để bán hơn 391 triệu cổ phiếu hình thành từ vốn góp nâng khống cho 30.403 nhà đầu tư trên sàn chứng khoán, chiếm đoạt hơn 3.620 tỷ đồng.

Theo Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, để xảy ra hậu quả trên có sự tham gia, giúp sức tích cực của các bị cáo trong vụ án vào quá trình nâng khống vốn góp, ủy thác đầu tư, nhận ủy thác đầu tư, hợp thức dòng tiền từ vốn góp khống.

Ông Trịnh Văn Quyết bị xác định là chủ mưu, người quyết định chỉ đạo thực hiện việc mua Công ty Faros; quyết định, chỉ đạo góp vốn khống, sử dụng vốn góp khống để hợp thức việc nâng khống, sử dụng vốn góp khống của Công ty Faros từ 1,5 tỷ đồng lên thành 4.300 tỷ đồng.

Cựu Chủ tịch FLC cũng là người chủ mưu, quyết định, chỉ đạo thực hiện mở, quản lý, sử dụng các tài khoản chứng khoán; quyết định, chỉ đạo việc cấp khống tiền cho các tài khoản do bị can Huế quản lý sử dụng để thao túng 5 mã chứng khoán, thu lợi bất chính hơn 723 tỷ đồng.