1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Lao động nữ mang thai có quyền đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động?

Xuân Hải

(Dân trí) - Lao động nữ mang thai nếu có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi thì có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

Lao động nữ mang thai có quyền đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động? - 1

Ảnh minh họa - nguồn internet.

Bà Nguyễn Thị Hợp ở TP Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc hỏi: "Con gái tôi làm nghề sale điện thoại, thường xuyên phải đi và đứng liên tục để giới thiệu sản phẩm cho khách hàng. Cháu hiện đang mang thai và bác sĩ có chỉ định không được đi lại nhiều vì đi lại, đứng nhiều có thể làm ảnh hưởng tới thai.

Mới đây cháu xin nghỉ việc nhưng công ty không cho vì chưa thông báo trước 30 ngày, nếu cháu nghỉ luôn thì công ty sẽ không trả lương tháng này cho cháu. Vậy quý báo cho hỏi, con gái tôi đang mang thai nghỉ việc khi có chỉ định của bác sĩ có phải báo trước không? Và công ty có vi phạm khi không trả lương cho con gái tôi khi cháu nghỉ việc do đang mang thai?".

Vấn đề bà hỏi, Luật sư Trần Hậu, Công ty Luật FDVN, Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng xin tư vấn trả lời như sau:

1.Về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của lao động nữ mang thai

Căn cứ Điều 138 Bộ luật Lao động 2019 thì:

"1. Lao động nữ mang thai nếu có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi thì có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.

Trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động thì phải thông báo cho người sử dụng lao động kèm theo xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi.".

Và lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo quy định tại khoản 1 Điều 138 của Bộ luật Lao động 2019 nêu trên là một trong những trường hợp người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước.

Do đó, con gái bà có quyền đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động mà không cần phải báo cho Công ty trước một thời hạn nhất định khi có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi. Tuy nhiên, con gái bà phải thông báo cho người sử dụng lao động kèm theo xác nhận nêu trên của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền trước khi nghỉ việc.

2.Về trách nhiệm thanh toán tiền lương của người sử dụng lao động

Một trong những nguyên tắc trả lương tại Khoản 1 Điều 94 Bộ luật Lao động 2019 là người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động.

Và Điều 48 Bộ luật Lao động 2019 cũng nêu rõ trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên. Chính vì vậy, việc công ty không thanh toán tiền lương cho con gái bà vì lý do nghỉ không thông báo trước là không phù hợp.

Bà có thể kiến nghị đến Công ty để được thanh toán đầy đủ tiền lương hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.