Cựu chuyên viên Vụ Hợp tác quốc tế "quay xe", khai chị gái nhận hộ tiền
(Dân trí) - Theo Tuấn, ở phần xét hỏi và khi làm việc với cơ quan điều tra, bị cáo rất thương chị gái nên đã khai chị "không nhận hộ các khoản tiền hối lộ do doanh nghiệp chuyển đến".
Tại buổi xét xử đại án "chuyến bay giải cứu" sáng 18/7, các luật sư, bị cáo tiến hành bào chữa.
Một bị cáo thay đổi lời khai
Trong bản luận tội của Viện kiểm sát nêu rõ, trong quá trình điều tra và kết quả thẩm vấn công khai tại phiên tòa, bị cáo Ngô Quang Tuấn (cựu Chuyên viên Vụ Hợp tác Quốc tế Bộ Giao thông Vận tải) không thừa nhận hành vi phạm tội.
Tuy nhiên, tại phần bào chữa sáng nay, cựu chuyên viên bất ngờ thay đổi lời khai, thừa nhận hành vi phạm tội của mình.
Theo Tuấn, ở phần xét hỏi và khi làm việc với cơ quan điều tra, bị cáo rất thương chị gái nên đã khai chị "không nhận hộ các khoản tiền hối lộ do doanh nghiệp chuyển đến".
Bị cáo nghĩ rằng khai chị không nhận hộ các khoản tiền, bản thân không nhận hối lộ, thì chị gái sẽ không bị xử lý hình sự.
"Hiện bị cáo vô cùng hối hận và đã nhận thức được sai phạm của mình", bị cáo Tuấn nói.
Thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa Vũ Quang Huy quyết định quay trở lại xét hỏi Tuấn.
Trả lời hội đồng xét xử, Tuấn khẳng định có nhận tiền của đại diện các doanh nghiệp xin cấp phép chuyến bay giải cứu thời điểm dịch Covid-19.
Cụ thế, cựu Chuyên viên Vụ Hợp tác Quốc tế Bộ Giao thông Vận tải đã nhận của bị cáo Nguyễn Thị Tường Vy (Giám đốc Công ty ATA Việt Nam) 1,3 tỷ đồng qua tài khoản của chị gái Ngô Thị Lan Phương; nhận của bị cáo Phan Thị Mai (Giám đốc Công ty cổ phần Quốc tế Sao Hà Nội) 200 triệu đồng tiền mặt tại quán cà phê ở quận Cầu Giấy và một số lần khác.
"Bị cáo rất mong được tòa xem xét lại hành vi của chị bị cáo", ông Tuấn nói.
Sau đó, bà Lan Phương xác nhận lời khai của em trai. Khi vụ án bị phát giác, bà đã chuyển trả lại tiền cho Tường Vy cùng nhóm đại diện doanh nghiệp khác.
Bà Phương khai, ở giai đoạn điều tra, truy tố và xét hỏi tại tòa, do lo sợ làm ảnh hưởng đến sinh mệnh chính trị của em trai nên đã khai không đúng sự thật.
Trước đó, khi nêu quan điểm luận tội, Viện kiểm sát đề cập đến trường hợp chị gái của bị cáo Ngô Quang Tuấn đã giao nộp cho HĐXX một tập chứng cứ là tài liệu tin nhắn trao đổi giữa bà Phương và bị cáo Tường Vy, thể hiện giao dịch dân sự giữa 2 người chứ không phải tiền Vy đưa hối lộ cho Tuấn thông qua bà.
"Xét thấy hành vi của Ngô Thị Lan Phương có dấu hiệu của tội Che giấu tội phạm, cần tiếp tục điều tra làm rõ trong giai đoạn 2 của vụ án", đại diện VKS nêu.
Trong hồ sơ vụ án, cơ quan truy tố cáo buộc, quá trình đề xuất trình lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải duyệt ký công văn trả lời Bộ Ngoại giao để tổ chức các chuyến bay đưa công dân về nước, Tuấn đã có hành vi nhận hối lộ để giúp doanh nghiệp sớm có văn bản gửi Bộ Ngoại giao.
Theo VKS, quá trình điều tra và thẩm vấn công khai tại phiên tòa, bị cáo Tuấn không thừa nhận hành vi phạm tội. Nhưng dựa vào lời khai của Tuấn; các bị cáo khác; chị gái Tuấn..., có đủ căn cứ kết luận, Tuấn đã nhận hối lộ 9 lần, tổng hơn 1,8 tỷ đồng từ doanh nghiệp.
VKS đánh giá, hành vi của Ngô Quang Tuấn cấu thành tội Nhận hối lộ. Do bị cáo không khai nhận hành vi phạm tội và không tích cực khắc phục hậu quả nên cần thiết phải áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc, tương xứng để răn đe.
Ngô Quang Tuấn sau đó bị VKS đề nghị mức án 5-6 năm tù.
"Bàn tay trót đã nhúng chàm, vậy rồi dừng lại biết làm sao đây"
Tự bào chữa cho bản thân, bị cáo Trần Văn Tân (cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam) cho biết đã nhận thức được hành vi sai phạm, thừa nhận những yếu tố cấu thành tội phạm như trong cáo trạng nêu.
"Bàn tay trót đã nhúng chàm, vậy rồi dừng lại biết làm sao đây", cựu Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nói trước tòa.
Theo bị cáo Tân, quá trình thực hiện công việc, ông đã làm hết sức. Về lý bị cáo nhận sai nhưng về tình, cựu chủ tịch tỉnh cho biết hoàn toàn không có lợi ích riêng, không gây khó khăn cho các doanh nghiệp.
"Mỗi lần gặp bị cáo Hằng (Phó Giám đốc Công ty Blue Sky), bị cáo đều dặn cần phải thực hiện tốt việc chăm lo cho đời sống công dân. Khi công dân về đến nơi phải có nơi cư trú, hỏi xem quê quán ở đâu, ăn ở thế nào. Khi công nhân về, gặp khó khăn thì cơ sở khách sạn không được nhận tiền, không được nâng giá, chèn ép", bị cáo phân trần.
Trước tòa, ông Tân cũng một lần nữa nhắc lại chi tiết từng dặn Hằng không được gửi quà cho bị cáo.
"Bị cáo mong tòa thực hiện chủ trương nhân đạo, nhân văn; xem xét tình tiết ăn năn, thành khẩn khai báo ngay từ đầu, tích cực khắc phục của bị cáo", cựu Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nói.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Tân cũng liệt kê một số tình tiết giảm nhẹ cho thân chủ như: Có đơn của các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo; có nhiều bằng khen, giấy khen, thành tích khi công tác.