Nhà đầu tư chật vật đi đòi tiền FLC

Hà Phong

(Dân trí) - Nhiều khách hàng mua căn hộ khách sạn (condotel) tại dự án FLC Grand Hotel Hạ Long (Quảng Ninh) và mua đất tại dự án của FLC tại Quảng Ngãi đang chật vật đi... đòi tiền.

Quảng Ninh: Chủ condotel FLC Grand Hotel Hạ Long "tố" bị quỵt tiền cho thuê

Phản ánh tới Dân trí, ông N.Đ.T. - một chủ sở hữu condotel FLC Grand Hotel Hạ Long cho biết, ông và nhiều chủ sở hữu condotel khác đang vô cùng bức xúc trước việc chủ đầu tư là Công ty cổ phần Tập đoàn FLC và đơn vị thuê, quản lý khai thác Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển FLC Hạ Long (viết tắt Công ty FLC Hạ Long) không thực hiện đúng cam kết đã ký theo Hợp đồng mua bán và Hợp đồng thuê và quản lý. Đáng nói, những phản ánh, kiến nghị và yêu cầu của chủ sở hữu tới chủ đầu tư và đơn vị thuê đều không có hồi âm.

Nhà đầu tư chật vật đi đòi tiền FLC - 1

FLC Grand Hotel Hạ Long đã đưa vào vận hành, cho thuê (Ảnh: Hà Phong).

Cũng theo ông T., khoảng năm 2017, 2018 dự án FLC Grand Hotel Hạ Long được nhiều sàn môi giới bất động sản rao bán rầm rộ. Sau khi tìm hiểu, ông quyết định mua và đóng tiền đặt cọc, nhưng phải đóng 95% giá trị căn condotel thì người mua mới được ký Hợp đồng mua bán với chủ đầu tư.

"Căn condotel FLC Grand Hotel Hạ Long tôi mua có diện tích 46 m2, giá 1,9 tỷ đồng. Sau khi được chủ đầu tư bàn giao, căn condotel của tôi cũng được Công ty FLC Hạ Long thuê khai thác, với cam kết lợi nhuận 12% giá trị căn hộ/năm và được thanh toán tiền thuê thành 2 kỳ/năm (30/6 và 30/12)", ông T. nói.

Theo tìm hiểu, FLC Grand Hotel Hạ Long có khoảng hơn 600 căn condotel. Khách sạn này được thiết kế tiêu chuẩn 5 sao. Trên một số thông tin rao vặt, giá thuê căn 1 phòng ngủ (diện tích 42-48 m2) có giá 2,5 triệu đồng/đêm; căn 2 phòng ngủ có giá thuê 4,5 triệu đồng/đêm. Ngoài ra, thông tin rao bán cắt lỗ những căn condotel FLC Grand Hotel Hạ Long cũng xuất hiện nhiều. Có căn condotel thì  chủ sở hữu chấp nhận xuống giá gần 500 triệu đồng so với thời điểm mua vào.

Tuy nhiên, theo ông T., dù đã có những cam kết rõ ràng theo Hợp đồng cho thuê, nhưng từ cuối năm 2019 đến nay, việc chi trả tiền thuê của FLC không được thực hiện. Việc này đang ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của gia đình ông, bởi đây là số tiền ông tích cóp và vay ngân hàng.

Tương tự như ông T., bà H. và hàng chục chủ sở hữu condotel FLC Grand Hotel Hạ Long rơi vào tình trạng 3 đến 4 kỳ cam kết lợi nhuận chưa được Công ty FLC Hạ Long chi trả. "Ngay trong thời gian cam kết lợi nhuận chi trả cho thuê căn hộ Công ty FLC Hạ Long không thực hiện. Mặc dù chủ sở hữu đã phải đi đến tận trụ sở Tập đoàn FLC để đòi quyền lợi nhưng cũng không được giải quyết", bà H. bức xúc. 

Nhà đầu tư chật vật đi đòi tiền FLC - 2

Chủ sở hữu condotel FLC Grand Hotel Hạ Long nhiều lần đứng tập trung ở trụ sở Tập đoàn FLC ở Cầu Giấy, Hà Nội để đòi tiền (Ảnh: Hà Phong).

Chị N., một chủ sở hữu khác chia sẻ, dù là chủ sở hữu condotel FLC Grand Hotel Hạ Long nhưng tới nay khách hàng không được sở hữu đúng nghĩa dù phải bỏ tiền ra mua. Chủ sở hữu chỉ được phép cho đơn vị khai thác do chủ đầu tư chỉ định thuê.

"Số tiền thuê căn hộ năm 2020, 2021 không được Công ty FLC Hạ Long chi trả cho mỗi chủ sở hữu đã lên tới 300 - 500 triệu đồng, chưa kể tiền phạt chậm thanh toán. Dù không được trả tiền thuê, nhưng hiện tại, căn hộ vẫn thuộc về Công ty FLC Hạ Long quản lý", chị N. bức xúc.

Trước những nội dung phản ánh của chủ sở hữu, PV Dân trí đã liên hệ với Tập đoàn FLC để trao đổi thông tin nhưng phía FLC không có phản hồi.  

Quảng Ngãi: Mua đất trên giấy, nhiều người chật vật đi đòi tiền FLC Homes

Năm 2019, Tập đoàn FLC tiến hành khởi công dự án Quần thể du lịch nghỉ dưỡng  FLC Quảng Ngãi (khu kinh tế Dung Quất, huyện Bình Sơn). Sau lễ khởi công rầm rộ, các sàn giao dịch bất động sản tại Quảng Ngãi cũng thi nhau rao bán đất tại dự án này.

Thời điểm đó, anh D.H.M.N. nhận thấy đây là dự án tiềm năng nên liên hệ với sàn giao dịch bất động sản đặt mua đất. Qua tìm hiểu, anh N. quyết định mua lô đất thuộc dự án khu đô thị Vạn Tường 7. Theo thông tin được cung cấp, dự án này do Công ty CP Tập đoàn FLC và Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Eden Garden làm chủ đầu tư.

"Lúc đó chỉ biết mua đất trên giấy chứ ở thực địa chưa triển khai gì. Tôi đăng ký mua một lô rộng 160 m2 tại dự án Vạn Tường 7 với giá 2,2 tỷ đồng. Tiền sẽ được nộp thành nhiều đợt", anh N. cho biết.

Nhà đầu tư chật vật đi đòi tiền FLC - 3

Người dân đã đặt cọc hàng trăm triệu đồng cho FLC Homes phản ánh sự việc với phóng viên.

Theo anh N., tính đến tháng 7/2019, anh đã chuyển cho FLC Homes số tiền 399,4 triệu đồng. Khoản tiền này được thể hiện rõ trong "Văn bản thỏa thuận" được ký kết giữa anh N. và FLC Homes.

Trong nội dung thỏa thuận, bên anh N. đồng ý trả mức phí cho toàn bộ dịch vụ mà FLC Homes cung cấp như tư vấn chính sách giá, ưu đãi các dự án; hỗ trợ mua bất động sản khi chủ đầu tư mở bán… là 399,4 triệu đồng. Điều khá ngạc nhiên, trong văn bản thỏa thuận không nhắc gì đến bất động sản mà anh N. cho rằng mình đã đặt mua.

Tiếp đó, anh N. và FLC Homes thống nhất ký Phụ lục số 1, bổ sung cho "Văn bản thỏa thuận" đã ký trước đó. Trong phụ lục được ký, hai bên thống nhất ngoài số tiền đặt cọc 399,4 triệu đồng, anh N. tự nguyện đặt cọc bổ sung số tiền gần 1,6 tỉ đồng và được chia làm 7 lần đóng.

Đến cuối tháng 12/2019, anh N. tiếp tục đóng thêm 239,6 triệu đồng theo thông báo nộp tiền của FLC Homes.

Sau đó khoảng 2 tháng, anh N. tiếp tục nhận thông báo đóng thêm 159,7 triệu đồng như tiến độ đã cam kết. Tuy nhiên, anh N. nhận thấy có bất thường nên dừng đóng tiền.

"Tôi đóng tiền nhiều lần với số tiền hơn 639 triệu đồng nhưng dự án vẫn chưa triển khai gì nên dừng. Sau đó tôi tìm mọi cách liên hệ với FLC Homes để yêu cầu chấm dứt thỏa thuận, lấy lại tiền đặt cọc nhưng gần 2 năm rồi không nhận được phản hồi", anh N. nói và cho biết đã gửi đơn tố cáo đến Công an Quảng Ngãi.

Nhà đầu tư chật vật đi đòi tiền FLC - 4

Nhiều người yêu cầu FLC Homes hoàn trả các khoản tiền đã nộp bởi sau gần 3 năm dự án vẫn còn là vùng đất hoang hóa (Ảnh: Anh Phong).

Cùng tình cảnh với anh N., anh H.V.C. nộp cho FLC Homes tổng cộng 516 triệu đồng Khoản tiền anh C. đã nộp đều được FLC Homes xác nhận bằng văn bản. Cảm thấy FLC Homes gửi yêu cầu đóng tiền đều đặn nhưng dự án bất động sản vẫn "bất động" nên anh C. yêu cầu dừng hợp tác. Sau nhiều lần liên lạc qua điện thoại bất thành, tháng 3/2021, anh C. lặn lội ra tận trụ sở FLC Homes tại Hà Nội yêu cầu trả lại tiền.

Trong biên bản làm việc, anh C. yêu cầu được hoàn trả lại tiền đã nộp cho FLC Homes. Trong các phương án được đại diện FLC Homes đưa ra có một nội dung như sau: trong trường hợp thanh lý "Văn bản thỏa thuận" thì việc tiến hành thanh lý, hoàn lại tiền cho khách hàng sẽ làm theo quy định của công ty. 

"Tôi yêu cầu phải chấm dứt các thỏa thuận, hoàn trả lại tiền. Họ đã tiếp nhận yêu cầu của tôi nhưng từ đó đến nay lại im lặng. Số tiền tôi nộp rất lớn mà suốt mấy năm rồi họ không trả. Tôi đã thuê luật sư khởi kiện ra tòa", anh C. cho biết.

Theo tìm hiểu của Dân trí, Công an tỉnh Quảng Ngãi đã tiếp nhận nhiều đơn tố giác tội phạm của người dân liên quan đến việc đặt cọc mua bất động sản của FLC Homes. Tòa án nhân dân huyện Bình Sơn cũng đã thụ lý đơn khởi kiện của nhiều người liên quan đến vụ việc này.

Theo Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi, trong số 4 dự án khu đô thị của FLC thì đến nay chỉ có 2 dự án được giao đất nhưng tỷ lệ giao rất thấp. Dự án Khu đô thị Vạn Tường 7 mới chỉ giao 1,4ha trên tổng số 30,5ha. Khu Đô thị Vạn Tường 8, mới chỉ giao 6.600m2 trên tổng số 46,65ha.

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ngãi, đối với những dự án thuộc lĩnh vực thương mại, dịch vụ và khu dân cư được cấp quyết định chủ trương đầu tư trước đây nhưng chưa giao đất, cho thuê đất thì phải tiến hành thu hồi dự án để tiến hành đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Trong khi đó các dự án của FLC tại Quảng Ngãi đều nằm trong diện này.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm