Đề nghị để luật sư tham gia “đầy đủ” phiên giám đốc thẩm Hồ Duy Hải
(Dân trí) - Liên đoàn Luật sư Việt Nam vừa có văn bản kiến nghị Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xem xét yêu cầu của luật sư Trần Hồng Phong là được tham gia đầy đủ phiên tòa giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải.
Văn bản nêu trên do TS.LS.Phan Trung Hoài - Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam ký ngày 7/5, được gửi tới ông Nguyễn Hòa Bình - Chánh án TAND Tối cao, Chủ tọa phiên tòa giám đốc thẩm cùng Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao và Viện KSND tối cao.
Nội dung văn bản cho biết, ngày 7/5, Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhận được đơn đề nghị của luật sư Trần Hồng Phong về việc hỗ trợ luật sư được tham gia đầy đủ và trình bày ý kiến, tranh luận tại phiên tòa giám đốc thẩm xét xử vụ án Hồ Duy Hải.
Trong vụ án này, Hải bị kết án về các tội “Giết người”, “Cướp tài sản” xảy ra ở tỉnh Long An do có kháng nghị của Viện trưởng VKSND Tối cao. Phiên tòa giám đốc thẩm do Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao tổ chức dự kiến diễn ra từ ngày 6 - 8/5.
Theo nội dung thư mời của TAND Tối cao, luật sư Phong được mời đến tham gia phiên tòa giám đốc thẩm, thời gian được ghi rõ là từ ngày 6- 8/5.
Tuy nhiên, trong buổi sáng ngày 6/5, sau khi luật sư Phong trình bày một số tài liệu, chứng cứ mới trong khoảng thời gian hơn 20 phút, Chủ tọa phiên tòa giám đốc thẩm thông báo "luật sư Phong không cần tiếp tục tham gia phiên tòa nữa".
Lý do được đưa ra, phần sau của phiên tòa là phần xét xử “mang tính nội bộ”, không cần có luật sư tham gia. Ngay sau đó, ông Phong đã nêu ý kiến và làm văn bản đề nghị xin được tham gia đầy đủ hết thời gian phiên tòa nhưng không được Hội đồng Thẩm phán chấp thuận.
Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng, vụ án “Giết người’, “Cướp tài sản” mà người bị kết án Hồ Duy Hải đã trải qua 12 năm, thu hút sự quan tâm rộng rãi không chỉ của các chủ thể tiến hành, tham gia tố tụng, mà còn sự vào cuộc của nhiều cơ quan chức năng.
Tại phần phát biểu khai mạc phiên tòa, Chủ tọa phiên tòa đã nêu rõ, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, yêu cầu đặt ra với phiên tòa giám đốc thẩm là phải xem xét cẩn trọng, khách quan, không làm oan sai và không bỏ lọt tội phạm…
Tuy nhiên, nếu trình bày nêu trong đơn đề nghị hỗ trợ là đúng, việc luật sư Phong không được tham gia đầy đủ, xuyên suốt phiên tòa giám đốc thẩm có thể ảnh hưởng đến việc bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp của người bị kết án, cũng như quyền và nghĩa vụ của người bào chữa.
Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng, theo quy định tại khoản 2 Điều 386 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, khi người bào chữa đã được mời và có mặt tại phiên tòa giám đốc thẩm thì có quyền và được tạo điều kiện để trình bày hết ý kiến, tranh luận dân chủ, bình đẳng trước tòa.
Chính vì vậy, Liên đoàn Luật sư Việt Nam chuyển đơn của luật sư Trần Hồng Phong đến Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao và Chủ tọa phiên tòa để xem xét đề nghị của ông Phong được tham gia đầy đủ, được trình bày và tranh luận dân chủ, bình đẳng tại phiên xử cho đến khi kết thúc.
“Việc xem xét, tạo điều kiện cho luật sư tham gia tiếp tục tại phiên tòa giám đốc thẩm sẽ thêm một minh chứng rõ nét về sự ghi nhận và tôn trọng của hệ thống tòa án đối với vị trí, vai trò của người bào chữa, phù hợp với nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm được quy định tại Điều 26 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015…” - văn bản của Liên đoàn Luật sư nêu rõ.
Nguyễn Trường