1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Lừa đảo qua mạng: "Cũ rích" nhưng hiệu quả đến... choáng váng

Hải Nam

(Dân trí) - Một số người là nạn nhân của các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng xã hội, vì nhiều lý do, đã tìm đến sự "trợ giúp" trên mạng xã hội. Họ không ngờ rằng, họ sẽ tiếp tục bị lừa.

Thời gian qua, cơ quan chức năng cũng như các phương tiện thông tin đại chúng liên tục cảnh báo về các thủ đoạn lừa đảo, điển hình nhất là mạo danh cán bộ, lực lượng chức năng; tham gia cộng tác viên đặt hàng, mua hàng; đầu tư online...

Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn rất nhiều người dân trên cả nước sập bẫy các đối tượng xấu, hậu quả bị chiếm đoạt từ vài chục triệu đồng đến cả vài tỷ đồng.

Chiêu "cũ rích" nhưng vẫn hiệu quả

Giữa tháng 1, bà T. (59 tuổi, ở quận Tây Hồ) nhận được điện thoại của một đối tượng tự xưng là cán bộ công an. Đối tượng này nói bà T. liên quan đến vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản và yêu cầu bà kết bạn Zalo.

Sau đó bà nhìn thấy một người mặc trang phục Công an nhân dân trong cuộc gọi video yêu cầu bà phải chuyển tiền vào tài khoản của đối tượng để xác minh. Người phụ nữ 59 tuổi liền chuyển 1,4 tỷ đồng vào tài khoản ngân hàng do đối tượng xấu đưa.

Cuối tháng 2, anh K. (Hà Nội) được mời tham gia làm cộng tác viên bán hàng hưởng hoa hồng trên website amajwzon456.top. Website có giao diện giống như trang thương mại điện tử Amazon với các gian hàng đủ các loại sản phẩm.

Lừa đảo qua mạng: Cũ rích nhưng hiệu quả đến... choáng váng - 1

(Ảnh minh họa: Công an Hà Nội).

Trong nhóm, nhiều "cò mồi" xác nhận đã thu được lợi nhuận từ việc bán hàng và đóng tiền thuế cũng như các khoản phí theo yêu cầu thì sẽ rút được tiền về. Điều này khiến anh K. "ngã" vào bẫy.

Sau đó, các đối tượng hướng dẫn anh K. mở gian hàng, đăng bán các sản phẩm. Khi có khách đặt hàng, anh K. phải thanh toán tiền cho bên kho cung cấp hàng và vận chuyển cho khách nhận, khi hoàn thành đơn hàng sẽ được hưởng hoa hồng.

Thời gian đầu tham gia, đơn hàng nhỏ lẻ và có tiền hoa hồng trả về, nạn nhân vẫn có thể rút tiền ra được.

Tuy nhiên, khi đơn hàng có giá trị tăng lên, số lượng đơn đặt hàng cũng tăng lên khiến anh K. tiếp tục phải nạp thêm tiền để thanh toán các đơn hàng mới cho bên cung cấp.

Khi số tiền đạt đến hơn 1,5 tỷ đồng, nạn nhân không thể rút tiền ra được với lý do cần nạp thêm 1,5 tỷ đồng để nâng cấp thành viên trở thành đại lý. Tổng cộng, anh K. đã nạp đến hơn 3 tỷ đồng.

Tương tự thủ đoạn trên, ngày 19/2, anh T. (54 tuổi, ở quận Tây Hồ) cũng "đóng" 560 triệu đồng để làm nhiệm vụ thanh toán đơn hàng nhưng không rút được tiền ra.

Một thủ đoạn khác được ghi nhận là vào đầu tháng 2, anh T. nhận được điện thoại của đối tượng xưng là nhân viên của Công ty chứng khoán VPS và muốn anh vào nhóm để học hỏi và hỗ trợ thông tin về chứng khoán.

Lừa đảo qua mạng: Cũ rích nhưng hiệu quả đến... choáng váng - 2

(Ảnh minh họa: Công an Hà Nội).

Anh T. đã tham gia nhóm Zalo và được một vài "người thầy" cung cấp các thông tin về thị trường chứng khoán, định hướng anh tham gia thị trường vàng với hứa hẹn lợi nhuận cao hơn.

Sau đó, anh T. tải ứng dụng SoonTransfer5 để tham gia đầu tư. Trong vòng 2 ngày, anh T chuyển 1,2 tỷ đầu tư và rút ra được 600 triệu lợi nhuận trong 7 lần rút. Đến lần thứ 8, anh T không rút được.

Lúc này các đối tượng thông báo anh T cần "nâng cấp gói VIP 3 tháng", "hoàn trả quỹ hỗ trợ đầu tư", "gỡ bỏ chế độ an toàn"… Anh T. sau đó chuyển cho các đối tượng 3,6 tỷ đồng nhưng vẫn không thể rút được tiền ra. 

Bị lừa..."tập 2"

Điều đáng buồn, một số người là nạn nhân của các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng xã hội, vì nhiều lý do, đã không trình báo cơ quan chức năng, không dám nói với người thân mà tìm đến sự "trợ giúp" trên mạng xã hội. 

Họ không ngờ rằng, người nhận "trợ giúp" lại chính là những đối tượng sẽ tiếp tục rút thêm tiền từ "ví" của họ.

Chị L. (43 tuổi, ở quận Ba Đình) là nạn nhân bị lừa 200 triệu đồng trên mạng. Ngày 22/1, chị L. lên mạng tìm hiểu thì thấy trang Facebook quảng cáo Công ty Luật hỗ trợ thu hồi tiền lừa đảo.

Lừa đảo qua mạng: Cũ rích nhưng hiệu quả đến... choáng váng - 3

(Ảnh minh họa: Công an Hà Nội).

Khi nạn nhân hỏi "Luật sư giả" cách thu hồi tiền bị lừa thì được các đối tượng thông báo phải đóng phí. Do nóng lòng muốn lấy lại tiền, chị L. đã nhờ các "Luật sư giả" hỗ trợ nên tiếp tục bị lừa thêm 125 triệu đồng.

Tương tự, chị N. (36 tuổi, ở TPHCM) từng bị lừa 30 triệu đồng. Sau khi lên một nhóm Facebook để kể lại sự việc này, chị N. được một đối tượng liên hệ, giới thiệu bản thân làm việc tại ngân hàng và có thể giúp chị lấy lại tiền đã mất trong 12 tiếng đồng hồ.

Vui mừng vì nghĩ gặp được ân nhân, chị N. chuyển 3 triệu đồng tiền phí cho đối tượng trên. Kết cục, chị N. bị lừa tổng cộng 33 triệu đồng sau 2 lần.

Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo

Theo Công an Hà Nội, người dân cần cảnh giác với các cuộc gọi, lời mời tham gia làm cộng tác viên các trang thương mại điện tử trong và ngoài nước, chú ý các đường link giả mạo (đối chiếu với website thương mại điện tử chính thức hoặc website đã được đăng ký với Bộ Công thương). 

"Hình thức lừa đảo trên mạng ngày càng tinh vi, xảo quyệt với nhiều thủ đoạn như đơn hàng bị chậm do vận chuyển, phải nộp thuế hải quan,… các đối tượng liên tục thúc ép nạn nhân nạp thêm tiền để nạn nhân không có thời gian suy nghĩ. Khi website này bị đóng chúng lại tiếp tục lập ra các website giả mạo tương tự để lừa đảo", nhà chức trách nhấn mạnh.

Đối với hình thức lừa đảo giả mạo cán bộ, Công an Hà Nội khẳng định để làm việc với người dân, cơ quan công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua công an địa phương; tuyệt đối không yêu cầu công dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng. 

Trong khi đó, với thủ đoạn lừa đảo đầu tư online, cảnh sát khuyến cáo không tham gia ứng dụng đầu tư tài chính, sàn giao dịch quốc tế được quảng cáo lãi suất cao tiềm ẩn nguy cơ bị lừa đảo để bảo vệ mình và tránh rơi vào các cạm bẫy tài chính. 

"Chiêu trò không mới nhưng đủ tinh vi"

Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), trên mạng xã hội Facebook, các hội nhóm với tên "Tiếp nhận thông tin thu hồi vốn treo", "Lấy lại tiền bị lừa qua mạng"… xuất hiện tràn lan cùng với các trang web mang giao diện tương tự với đơn vị thuộc Bộ Công an, văn phòng luật, luật sư…

Phía dưới các bài đăng là hàng loạt các tin nhắn bình luận "đã lấy lại được tiền lừa đảo trước Tết". Đối tượng yêu cầu gửi giấy tờ chứng minh bị lừa và đóng tiền phí ban đầu tra soát thông tin 3-5 triệu đồng.

"Điểm chung của các đối tượng lừa đảo bằng hình thức này là đều đưa ra các mức phí và giới thiệu có mối quan hệ thân thiết với nhiều cơ quan chức năng của Việt Nam.

Chiêu trò của các đối tượng không mới nhưng vẫn đủ tinh vi để khiến cho nhiều người dùng mạng xã hội sập bẫy", Cục An toàn thông tin cho biết và nhấn mạnh những bình luận hoặc tin nhắn trong các hội nhóm, giới thiệu đã lấy lại được tiền lừa đảo hoàn toàn là kịch bản của các đối tượng lừa đảo và các hội nhóm lấy lại tiền lừa đảo, thu hồi nợ treo trên mạng đều có dấu hiệu lừa đảo.

Lừa đảo qua mạng: Cũ rích nhưng hiệu quả đến... choáng váng - 4

(Ảnh: Chụp màn hình).

Cục An toàn thông tin khuyến cáo, môi trường mạng đang ngày càng trở nên phức tạp, người dân cần nâng cao cảnh giác, đồng thời tìm hiểu và trang bị cho bản thân những kiến thức để bảo vệ mình trên mạng xã hội.

"Điều quan trọng nhất là người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho bất cứ ai thông qua bất kể hình thức nào; việc lộ lọt thông tin sẽ dẫn đến nhiều hậu quả đáng lo ngại.

Khi có cuộc gọi lạ hoặc tiếp xúc với hội nhóm cung cấp dịch vụ trên mạng xã hội, tuyệt đối không thực hiện giao dịch chuyển tiền cho đối tượng khi chưa tìm hiểu và xác minh danh tính của đối tượng đó.

Nếu chẳng may là bị hại của một vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, người dân cần hết sức bình tĩnh, khẩn trương liên hệ với cơ quan công an gần nhất để làm các thủ tục trình báo", Cục An toàn thông tin đưa ra lời khuyên.