Loạt đại gia phải trả cho bà Trương Mỹ Lan gần 20.000 tỷ đồng
(Dân trí) - Công ty Quốc Cường Gia Lai cùng nhiều cá nhân, pháp nhân phải trả cho bà Trương Mỹ Lan gần 20.000 tỷ đồng và nhận lại các dự án giao dịch trước đó.
Hồi tháng 4, TAND TPHCM xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Vạn Thịnh Phát) mức án tử hình về tội Tham ô tài sản. Ngoài hình phạt trên, tòa cũng buộc bị cáo bồi thường gần 674.000 tỷ đồng cho SCB.
HĐXX đồng thời đưa ra nhiều quyết định về các giao dịch dân sự của bà Lan và các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, nhằm thu hồi tài sản để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án của bị cáo.
Giao trả những gì đã nhận
Theo quyết định của HĐXX, tòa buộc Công ty Quốc Cường Gia Lai phải hoàn trả toàn bộ số tiền đã nhận từ bà Lan là hơn 2.882 tỷ đồng. Quốc Cường Gia Lai sẽ nhận lại các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Sunny Island (thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) nắm giữ trước đó.
Liên quan đến các thỏa thuận chuyển nhượng, hợp tác còn dang dở giữa bà Lan, các công ty thuộc Vạn Thịnh Phát với đối tác, tòa buộc các bên giao trả cho nhau những gì đã nhận.
Theo đó, tòa buộc Công ty Cổ phần địa ốc Hồng Phát bị buộc nộp lại hơn 2.300 tỷ đồng; Công ty Phú An, bà Phan Thị Phương Thảo nộp lại 145,2 tỷ đồng và 1.000 lượng vàng SJC; Công ty cổ phần T&H Hạ Long và Công ty Âu Lạc nộp lại hơn 6.095 tỷ đồng.
Công ty TNHH MTV Phát triển và kinh doanh nhà hoàn trả 400 tỷ đồng; Công ty Sơn Long Thọ nộp lại 1.275 tỷ đồng; Công ty Cổ phần địa ốc Hoàn Hảo nộp lại 1.453 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển du lịch Gia Tuệ - Lâm Đồng nộp lại 672 tỷ đồng; Công ty Phương Trang nộp lại 1.200 tỷ để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ bồi hoàn cho bị cáo Trương Mỹ Lan trong toàn bộ vụ án.
Bên cạnh đó, một số bị cáo trong vụ án có nghĩa vụ trả lại tài sản cho bà Trương Mỹ Lan để khắc phục hậu quả vụ án.
Cụ thể, ông Nguyễn Cao Trí (Chủ tịch HĐQT Công ty Cepella) nộp lại 1.000 tỷ đồng (tiền ông Trí chiếm đoạt của bà Lan); tòa buộc bị cáo Dương Tấn Trước (Tổng giám đốc Công ty TNHH thương mại và sản xuất Tường Việt) nộp lại 2.200 tỷ đồng (bà Lan cho ông Trước).
Du thuyền, biệt thự của bà Lan được xử lý thế nào?
Trong vụ án này, bà Trương Mỹ Lan phải thực hiện nghĩa vụ dân sự rất lớn, để đảm bảo thi hành án, HĐXX tuyên tiếp tục kê biên 658 bất động sản do Vạn Thịnh Phát là chủ sở hữu.
Đối với các du thuyền, tàu, ô tô của bà Trương Mỹ Lan do các pháp nhân khác đứng tên. HĐXX cấp sơ thẩm cho rằng, đây là tài sản của bà Lan nên phải tiếp tục kê biên để đảm bảo nghĩa vụ bồi hoàn của người này trong toàn bộ vụ án.
Đối với các tài sản đứng tên bà Trương Huệ Vân, HĐXX xét người này được bị cáo Trương Mỹ Lan nuôi nấng từ nhỏ, bản chất là các tài sản của bà Lan nên tiếp tục kê biên để đảm bảo nghĩa vụ bồi hoàn trong vụ án.
Đối với căn biệt thự cổ trên đường Võ Văn Tần (quận 3, TPHCM). Bà Lan cho rằng biệt thự cổ này thuộc sở hữu của Công ty Minerva, nhưng thực ra do mẹ bà mua với giá 700 tỷ đồng. Bà Lan giải thích biệt thự cổ là di tích không thể mua bán nên đề nghị không kê biên, mà giao lại cho gia đình để bảo tồn.
Về đề nghị trên của bà Lan, bản án sơ thẩm nêu biệt thự cổ trên đường Võ Văn Tần đang thuộc sở hữu của Công ty Minerva (chưa thu giữ được sổ đỏ), hiện bà Chu Duyệt Phấn (con gái bà Trương Mỹ Lan) có đơn đề nghị xem xét hủy bỏ biện pháp kê biên và cho rằng tiền mua do các cổ đông của Công ty Minerva góp.
Hội đồng xét xử xét thấy các cổ đông của Công ty Minerva thực chất đều là con cháu của bà Trương Mỹ Lan. Cụ thể, cổ đông của Công ty Minerva gồm: Công ty Cổ phần Tập đoàn Horizon (do bà Chu Duyệt Phấn đại diện) chiếm 48% vốn điều lệ; Công ty TNHH Luminance (do ông Trương Lập Hưng là cháu Trương Mỹ Lan đại diện) chiếm 26% vốn điều lệ; Công ty TNHH Radiance (do vợ của Trương Lập Hưng đại diện) chiếm 26% vốn điều lệ.
Hội đồng xét xử xác định, đây thực chất là tài sản của bà Trương Mỹ Lan, nên cần tiếp tục kê biên để đảm bảo nghĩa vụ bồi hoàn của bà Lan trong toàn bộ vụ án.
Ngày 4/11, TAND cấp cao tại TPHCM sẽ mở phiên tòa xét xử phúc thẩm xem xét đơn kháng cáo của bà Lan cùng các đồng phạm.