1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Đối diện án tử, bị cáo vụ Đồng Tâm "quên" xin lỗi gia đình chiến sĩ hy sinh

Tiến Nguyên

(Dân trí) - Nói lời sau cùng tại tòa phúc thẩm, hai bị cáo bị Viện Kiểm sát đề nghị y án tử hình chỉ xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt mà không có một lời xin lỗi tới gia đình 3 chiến sĩ công an hy sinh.

Cuối giờ chiều 9/3, trước khi vào nghị án, HĐXX phúc thẩm vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Đồng Tâm (Mỹ Đức, Hà Nội) cho phép các bị cáo nói lời sau cùng.

Đối diện án tử, bị cáo vụ Đồng Tâm quên xin lỗi gia đình chiến sĩ hy sinh - 1
Bị cáo Lê Đình Công nói lời sau cùng trước tòa.

Trong lời trình bày của mình, hai bị cáo bị đề nghị y án tử hình là Lê Đình Công và Lê Đình Chức xin Tòa án cấp phúc thẩm xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bản thân nhưng không có một lời xin lỗi gửi tới gia đình 3 chiến sĩ công an hy sinh.

Bị cáo Lê Đình Công cho rằng, trong vụ án xảy ra ngày 9/1/2020, bị cáo và các bị cáo khác không hề bàn bạc, không được ai giao nhiệm vụ; hoàn toàn không có 3 cuộc họp tại nhà ông Lê Đình Kình...

Bị chủ tọa ngắt lời, yêu cầu tập trung vào lời nói sau cùng, Lê Đình Công đề nghị HĐXX xem xét bị cáo có phải là chủ mưu hay không.

"Bị cáo đã hối cải, thành khẩn khai báo trước cơ quan điều tra, xin HĐXX xem xét để bị cáo được hưởng khoan hồng, được hưởng mức án phù hợp!" - bị cáo Công nói.

Trình bày ngắn gọn, bị cáo Lê Đình Chức mong HĐXX xem xét hoàn cảnh, sức khỏe của bị cáo cũng như các tình tiết giảm nhẹ mà luật sư của bị cáo đưa ra để giảm nhẹ mức hình phạt cho bị cáo.

Tỏ ra ăn năn, hối lỗi, bị cáo Bùi Viết Hiểu trình bày, năm nay bị cáo đã 78 tuổi, sức khỏe yếu, mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt để bị cáo được trở về với con cháu.

Sau khi xin HĐXX xem xét chuyển đổi tội danh, bị cáo Nguyễn Quốc Tiến xin Tòa chút thời gian gửi lời xin lỗi tới gia đình 3 chiến sĩ đã hy sinh.

"Bị cáo rất đau buồn khi biết 3 chiến sĩ công an hy sinh ở Đồng Tâm vì hành vi của các bị cáo. Bị cáo có mặt tại hiện trường nhưng không nhìn thấy để ngăn chặn… Mong 3 gia đình các chiến sĩ tha thứ, cầu xin 3 gia đình xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo để bị cáo sớm được trở về!" - bị cáo Tiến khẩn khoản.

Trong lời nói sau cũng, bị cáo Lê Đình Doanh (người bị đề nghị y án chung thân) cũng gửi lời xin lỗi tới gia đình 3 chiến sĩ; đồng thời mong HĐXX xem xét khi lượng hình.

Trình bày dài dòng và liên tục bị chủ tọa ngắt lời, bị cáo Bùi Thị Nối cho biết, bà là người ít học nên "nhờ các luật sư chủ động cho bị cáo". Bà nói, bà là người ăn chay, niệm Phật, không làm điều gì đáng tiếc, xin HĐXX tạo điều kiện giúp mình…

HĐXX tuyên bố nghị án. 18h chiều nay 9/3, Tòa sẽ tuyên án.

Trước đó, sáng cùng ngày, nêu quan điểm giải quyết vụ án, đại diện Viện KSND Cấp cao tại Hà Nội đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm giữ nguyên hình phạt đối với các bị cáo có kháng cáo.

Tại bản án sơ thẩm, TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt Lê Đình Công, Lê Đình Chức tử hình; Lê Đình Doanh tù chung thân; Bùi Viết Hiểu 16 năm tù và Nguyễn Quốc Tiến 13 năm tù cùng về tội "Giết người". Bị cáo Bùi Thị Nối bị tuyên phạt 6 năm tù giam về tội "Chống người thi hành công vụ".

Nhận định về vụ án, đại diện Viện KSND Cấp cao tại Hà Nội cho rằng, hành vi của các bị cáo đặc biệt nguy hiểm, bất chấp pháp luật, coi thường tính mạng, sức khỏe của người khác. Hành vi phạm tội có tổ chức, cách thức thực hiện tội phạm dã man. Hậu quả, 3 chiến sĩ công an làm nhiệm vụ đã hy sinh.

Hành vi của các bị cáo là giết người có tổ chức, giết nhiều người, giết người đang thi hành công vụ, giết người bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người, có tính chất côn đồ… Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt các bị cáo Lê Đình Công và Lê Đình Chức mức án tử hình là có căn cứ và nghiêm khắc, cần thiết.

Bị cáo Lê Đình Doanh (là cháu của Lê Đình Kình, Lê Đình Chức và con của Lê Đình Công) bị xử phạt chung thân là đã thể hiện tính nhân văn của pháp luật.

Các bị cáo Bùi Viết Hiểu và Nguyễn Quốc Tiến không có tình tiết giảm nhẹ mới đặc biệt nên VKS đề xuất y án sơ thẩm.