Dương Tự Trọng bật khóc khi nói lời sau cùng

(Dân trí) - Trong lời cuối cùng trước khi HĐXX vào nghị án, Dương Tự Trọng đã không giữ được xúc động, bật khóc trước vành móng ngựa.

17h23, HĐXX tuyên bố sẽ nghỉ, sáng mai (23/5) sẽ nghị án. 13h30 chiều mai, Tòa sẽ tuyên án.
 
17h11, HĐXX tuyên bố kết thúc phần tranh luận. Trong lời cuối cùng trước khi HĐXX vào nghị án, Dương Tự Trọng đã không giữ được xúc động, bật khóc trước vành móng ngựa.
 
Trong lời nói sau cùng, Dương Tự Trọng xin cho anh trai Dương Chí Dũng và Mai Xuân Phúc được thoát án tử hình; đồng thời, cựu Phó Giám đốc CATP Hải Phòng cũng đề nghị HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho những người anh em của mình, vì mình mà vướng vòng lao lý.
 
Dương Tự Trọng bật khóc khi nói lời sau cùng

Dương Tự Trọng đứng lặng hồi lâu để lấy lại bình tĩnh sau khi khóc nấc
 
17h04, Đại diện Viện kiểm sát cho rằng, thời điểm các bị cáo đưa Dương Chí Dũng đi trốn, Dương Chí Dũng bị khởi tố tội gì không quan trọng. Viện kiểm sát chỉ xét tính chất vụ việc xảy ra trong vụ án.
 
16h41, Luật sư Nguyễn Huy Thiệp cho rằng, khi đưa Dương Chí Dũng bỏ trốn, các bị cáo không hề biết hậu quả xảy ra tại Vinalines. Hơn nữa, khi khởi tố Dương Chí Dũng tội “Cố ý làm trái…”, tội này không phải tội tham nhũng. Vậy tại sao đại diện Viện kiểm sát lại đưa ra nhận định rằng dư luận quần chúng nghi ngờ về công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước.
 
Về vấn đề đồng phạm, sau khi nêu khái niệm “đồng phạm” được pháp luật quy định, luật sư Thiệp cho rằng, trong vụ án này, các bị cáo chỉ nhằm mục đích đưa Dương Chí Dũng ra nước ngoài, không mong muốn hậu quả khác, nên cầm xem xét lại việc quy kết đồng phạm.
 
16h33, Đại diện Viện KSND nêu quan điểm đối với phần tranh luận của bị cáo Phạm Minh Tuấn và luật sư bào chữa cho rằng Tuấn bị oan. “Tại phiên tòa, trong quá trình thẩm vấn, bị cáo Tuấn đã thừa nhận khi đón Dương Chí Dũng, một quan chức cấp cao, ra đi ban đêm như vậy, Tuấn đoán là không bình thường nhưng vì quan hệ với Dương Tự Trọng mà vẫn giúp. Tuấn chưa biết Dương Chí Dũng dính vào vụ gì cụ thể nhưng thừa nhận cho dù hậu quả thế nào Tuấn vẫn làm. Cho nên, kết luận Tuấn là đồng phạm là chính xác, hợp lý.” - đại diện Viện KSND nói.
 
16h23, Đại diện Viện KSND tranh luận, giữ nguyên quan điểm đánh giá về tính chất hành vi phạm tội của các bị cáo và hậu quả đặc biệt nghiêm trọng của vụ án. “Việc truy tố các bị cáo cùng một khung hình phạt trong trường hợp này là chính xác.” - đại diện Viện KSND nêu quan điểm.
 
Các bị cáo Trần Văn Dũng, Phạm Minh Tuấn, Đồng Xuân Phong, tại thời điểm đưa Dương Chí Dũng đi trốn chưa biết Dũng bị khởi tố, hành vi phạm tội của Dũng ra sao… Sau này, hành vi của Dương Chí Dũng bị đánh giá là đặc biệt nghiêm trọng. Về điểm này, đại diện Viện KSND cho rằng đây là đánh giá trong vụ án có đồng phạm.
 
Trong số đồng phạm có thể chưa biết tường tận vụ việc ra sao nhưng sẵn sàng tiếp nhận, làm theo chỉ đạo của bị cáo đầu vụ. Nếu chưa biết rõ, chưa hình dung được vụ án ra làm sao mà vẫn làm như bị cáo Tuấn “anh Trọng nhờ thì giúp” thì luật quy định là lỗi cố ý gián tiếp.
 
Về vai trò chủ mưu của Dương Tự Trọng, đại diện Viện KSND lý giải, tình tiết người mật báo nếu như chứng minh được cũng chỉ là điều kiện thôi. Các bị cáo đều đã trưởng thành, có đầy đủ năng lực nhận thức, phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình.
 
Đại diện Viện KSND tranh luận tại tòa
Đại diện Viện KSND tranh luận tại tòa
 
16h17, Bị cáo Vũ Tiến Sơn không có luật sư bào chữa được HĐXX yêu cầu tự tranh luận trước những cáo buộc của đại diện Viện KSND. Vũ Tiến Sơn mong muốn HĐXX xem xét cho Sơn được hưởng những quy định, ưu đãi với tư cách là nhân chứng.
 
16h15, Hầu hết các bị cáo đều đồng tình với quan điểm “gỡ tội” cho mình của các luật sư. Riêng bị cáo Phạm Minh Tuấn có bổ sung, cho rằng, đại diện Viện KSND đưa ra những cáo buộc rất khiên cưỡng đối với mình như “làm trong lĩnh vực hàng hải thì phải biết việc anh Dũng bị khởi tố bắt giam”…
 
15h03, Các luật sư tiếp tục phần bào chữa cho các thân chủ của mình, làm rõ các tình tiết giảm án cho các bị cáo.
 
14h43, Luật sư bào chữa cho bị cáo Dương Tự Trọng cho rằng, đại diện Viện KSND đánh giá vụ án này là đặc biệt nghiêm trọng là không đúng thực tế. Không thể đưa nhận định của bây giờ là vụ án đặc biệt nghiêm trọng để buộc các bị cáo hơn 2 năm trước phải nhận thức được.
 
Luật sư bào chữa cho bị cáo
Luật sư bào chữa cho bị cáo
 
Viện KSND cho rằng các bị cáo muốn hậu quả đặc biệt nghiêm trọng xảy ra, song thực tế các bị cáo không mong muốn hậu quả đặc biệt nghiêm trọng xảy ra. Tại phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, các bị cáo đều thành khẩn khai báo, thậm chí có bị cáo còn không biết Dương Chí Dũng, cho nên kết luận các bị cáo muốn hậu quả đặc biệt nghiêm trọng xảy ra là không chính xác.
 
Ngoài ra, vị luật sư này còn cho rằng, bản án sơ thẩm có những đánh giá chồng chéo, có những tư duy làm phương hại đến các bị cáo, nhiều nhận định mâu thuẫn nhau…
Từ đó, luật sư đề nghị HĐXX xem xét điều chỉnh 1 số nhận định, sai sót của bản án sơ thẩm, sửa lại tình tiết định khung. Đồng thời, luật sư cũng cho rằng cần thiết áp dụng Điều 47 Bộ luật Tố tụng hình sự, giảm án cho bị cáo mức án thấp nhất có thể vì những tình tiết giảm nhẹ khác đã thỏa mãn điều 46 Bộ luật này.
 
14h40, Viện kiểm sát nhận định tiếp: Bị cáo Vũ Tiến Sơn có vai trò thứ hai sau Dương Tự Trọng, là người đã trực tiếp đứng ra, là mắt xích quan trọng xâu chuỗi hành vi phạm tội của các bị cáo với nhau. Ngoài trực tiếp chỉ đạo điều hành, Sơn còn là người trực tiếp chuẩn bị phương tiện như xe ô tô, điện thoại trong quá trình đưa Dương Chí Dũng trốn ra nước ngoài…

“Mức phạt của Sơn thấp hơn bị cáo Dương Tự Trọng, cao hơn các bị cáo khác là hợp lý. Các tình tiết giảm nhẹ tình phạt được cấp sơ thẩm xem xét, áp dụng đầy đủ như động cơ phạm tội xuất phát từ tình cảm, nể nang, lệ thuộc một phần vào Dương Tự Trọng trong quan hệ cấp trên - cấp dưới. Bản thân Sơn trước khi phạm tội là người có nhiều thành tích trong ngành công an, nhân thân tốt.” - đại diện Viện KSND đánh giá.
 
Đối với Phạm Minh Tuấn, bị cáo có vai trò thấp nhất trong vụ án, bản án sơ thẩm đã xem xét các tình tiết giảm nhẹ, xử phạt bị cáo 5 năm tù. Viện KSND xét thấy mức án này là hơi nặng, nhưng do bị cáo kháng cáo kêu oan nên tại phiên phúc thẩm, Tòa chỉ tập trung chứng minh bị cáo oan hay không oan, không để cập đến việc giảm nhẹ tội cho bị cáo.
 
Từ những phân tích trên, Viện KSND đề nghị chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Dũng “Bắc Cạn”, Ánh, Sơn, Phong, Trọng và bác kháng cáo kêu oan của bị cáo Tuấn.
 
 
Dương Tự Trọng và các bị cáo trong phiên xử chiều nay

Các bị cáo đứng nghe đại diện Viện KSND nêu ý kiến kết luận vụ án

14h25, Kết lại, đại diện Viện KSND cho rằng, bản án sơ thẩm quy kết các bị cáo phạm vào khoản 3 Điều 275 Bộ luật hình sự có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng các quy định của pháp luật.

Về mức hình phạt, đại diện Viện KSND nêu quan điểm, Dương Tự Trọng giữ vai trò chính, chủ mưu, cầm đầu. Trọng là cán bộ công an cao cấp, biết Dũng bị khởi tố, có lệnh bắt và đang có ý định trốn nhưng đã không giữ lập trường, yêu cầu cấp dưới móc nối với các đối tượng hình sự tổ chức cho Dương Chí Dũng trốn đi nước ngoài.

Dương Tự Trọng còn trực tiếp chuẩn bị, cung cấp tiền, điện thoại, tổ chức cho Dương Chí Dũng bỏ trốn. Mặc dù có nhiều tình tiết giảm nhẹ song các tình tiết này đã được bản án sơ thẩm áp dụng. Tại phiên tòa sơ thẩm, Dương Tự Trọng tỏ ra ngoan cố, khai báo không thành khẩn, thể hiện thái độ coi thường pháp luật.

Với mức hình phạt 18 năm tù dành cho Dương Tự Trọng, đại diện Viện KSND cho là cao. “Tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay và trong đơn kháng cáo xin giảm án, Dương Tự Trọng đã khai báo thành khẩn. Viện KSND cho rằng cần thiết áp dụng điểm p khoản 1, Điều 46 Bộ luật tố tụng hình sự, xem xét giảm án cho Dương Tự Trọng.” - đại diện Viện KSND nêu.

 
Dương Tự Trọng quay xuống nói chuyện với các bị cáo

Dương Tự Trọng quay xuống nói chuyện với các bị cáo
 
Dương Chí Dũng trước phiên xử chiều nay

Dương Chí Dũng trước phiên xử chiều nay
 
14h chiều nay, 22/5, HĐXX Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục phiên xét xử phúc thẩm Dương Tự Trọng cùng đồng phạm trong vụ án “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài”.  
 
Mở đầu buổi xử là phần tranh luận. Đại diện Viện KSND thực hành quyền công tố, nêu ý kiến kết luận.
 
Lược lại nội dung vụ án cũng như bản án sơ thẩm, đại diện Viện KSND nhấn mạnh, hành vi tổ chức đưa Dương Chí Dũng trốn ra nước ngoài của các bị cáo là nghiêm trọng. Các bị cáo thực hiện hành vi với thủ đoạn tinh vi, thường xuyên thay đổi điện thoại để liên lạc.
Đại diện Viện KSND nhận định, mỗi bị cáo được giao từng phần việc nhưng các bị cáo đã kết hợp chặt chẽ với nhau, thực hiện hành vi đưa Dương Chí Dũng trốn thoát. Đáng nói hơn, trong vụ án này có sự tham gia của các cán bộ công an. Những người này đã sử dụng nghiệp vụ công an trong quá trình phạm tội, câu kết với các đối tượng bị truy nã để thực hiện hành vi phạm tội.
 
“Hành vi phạm tội của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng. Bởi lẽ mặc dù các bị cáo biết Dương Chí Dũng đã bị khởi tố và có lệnh bắt tạm giam về tội “Cố ý làm trái…” và “Tham ô”, là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, việc Dương Chí Dũng trốn trót lọt sang Campuchia không những gây khó khăn cho công tác phòng chống tham những, gây dư luận hoài nghi trong nhân dân đối với cơ quan bảo vệ pháp luật của Nhà nước; nếu không bắt được Dương Chí Dũng thì những khoản tiền tham ô và tiền gây thất thoát của Chí Dũng sẽ không thu hồi được, đồng thời gây tốn kém không ít tiền của và sức lực của cơ quan điều tra tổ chức bắt Dũng.” - đại diện Viện KSND nhấn mạnh.
 
Tiến Nguyên