1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Một người nước ngoài kiện Công ty FLC Hạ Long ra tòa vì "quỵt tiền"

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Ông Lim Tian Yi (quốc tịch Singapore) cùng 2 nguyên đơn khác đã khởi kiện Công ty Đầu tư và phát triển FLC Hạ Long (Quảng Ninh) ra tòa trong vụ án dân sự Tranh chấp hợp đồng thuê và quản lý tài sản.

TAND tỉnh Quảng Ninh vừa mở phiên tòa xét xử vụ án dân sự Tranh chấp hợp đồng thuê và quản lý tài sản.

Xác minh thông tin FLC Hạ Long mang thế chấp căn hộ vay tiền ngân hàng

3 người khởi kiện Công ty Đầu tư và phát triển FLC Hạ Long (FLC Hạ Long, trụ sở ở Hạ Long, Quảng Ninh) là ông Lim Tian Yi (quốc tịch Singapore), bà Đ.T.H. (35 tuổi, quốc tịch Việt Nam, chỗ ở hiện nay: nước Hàn Quốc), bà N.P.L. (35 tuổi, HKTT: Long Biên, Hà Nội, chỗ ở hiện nay: nước Pháp).

Mặc dù được triệu tập đến phiên tòa với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, nhưng đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (FLC Group, trụ sở ở Hà Nội, công ty mẹ của FLC Hạ Long) vắng mặt.

Một người nước ngoài kiện Công ty FLC Hạ Long ra tòa vì quỵt tiền - 1

Quang cảnh phiên tòa ngày 14/9 (Ảnh: Nguyễn Dương).

Đại diện FLC Hạ Long đề nghị tạm hoãn phiên tòa do vắng mặt đại diện FLC Group.

Tuy nhiên, Thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa Nguyễn Thúy Hằng đã không đồng ý với đề nghị của đại diện FLC Hạ Long và cho phiên tòa tiếp tục.

Tại phiên tòa trên, ngoài yêu cầu bảo vệ quyền lợi "sát sườn" của mình, 3 người khởi kiện (nguyên đơn) đề nghị TAND tỉnh Quảng Ninh xác minh nội dung: Qua nghiên cứu báo cáo tài chính năm 2021 của FLC Hạ Long xác định, FLC Hạ Long đã thế chấp quyền tài sản, quyền khai thác thuê các căn hộ condotel FLC Grand Hotel Hạ Long (chủ sở hữu là nguyên đơn) cho Ngân hàng Thương mại cổ phần Thương Tín (Sacombank, chi nhánh Quảng Ninh) để vay vốn (600 tỷ đồng), mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu.

"3 nguyên đơn đề nghị tòa án yêu cầu ngân hàng cung cấp tài liệu chứng cứ để xác minh có phải FLC Hạ Long thế chấp các tài sản trên của nguyên đơn vay vốn tại ngân hàng Sacombank chi nhánh Quảng Ninh hay không. Nếu có việc thế chấp vay vốn này, thì phải triệu tập đại diện Sacombank chi nhánh Quảng Ninh đến tòa với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan", thẩm phán Nguyễn Thúy Hằng cho biết tại phiên tòa.

Về việc trên, đại diện FLC Hạ Long cho biết, chưa có tài liệu liên quan đến việc thế chấp vay ngân hàng Sacombank chi nhánh Quảng Ninh và chưa nhận được văn bản đề nghị của phía nguyên đơn.

"Với tư cách là người đại diện cho FLC Hạ Long, ông có nắm được thông tin công ty thế chấp tài sản như trình bày tại tòa để vay tiền ngân hàng Sacombank không?", chủ tọa phiên tòa hỏi.

Đại diện FLC Hạ Long trả lời, chưa có tài liệu để xác định FLC Hạ Long có thế chấp hay không hay thế chấp cái gì?

Do xuất hiện thông tin (chưa được làm rõ) là các căn hộ condotel FLC Grand Hotel Hạ Long thuộc quyền sở hữu của các nguyên đơn mà FLC Hạ Long lại đem thế chấp ngân hàng để vay vốn, khi chưa có sự đồng ý của nguyên đơn, nên phiên tòa đã phải tạm hoãn để xác minh.

Chủ tọa cho biết, ngày mở lại phiên tòa sẽ thông báo cho các đương sự sau.

Một người nước ngoài kiện Công ty FLC Hạ Long ra tòa vì quỵt tiền - 2

FLC Grand Hotel Hạ Long đã đưa vào vận hành, cho thuê (Ảnh: Hà Phong).

Mòn mỏi đòi tiền FLC Hạ Long

Trước đó, 3 nguyên đơn nói trên đã làm đơn khởi kiện FLC Hạ Long (người đại diện theo pháp luật là ông Vũ Anh Tuân), người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là FLC Group (ông Lê Tiến Dũng là tổng giám đốc) ra TAND tỉnh Quảng Ninh.

Theo đơn khởi kiện, giai đoạn năm 2018, 2019, 3 nguyên đơn trên đã ký hợp đồng mua căn hộ condotel FLC Grand Hotel Hạ Long (TP Hạ Long, Quảng Ninh) với FLC Group.

Trong đó, bà H. mua căn hộ rộng 46,2m2 với số tiền là hơn 2,1 tỷ đồng; ông Lim Tian Yi mua căn hộ rộng 42,7m2 với giá hơn 2,4 tỷ đồng; bà L. mua căn hộ hơn 47,2m2, với số tiền hơn 1,4 tỷ đồng.

Sau đó, FLC Group đã ủy thác cho bên thứ 3 ký hợp đồng thuê và quản lý tài sản với các nguyên đơn. Nghĩa là, các căn hộ của nguyên đơn mua sẽ cho FLC Hạ Long thuê lại để khai thác cho khách du lịch hoặc khách hàng khác thuê.

Theo hợp đồng, 3 nguyên đơn có quyền được hưởng giá thuê bằng 85% lợi nhuận/năm và trong mọi trường hợp sẽ không thấp hơn 12% giá tính tiền thuê/năm trong vòng 8 năm đầu. Ví dụ, giá căn hộ mua là 1 tỷ đồng, thì nguyên đơn (chủ sở hữu) sẽ được FLC Hạ Long trả tiền thuê là 120 triệu đồng/năm.

Các nguyên đơn cho biết, vì được FLC Group và FLC Hạ Long cam kết trả 12%/ năm trong 8 năm đầu nên các chủ sở hữu mới trả giá mua căn hộ cao hơn rất nhiều so với mặt bằng chung thời bấy giờ.

Ngay khi dự án đi vào hoạt động năm 2019, FLC Hạ Long đã không thanh toán tiền thuê đúng hạn, để mặc cho "khổ chủ" đi đòi nhiều lần tại trụ sở FLC Group (số 265 Cầu Giấy, Hà Nội) và tại dự án ở Hạ Long, Quảng Ninh.

Đặc biệt, trường hợp của ông Lim Tian Yi từ khi ký hợp đồng với FLC Hạ Long đến nay, chưa nhận được một khoản tiền thuê nào.

Trong đơn khởi kiện, 3 nguyên đơn nói trên đã yêu cầu tòa tuyên: Chấm dứt hợp đồng thuê và quản lý tài sản đã ký với FLC Hạ Long; tuyên buộc FLC Hạ Long trả lại căn hộ của khách sạn thuộc Dự án FLC Grand Hotel Hạ Long mà FLC Hạ Long đã thuê;

Buộc FLC Hạ Long thanh toán toàn bộ số tiền tạm ứng/thanh toán giá thuê còn nợ và phát sinh, tiền phạt vi phạm cho đến khi FLC Hạ Long hoàn thành việc thanh toán đầy đủ các khoản tiền nợ gốc, nợ lãi và các nghĩa vụ tài chính khác cho 3 nguyên đơn.

Trong đó số tiền FLC Hạ Long phải thanh toán cho ông Lim Tian Yi là 1.097.674.213 đồng, bà H. là 865.179.949 đồng, bà L. là 453.488.205 đồng.